Từ sự phi lý của giá vàng: Nhà nước có nhất thiết phải độc quyền một thương hiệu vàng?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:55, 25/01/2024
Từ sự phi lý của giá vàng: Nhà nước có nhất thiết phải độc quyền một thương hiệu vàng?
Với những “lạc hậu” của Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng, chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải sửa đổi, không nhất thiết phải độc quyền nhà nước về một thương hiệu vàng.
Tình hình thay đổi, Nghị định 24 không còn phù hợp
Tại cuộc tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững" do Cổng thông tin điện tử chính phủ tổ chức ngày 25.1, các chuyên gia cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường vàng của Việt Nam cũng còn những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý...
Những điều đó đã khiến lượng lớn kim loại quý hiếm này bị "đóng băng", chôn chặt trong két của người dân; biên độ, sự chênh lệnh về giá vàng giao dịch trong nước và thế giới ở một số thời điểm rất lớn; xuất hiện các hành vi buôn lậu, đầu cơ, thao túng vàng để trục lợi…
GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời năm 2012. Thời điểm đó, vàng đang được coi như một phương tiện thanh toán, gần như là tiêu dùng vàng thay cho tiền; hầu như những quan hệ gì giá trị lớn là quy thành vàng.
“Chúng ta nói rằng thời kỳ đó là thời kỳ "vàng hóa nền kinh tế". Nếu cứ để tình trạng đó diễn biến thì hệ lụy là giá trị đồng tiền sẽ không được ổn định, người ta không thể tin tưởng được đồng tiền; không thể quản lý được vấn đề xuất nhập khẩu và ngoại hối. Từ đó dẫn đến chuyện không thể quản lý được vấn đề tỷ giá, làm mất giá trị đồng tiền”, ông Cường nói.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP nhằm hạn chế tình trạng "vàng hóa", dùng vàng để thay thế các công cụ thanh toán. Nghị định này rất kịp thời, có tác dụng khá tốt.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, đến nay tình hình đã thay đổi rất nhiều. Trong khi đó, chúng ta vẫn đang duy trì Nghị định số 24/2012/NĐ-CP với rất nhiều quy định chặt chẽ như: Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng...
Chênh lệch đến phi lý giữa vàng trong nước và thế giới
Theo ông Cường, những năm qua, nhà nước lấy thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia, và chỉ có thương hiệu duy nhất này. “Vàng ngoài độc quyền thì đáng sản xuất vẫn phải sản xuất, phải cung ra, nhưng trên thực tế thì hầu như không có chuyện sản xuất thêm vàng miếng”.
“Tâm lý của người Việt Nam từ xưa đến nay là tích trữ để phòng rủi ro và vàng là phương tiện tích trữ đảm bảo nhất”, ông Cường nêu và cho rằng SJC được xác định là vàng thương hiệu quốc gia thì đương nhiên người tích lũy sẽ chọn. Từ đó, dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu, và giá vàng tăng.
Lý giải về vấn đề vàng không có sự nhập khẩu, ông Cường cho biết Việt Nam không có liên thông. Ví dụ trong nước giá cao, có thể nhập khẩu để cân bằng và ngược lại, nhưng Việt Nam không như thế. Điều này khiến không cân bằng được giữa thị trường vàng trong nước và thế giới, dẫn đến tình trạng thế giới có thể tăng một chút thì trong nước tăng rất cao.
“Có những thời kỳ tăng cao hơn thế giới đến 20 triệu một lượng. Điều này rất phi lý, hậu quả sẽ rất lớn”, ông Cường nêu.
GS Hoàng Văn Cường phân tích, hậu quả là những người có nhu cầu sở hữu vàng, cất trữ vàng sẽ bị thiệt hại, họ phải mua vàng với giá rất cao. Ngoài ra, không bình đẳng giữa những vàng miếng như nhau, có thể chất lượng cùng 9999 như nhau nhưng vàng SJC được nhà nước bảo hộ thì giá rất cao, các vàng khác không được bảo hộ đương nhiên giá sẽ thấp.
Thêm nữa, khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch nhiều đến như thế sẽ sinh lợi cho việc nhập lậu vàng. “Lợi nhuận cao nên người ta sẵn sàng buôn lậu vì dù bị bắt giữ, người ta vẫn có thể bù lại được. Buôn lậu tăng lên thì thất thu thuế, không tạo ra một thị trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng, bị thất thoát về ngoại tệ”, ông Cường nói.
Không nhất thiết phải độc quyền một thương hiệu vàng
GS Hoàng Văn Cường cho rằng trong tình hình hiện nay, rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý và phải sửa đổi Nghị định số 24.
Chẳng hạn, bây giờ không nhất thiết phải độc quyền nhà nước về một thương hiệu vàng. “Có lẽ vàng là một hàng hóa khá thông thường, mọi người đều có thể sử dụng và nhà nước quản lý mặt hàng này rất dễ, không nhất thiết phải độc quyền. Có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân".
“Khi cung được tự do, cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, không còn tình trạng khan hiếm nữa. Tâm lý là càng khan hiếm càng giá tăng, càng đi mua. Không khan hiếm nữa thì tình trạng này sẽ đỡ hơn”, ông Cường nói.
Ông Cường cũng nhấn mạnh phải bỏ các công cụ để liên thông thị trường vàng trong nước với quốc tế, chẳng hạn vấn đề xuất nhập khẩu.
Tất nhiên, theo ông Cường, phải có phương thức quản lý phù hợp. “Không phải cứ duy trì một cơ chế như trước đây là cấp phép, cấp quota theo dạng "xin-cho" mà có thể sử dụng các công cụ tài chính để điều tiết quan hệ xuất nhập khẩu đó. Phải quản lý để tránh tình trạng ồ ạt dùng ngoại tệ nhập vàng vào cho mục đích khác, làm mất cân đối ngoại tệ, mất khả năng điều hành tỷ giá”, ông Cường nêu.
Ông Cường cũng cho hay trong Nghị định số 24 có một điều xác định vấn đề kinh doanh vàng trên tài khoản, nhưng toàn bộ nội dung “không hề mở” nên trong nước chỉ có chuyện mua bán vàng vật chất”. Trong khi đó, xu thế giao dịch của thế giới là phương thức kinh doanh trên sàn thông qua hợp đồng kinh doanh, thông qua các tín chỉ về vàng.
“Nếu chúng ta mở thêm các hình thức kinh doanh vàng qua tài khoản thì khi đó sẽ không bị lệ thuộc quá vào việc nhập khẩu nhiều vàng vào hay ít vàng, mà người ta có thể sử dụng các công cụ như phái sinh sẽ cân đối được ngay cung cầu”, ông Cường nêu, và cho rằng sẽ không còn tình trạng người ta mua vàng về xong để trong nhà tích trữ, làm chết một khối lượng tiền ở đấy.