Liệu pháp mRNA đem lại tiềm năng điều trị ung thư buồng trứng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:00, 26/01/2024
Liệu pháp mRNA đem lại tiềm năng điều trị ung thư buồng trứng
Trang Interesting Engineering cho biết giới khoa học đang được nhiều đột phá ở lĩnh vực nghiên cứu về ung thư, một trong số đó là sử dụng liệu pháp RNA thông tin (mRNA) cho điều trị.
Một nhóm nghiên cứu Đại học Tel Aviv (Israel) tìm ra cách tiêu diệt có chọn lọc tế bào ung thư trong cơ thể người bằng độc tố vi khuẩn và phân tử mRNA. Và giờ đây một nhóm khác từ Đại học Goethe Frankfurt (Đức) cùng bệnh viện Đại học Frankfurt tiến hành nghiên cứu trên chuột nhằm khám phá tiềm năng dùng liệu pháp mRNA điều trị ung thư buồng trứng.
Tiến sĩ Monika Raab (Đại học Goethe Frankfurt) cho biết: “Chúng tôi tạo ra một mRNA mang protein p53 bình thường không bị đột biến rồi đưa vào túi lipid nhỏ gọi là liposome, sau đó thử nghiệm trên nhiều tế bào ung thư khác nhau. Tế bào đã sử dụng mRNA nhân tạo sản sinh p53 chức năng”. Liệu pháp thành công chống lại tế bào ung thư trong ống nghiệm lẫn khối u trong cơ thể chuột, theo nhóm nghiên cứu.
Do gien p53 bị đột biến và mất chức năng ức chế khối u nên 96% bệnh nhân ung thư buồng trứng giai đoạn muộn thường phải chịu diễn tiến nặng, đáp ứng hạn chế với loạt liệu pháp điều trị hiện tại. Thành công của liệu pháp trên là nhờ những tiến bộ gần đây trong công nghệ mRNA chẳng hạn như tăng tuổi thọ bản phiên mã cũng như ngăn hệ thống miễn dịch can thiệp. Giáo sư Klaus Strebhardt (Bệnh viện Đại học Frankfurt) nhấn mạnh kết quả thí nghiệm rất thuyết phục: “Với sự trợ giúp của mRNA nhân tạo, tế bào chuột sản sinh lượng lớn protein p53 chức năng dẫn đến khối u lẫn di căn gần như biến mất hoàn toàn”. Hiện nhóm chưa tiến hành thử nghiệm trên người.
mRNA là vật chất di truyền giúp tạo protein. Đưa mRNA nhân tạo vào cơ thể sẽ kích thích cơ chế sản sinh protein tương ứng chống lại mầm bệnh nhất định. Liệu pháp này trở nên nổi tiếng khi được các hãng dược toàn cầu như Pfizer, Moderna sử dụng để điều chế vắc xin COVID-19.