Thiết bị AI cầm tay giá 199 USD của Rabbit gây sốt sau CES 2024: Điều ít biết về CEO

Thế giới số - Ngày đăng : 10:25, 23/01/2024

Do công ty khởi nghiệp Rabbit phát triển, thiết bị cầm tay R1 đang nhanh chóng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng khi ra mắt vào tháng 1.2024 tại triển lãm công nghệ CES 2024. Có giá 199 USD, R1 được coi là một cách mới để tương tác với trí tuệ nhân tạo (AI) ngoài smartphone và máy tính.
Thế giới số

Thiết bị AI cầm tay giá 199 USD của Rabbit gây sốt sau CES 2024: Điều ít biết về CEO

Sơn Vân 23/01/2024 10:25

Do công ty khởi nghiệp Rabbit phát triển, thiết bị cầm tay R1 đang nhanh chóng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng khi ra mắt vào tháng 1.2024 tại triển lãm công nghệ CES 2024. Có giá 199 USD, R1 được coi là một cách mới để tương tác với trí tuệ nhân tạo (AI) ngoài smartphone và máy tính.

Rabbit (có trụ sở tại thành phố Santa Monica, bang California, Mỹ) đã bán hết R1 trong 5 đợt đặt hàng trước kể từ khi ra mắt.

Do doanh nhân công nghệ Jesse Lyu Cheng (Trung Quốc) thành lập, Rabbit gây sốt trong giới truyền thông với R1, chiếc hộp màu cam cỡ lòng bàn tay được coi là thiết bị bổ sung cho kho tiện ích của người dùng.

Tuần trước, Rabbit cho biết trên mạng xã hội X rằng hãng đang bắt đầu cho đặt hàng trước lô Rabbit R1 thứ 6 gồm 50.000 chiếc, sau khi vừa bán hết 10.000 thiết bị này.

Kể từ OpenAI phát hành ChatGPT vào tháng 11.2022, đưa các mô hình ngôn ngữ lớn và AI tạo sinh đi vào nhận thức của công chúng, các công ty khởi nghiệp và hãng công nghệ lớn trên toàn cầu đã chạy đua để khám phá thế hệ tiếp theo của các thiết bị AI có thể cách mạng hóa việc con người và máy móc tương tác, vượt qua trải nghiệm mà smartphone (chủ yếu tập trung vào ứng dụng) ngày nay có thể mang lại.

AI tạo sinh là một loại AI có mục tiêu chính là tạo ra thông tin mới, thường thông qua quá trình học máy và học sâu. Loại AI này không chỉ giải quyết các nhiệm vụ cụ thể, mà còn có khả năng tạo ra dữ liệu, văn bản, hình ảnh, âm thanh và nhiều loại thông tin khác.

Một ví dụ nổi tiếng về AI tạo sinh là mô hình ngôn ngữ lớn GPT (Generative Pre-trained Transformer) của OpenAI. GPT có khả năng tạo ra văn bản mới, dựa trên dữ liệu mà nó đã được huấn luyện trước đó. AI tạo sinh có thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng, gồm tạo văn bản, hình ảnh, âm thanh và thậm
chí trong việc giải quyết vấn đề trong lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo và thiết kế.

Các nhà sản xuất thiết bị cầm tay như Xiaomi và Huawei cùng những hãng sản xuất máy tính xách tay như Dell, Lenovo, HP đều đang nghiên cứu thiết bị thông minh hỗ trợ AI trong năm 2024.

Jesse Lyu Cheng, Giám đốc điều hành Rabbit, đã mơ về viễn cảnh đưa một thiết bị hỗ trợ AI chuyên dụng đến với hàng tỉ người tiêu dùng.

Trong video ra mắt R1, Jesse Lyu Cheng cho biết dù những thành tựu gần đây về mô hình ngôn ngữ lớn giúp máy móc hiểu con người dễ dàng hơn nhiều, nhưng “những trợ lý kỹ thuật số này vẫn gặp khó khăn để hoàn thành công việc”.

“Chúng tôi muốn tìm cách để thiết bị AI của mình kích hoạt các hành động thay mặt người dùng trên tất cả môi trường… iOS, Android và máy tính để bàn”, ông nói trong video.

thiet-bi-ai-cam-tay-r1-cua-rabbit-gia-199-usd-gay-sot-sau-ces-2024-dieu-it-biet-ve-ceo-jesse-lyu-cheng.jpg
Rabbit R1 là thiết bị hỗ trợ AI thực hiện một số tác vụ nhất định thay mặt người dùng khi được yêu cầu - Ảnh: Handout

Rabbit hợp tác với công ty thiết kế Teenage Engineering để tạo ra R1, thiết bị màu cam sáng có vẻ ngoài cổ điển gợi nhớ đến máy chơi game cầm tay những năm 1990.

R1 có một bánh xe cuộn có thể nhấn để truy cập các chức năng tích hợp sẵn, gồm cả điều khiển bằng giọng nói. Phía trên bánh xe cuộn là một camera xoay để chụp ảnh và quay video, nằm bên phải màn hình cảm ứng 2,88 inch. Kích thước và trọng lượng của R1 chỉ 115 gram, giúp bạn dễ dàng bỏ túi.

Không yêu cầu kết nối với thiết bị khác để hoạt động, R1 chạy trên bộ xử lý MediaTek tốc độ 2,3 GHz, có RAM 4GB và dung lượng lưu trữ 128GB. Tuy nhiên, điểm nhấn thực sự của R1 nằm ở hệ điều hành độc đáo dựa trên cái mà Rabbit gọi là “mô hình hành động lớn”. Đó là mô hình nền tảng do Rabbit tự thiết kế, nhằm mục đích học tập mong muốn và hành vi của người dùng.

Ví dụ, sau khi thấy cách người dùng tương tác với ứng dụng giao đồ ăn hoặc ứng dụng gọi xe, R1 có thể thực hiện các hành động tương tự theo lệnh.

R1 là trợ lý AI nhỏ gọn hứa hẹn sẽ giúp bạn giải phóng tay và mắt khỏi màn hình smartphone. Thay vì cúi mặt vào từng ứng dụng, bạn chỉ cần trò chuyện với R1 để AI tiếp nhận thao tác và thực hiện trên nền tảng đám mây chuyên biệt.

R1 rất hữu ích với những người muốn giải quyết chứng nghiện smartphone vì cuộn ứng dụng giúp bạn. Rabbit cho biết một số ứng dụng phổ biến mà R1 có thể thao tác giúp người dùng là Spotify, Apple Music, DoorDash, Uber, Amazon…

Ngoài ra, R1 mang đến cách mới để đặt đồ ăn hoặc tra cứu bất kỳ câu hỏi ngẫu nhiên nào có thể nảy sinh trong đầu bạn.

Rabbit thông báo đã bán được 10.000 chiếc R1 trong vòng 24 giờ kể từ khi ra mắt tại CES 2024.

Được đăng tải trên YouTube vào ngày 9.1.2024, video giới thiệu R1 đã nhận được hơn 4,9 triệu lượt xem và hơn 56.000 lượt thích.

Theo dữ liệu từ PitchBook, chuyên theo dõi các giao dịch trên thị trường vốn cổ phần tư nhân, tính đến tháng 12.2023, Rabbit đã huy động được 36 triệu USD từ các nhà đầu tư Mỹ, Canada và Hàn Quốc.

thiet-bi-ai-cam-tay-r1-gia-199-usd-cua-rabbit-gay-sot-sau-ces-2024-dieu-it-biet-ve-ceo-jesse-lyu-cheng.jpg
Jesse Lyu Cheng trong video giới thiệu R1 - Ảnh chụp màn hình

Jesse Lyu Cheng học toán tài chính tại Đại học Giao thông Tây An -Liverpool ở thành phố Tô Châu (Trung Quốc) và Đại học Liverpool (Anh). Jesse Lyu Cheng dành năm cuối đại học tại Đại học Nghệ thuật London, nơi ông thành lập Timeet - dịch vụ truyền thông xã hội kết nối người dùng dựa trên lịch trình của họ. Theo báo chí Trung Quốc, Jesse Lyu Cheng đã hai lần lọt vào danh sách 30 gương mặt nổi bật dưới 30 tuổi của tạp chí Forbes.

Sinh năm 1990 tại thành phố Tây An (thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), Jesse Lyu Cheng được biết đến như doanh nhân công nghệ nổi bật. Trước Rabbit, ông đã thành lập Raven Tech - hãng sản xuất thiết bị AI cho nhà thông minh vào năm 2014.

Raven Tech được Baidu, gã khổng lồ tìm kiếm internet và AI của Trung Quốc, mua lại vào tháng 2.2017 trong thương vụ trị giá 90 triệu USD.

Giống như Rabbit, Raven cũng là đối tác ưa thích của các công ty đầu tư mạo hiểm và là công ty Trung Quốc duy nhất nhận được đầu tư từ vườn ươm công nghệ Y Combinator (có trụ sở tại bang California, Mỹ).

Theo PitchBook, trước khi được Baidu mua lại, Raven đã huy động 15 triệu USD trong vòng tài trợ Series A từ quỹ DCM Ventures, ZhenFund và Matrix Partners China.

Hành trình của Jesse Lyu Cheng với Baidu rất ngắn ngủi. Ông rời gã khổng lồ tìm kiếm internet Trung Quốc vào tháng 7.2018, gia nhập hội đồng quản trị Teenage Engineering hồi tháng 5.2020 và thành lập Rabbit 4 tháng sau đó.

Sơn Vân