Đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 09:10, 25/06/2019

Dự thảo tờ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh
Đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ - Ảnh: Dân Trí

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Theo đó, việc bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh có mục tiêu đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với dịch vụ này, hạn chế tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động đòi nợ thuê gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.

Cùng với đó, dự thảo tờ trình đề xuất bãi bỏ 17 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 6 ngành, nghề và bổ sung 3 ngành, nghề.

Việc này dựa trên 4 tiêu chí: ngành, nghề không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; ngành, nghề đã được quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn; chất lượng đầu ra của ngành nghề đó do thị trường, khách hàng lựa chọn, sàng lọc và quyết định; ngành nghề cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có thể lựa chọn, kiểm soát thông qua đấu thầu, đặt hàng của Nhà nước.

Tờ trình cũng đề xuất bổ sung điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư đối với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỉ đồng trở lên để thống nhất với điều kiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, điểm c khoản 2 Điều 15 được sửa đổi để bổ sung một số điều kiện, gồm: có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỉ đồng/năm, chậm nhất sau 3 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động.

Bổ sung cơ chế cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định mức ưu đãi cao hơn để khuyến khích phát triển một ngành, địa bàn đặc biệt hoặc dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội.

Theo đó, đối với các loại dự án này, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng mức ưu đãi đầu tư cao hơn mức ưu đãi theo quy định của pháp luật nhưng không quá 50% mức ưu đãi cao nhất.

Bổ sung quy định về thủ tục lấy ý kiến Bộ Ngoại giao đối với dự án đầu tư tại các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có chiến tranh, nội chiến, bất ổn về chính trị; quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam chưa thiết lập quan hệ ngoại giao; quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam chưa ký kết các hiệp định thương mại tự do, hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.

Xin ý kiến Chính phủ nhiều vấn đề

Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Loại ý kiến thứ nhất: Đề nghị không phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với tất cả các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư vì hầu hết các dự án này đều là dự án quan trọng, nhạy cảm, có tính chất liên ngành, liên vùng cần có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, đề nghị xem xét thu hẹp phạm vi dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo hướng: Giao UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf, dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỉ đồng trở lên vì tiêu chí xác định dự án này không hợp lý, chỉ dựa giá trị vốn đầu tư của dự án mà không phân biệt ngành, nghề, hình thức đầu tư... dẫn đến nhiều vướng mắc, lúng túng trong việc áp dụng thủ tục đầu tư phù hợp.

Mặt khác, những dự án quan trọng, nhạy cảm cần có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đều đã được quy định tại cụ thể tại Điều 31 của Luật Đầu tư. Việc bỏ quy định này giúp giảm số lượng dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Loại ý kiến thứ hai: Thủ tướng Chính phủ không xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư và giao toàn bộ các dự án này cho UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định để góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Về quy định đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cơ chế quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư không đơn giản chỉ là quản lý dòng tiền mà được xem xét trên cơ sở mục tiêu, địa điểm đầu tư ở nước ngoài nhằm bảo đảm cân đối vĩ mô và phân bổ các nguồn lực đầu tư trong nước cũng như đầu tư ở nước ngoài.

Do vậy, việc bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài là chưa phù hợp với điều kiện quản lý của Việt Nam, gây khó khăn trong cân đối vĩ mô và kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài.

Mặt khác, việc áp dụng chế độ đăng ký chuyển tiền ra nước ngoài tại cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối cần được cân nhắc bởi cơ quan này không có thẩm quyền quản lý hoạt động đầu tư, trong đó có hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và thay bằng cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối.

Việc bỏ loại giấy này không phải là giải pháp nhằm tự do hóa dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, đồng thời cũng không đồng nghĩa với việc từ bỏ hay nới lỏng quản lý nhà nước đối với hoạt động này mà chỉ nhằm thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ chế độ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sang chế độ quản lý, sử dụng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý chuyên ngành.

Lam Thanh