35% hay 51% vốn nhà nước trong DN thì được quyền chi phối?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:43, 25/06/2019
Theo dự thảo tờ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, việc sửa đổi các quy định có liên về doanh nghiệp nhà nước để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết trung ương 5 đòi hỏi sửa đổi nhiều nội dung liên quan. Theo đó, cần bổ sung Điều 87a về doanh nghiệp nhà nước, theo hướng liệt kê rõ những doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước.
Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thì áp dụng quy định về tổ chức quản lý theo Chương IV Luật doanh nghiệp. Đồng thời, đổi tên Chương từ ‘doanh nghiệp nhà nước’ thành doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ’.
Doanh nghiệp có cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước thì tùy vào hình thức pháp lý sẽ áp dụng quy định về tổ chức quản lý tương ứng áp dụng chung cho các doanh nghiệp.
Đối với quy định về công ty TNHH có phần vốn góp chi phối của Nhà nước phải thành lập Ban kiểm soát (trước đây chỉ yêu cầu nếu có trên 11 thành viên); bổ sung điều kiện tiêu chuẩn, điều kiện giám đốc – điều kiện chuyên môn, kinh nghiệp, mở rộng đối tượng người có liên quan không được làm giám đốc để bao gồm: anh, em chồng, con rể, con dâu; quy định rõ hơn về chấp thuận hợp đồng giao dịch với người có liên quan; bổ sung về minh bạch hóa, công khai hóa thông tin.
Đối với công ty cổ phần có cổ phần chi phối của nhà nước, hoàn thiện các nội dung sau đây: quy định rõ về cổ phần ưu đãi biểu quyết (cổ phần ‘vàng’ của nhà nước – không giới hạn về thời gian và mức độ biểu quyết ưu đãi; bổ sung quy định về Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR); bổ sung điều kiện tiêu chuẩn, điều kiện thành viên HĐQT, giám đốc – điều kiện chuyên môn, đối tượng người có liên quan không được làm giám đốc...
Về vấn đề này, có 2 loại ý kiến khác nhau trong việc xác định tiêu chí "cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước"; cụ thể là:
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định "cổ phần, phần vốn góp chi phối của Nhà nước" là trường hợp Nhà nước sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Quy định như vậy sẽ luôn bảo đảm để chủ sở hữu Nhà nước chi phối một cách chủ động việc ban hành đa số quyết định thông thường của doanh nghiệp vì theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì các quyết định loại này được thông qua khi được cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biếu quyết chấp thuận.
Mặt khác, việc áp dụng tỷ lệ đa số từ 51% vốn điều lệ của chủ sở hữu Nhà nước sẽ không gây nhiều nghi ngại của các thành viên, cổ đông tư nhân cho rằng, doanh nghiệp có phần vốn góp, cổ phần đa số của thành viên, cổ đông tư nhân vẫn bị coi là DNNN và bị Nhà nước kiểm soát.
Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây khó khăn, vướng mắc trong quản trị doanh nghiệp, tác động không tốt đến tiến trình cơ cấu lại DNNN.
Ngoài ra, việc thực hiện phương án này sẽ không dẫn đến thay đổi lớn, đòi hỏi phải sửa đổi cơ bản các quy dịnh về DNNN vì hệ thống quy định về giám sát, quản lý DNNN hiện nay đang phân loại theo tiêu chí tương tự.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định "cổ phần, phần vốn góp chi phối" là trường hợp Nhà nước sở hữu trên 35% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Quy định này được đề xuất trên cơ sở quan điểm cho rằng phải hạ thấp tỷ lệ vốn điều lệ của chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp xuống 35% để mở rộng khái niệm DNNN theo nghĩa "chi phối" với phạm vi rộng nhất.
Nghĩa là, trong trường hợp chủ sở hữu Nhà nước nắm giữ trên 35% vốn điều lệ thì quyết định của doanh nghiệp có thể không được thông qua nếu không được sự ý kiến đồng ý của chủ sở hữu Nhà nước.
Quy định như vậy sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của DNNN.
Lam Thanh