TP.HCM: Ứng phó như thế nào trước sự xuất hiện biến thể nguy hiểm của COVID-19?
Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:31, 25/01/2024
TP.HCM: Ứng phó như thế nào trước sự xuất hiện biến thể nguy hiểm của COVID-19?
Biến thể phụ JN.1 đã xuất hiện tại TP.HCM. Đây là biến thể gây gia tăng ca mắc và tử vong do COVID-19, đang được ngành y tế TP.HCM triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để ứng phó.
Chia sẻ về việc TP.HCM xuất hiện biến thể phụ JN.1 đang gây ra số ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng cao tại một số quốc gia, chiều 25.1, bác sĩ Lê Hồng Nga – Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết JN.1 là một biến thể phụ từ biến thể BA.2.86 của Omicron, được WHO xếp vào nhóm "biến thể đáng quan tâm".
Sự gia tăng liên tục của JN.1 tại một số quốc gia cho thấy biến thể này có khả năng lây truyền cao hơn, hoặc “lẩn tránh” hệ thống miễn dịch của con người tốt hơn.
“Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy JN.1 gây ra nguy cơ gia tăng đối với sức khỏe cộng đồng so với các biến thể hiện đang lưu hành khác. Nhìn chung, khi mắc COVID-19 thì các triệu chứng có xu hướng giống nhau giữa các biến thể. Triệu chứng và mức độ nghiêm trọng khi mắc COVID-19 thường phụ thuộc nhiều vào khả năng miễn dịch và tình trạng sức khỏe của chúng ta”, bà Nga nói.
Bà Nga cho rằng, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, việc người dân gia tăng giao lưu, đi lại, gặp gỡ là một trong những yếu tố thuận lợi cho việc lây lan các tác nhân gây bệnh hô hấp trong đó có COVID-19. Đặc biệt, đối với những người thuộc nhóm nguy cơ như: người cao tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai… việc tăng cường các biện pháp tự bảo vệ như: vắc xin, quản lý tốt bệnh nền… là điều hết sức quan trọng và cần thiết.
Trước tình hình trên, Sở Y tế giao HCDC giám sát chặt chẽ diễn tiến của bệnh COVID-19 gồm số ca nhập viện, số ca nặng và tử vong: duy trì hoạt động bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trong bối cảnh xuất hiện biến thể phụ JN.1. Thực hiện rà soát, quản lý người thuộc nhóm nguy cơ.
Đối với người thuộc nhóm nguy cơ cao, có bệnh lý nền cần được tập trung bảo vệ; quản lý, điều trị ổn định các bệnh lý không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
Người thuộc nhóm nguy cơ cần được tiêm chủng đầy đủ vắc xin, kể cả COVID-19 và những loại vắc xin khác như phế cầu, viêm hô hấp… Rà soát người thân, người sống cùng gia đình với người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm đầy đủ vắc xin để vận động đi tiêm.
“Hiện chúng tôi đã nhận được nguồn vắc xin COVID-19 do Bộ Y tế cung cấp, và duy trì tổ chức tiêm chủng hàng ngày tại các trạm y tế của 22 quận huyện và TP. Thủ Đức”, bà Nga cho biết.
Bà Nga khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng nước sạch và xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi; ăn uống đầy đủ để cơ thể khỏe mạnh, ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những người có triệu chứng mắc bệnh cần đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người thuộc nhóm nguy cơ, đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị.