Xã Khánh Thuận nỗ lực vượt khó

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:15, 26/01/2024

Năm 2023, tình hình thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, cùng những nỗ lực, quyết tâm của UBND xã Khánh Thuận, huyện U Minh (Cà Mau), kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương đã đạt các chỉ tiêu Nghị quyết HĐND xã đề ra.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Xã Khánh Thuận nỗ lực vượt khó

Trần Khải 26/01/2024 21:15

Năm 2023, tình hình thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, cùng những nỗ lực, quyết tâm của UBND xã Khánh Thuận, huyện U Minh (Cà Mau), kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương đã đạt các chỉ tiêu Nghị quyết HĐND xã đề ra.

Sản xuất nông nghiệp được mùa

Năm 2023, thời tiết thuận lợi đã giúp cho việc sản xuất nông nghiệp ở xã Khánh Thuận gặp nhiều thuận lợi. Trong vụ lúa trên đất nuôi tôm vừa qua, nông dân địa phương trúng mùa, được giá nên bà con rất phấn khởi. Đến thời điểm này, địa phương đã thu hoạch dứt điểm hơn 2.300ha lúa, đạt 110,67% kế hoạch. Trong đó, có 45ha sản xuất theo hướng hữu cơ do Phòng NN-PTNT huyện U Minh thực hiện trình diễn tại ấp 10 đã góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ-HU ngày 26.3.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện U Minh.

anh-1-mo-hinh-lua-tom-o-xa-khanh-thuan-trung-mua-duoc-gia.jpg
Mô hình lúa - tôm ở xã Khánh Thuận trúng mùa, được giá

Xã Khánh Thuận có 2.300ha đất nuôi tôm, trong đó 800ha nuôi quảng canh và 1.500ha nuôi quảng canh cải tiến. Kết quả, sản lượng thủy sản năm 2023 của địa phương này là 2.540 tấn, đạt 100,7% chỉ tiêu được giao.

Gia đình ông Mai Văn Nông (ngụ ấp 9, xã Khánh Thuận) có 1,5ha đất canh tác lúa tôm. Vụ lúa vừa qua gia đình ông thu hoạch gần 3 tấn lúa và bán với giá 9.300 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Nông còn lãi khoảng 20 triệu đồng. Phấn khởi hơn, vụ tôm càng xanh nuôi xen canh trên ruộng lúa đã giúp gia đình ông có thêm nguồn thu nhập khá để mua sắm cho dịp tết.

“Tôi vừa thu hoạch trên 300kg tôm càng xanh bán với giá 90.000 đồng/kg, trừ chi phí sản xuất tôi còn lãi hơn 20 triệu đồng. Vụ lúa tôm năm nay được mùa, được giá nên nông dân chúng tôi có thêm niềm vui trước thềm năm mới Giáp Thìn”, ông Nông nói.

anh-2-xa-khanh-thuan-chu-trong-phat-trien-kinh-te-rung.jpg
Xã Khánh Thuận chú trọng phát triển kinh tế rừng

Đánh giá về vụ tôm càng xanh trên ruộng lúa, ông Phạm Quốc Thiện, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Thuận cho hay, mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa của xã năm nay đạt hiệu quả cao.

“Vụ lúa - tôm càng xanh năm nay ở địa phương rất hiệu quả. Để có được vụ mùa thành công, địa phương đã cử cán bộ chuyên môn thường xuyên sâu sát, chỉ dẫn quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi và hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký sản xuất. Đồng thời, phối hợp với cấp trên tổ chức tập huấn kỹ thuật, quy trình chăm sóc và cách phòng trừ dịch bệnh trên tôm càng xanh cho các hộ dân.

Tổng diện tích lúa được gieo sạ trên địa bàn xã là 2.290ha, sản lượng 9.134 tấn, giá bán từ 9.000 - 12.000/kg và 1.470ha nuôi tôm càng xanh, sản lượng đạt từ 250 - 300kg/ha, giá bán dao động từ 80.000 - 110.000 đồng/kg được thương lái đến tận nơi thu mua. Được mùa, trúng giá nên bà con có tiền để sắm sửa đón Tết Giáp Thìn. Nhìn chung, năng suất lúa - tôm càng xanh và giá cả thị trường đạt cao”, ông Thiện cho biết.

anh-3-nong-dan-xa-khanh-thuan-phan-khoi-vi-duoc-mua-tom-cang-xanh.jpg
Nông dân xã Khánh Thuận phấn khởi vì được mùa tôm càng xanh

Theo Phó chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa tại địa phương bước đầu đã có hiệu quả. Người dân đã nuôi thành công và xuất bán ra thị trường, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

“Để duy trì và nhân rộng mô hình này, thời gian tới UBND xã Khánh Thuận sẽ tiếp tục tuyên truyền cho người dân thành lập các tổ hợp tác cùng nhau thả nuôi tôm cành xanh, đảm bảo nguồn con giống và thức ăn ở khâu đầu vào, kết nối tìm đầu ra ổn định giúp người dân an tâm sản xuất. Từ đó dần tạo được thương hiệu sản phẩm tôm càng xanh của xã Khánh Thuận”, ông Thiện nói.

anh-4-thu-hoach-tom-cang-xanh-o-xa-khanh-thuan.jpg
Thu hoạch tôm càng xanh ở xã Khánh Thuận

Toàn xã Khánh Thuận hiện có 4 hợp tác xã và 7 tổ hợp tác. Theo đánh giá của địa phương, trong thời gian qua các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn hoạt động tương đối hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, đến nay xã Khánh Thuận có 4 sản phẩm gồm: chuối sấy dẻo Minh Quân, rượu trái giác của Công ty TNHH TMDV du lịch sinh thái Huỳnh Quốc Sơn, cam sành của Nông trại Ba Tình, mật ong rừng tràm Năm Quốc được Hội đồng đánh giá cấp tỉnh công nhận đạt 4 sao. Riêng sản phẩm mật ong rừng tràm Năm Quốc còn đạt giải nhì tại “Hội thi mẫu mã bao bì và câu chuyện sản phẩm OCOP” tỉnh Cà Mau.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Ông Huỳnh Hồng Duy, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thuận cho hay, địa phương rất chú trọng công tác chuyển đổi số. Trong thời gian qua, Đảng ủy xã đã chỉ đạo HĐND, UBND, các ngành, đoàn thể xã và nhân dân trên địa bàn triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh Cà Mau về công tác chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

“Xã đã thành lập 3 tổ giúp việc để thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến chuyển đổi số. Đồng thời, thực hiện xử lý văn bản, tài liệu điện tử. Ngoài ra, xã còn thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng 15/15 ấp với 88 thành viên”, ông Duy cho biết.

Theo ông Duy, hiện xã tích cực khuyến khích người dân địa phương thực hiện việc mua - bán thanh toán không dùng tiền mặt. Địa phương đã ký kết phối hợp với Công ty Viettel để triển khai thực hiện.

Điểm mới của công tác phối hợp trên là đưa ra 2 nội dung cần hướng tới:

- Đối với các cơ sở kinh doanh thực hiện khuyến khích cho người mua - người bán bằng cách mỗi cơ sở kinh doanh được hỗ trợ 300.000 đồng/tháng với hình thức thanh toán không qua tiền mặt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng; hỗ trợ 450.000 đồng/tháng với hình thức thanh toán không bằng tiền mặt lớn hơn 15.000.000 đồng; hoàn tiền 5.000 đồng khi phát sinh giao dịch thanh toán qua mã QR tối thiểu 20.000 đồng (không quá 10 giao dịch/tháng).

- Đối với khách hàng thực hiện thanh toán qua tài khoản được hoàn tiền 5.000 đồng khi phát sinh giao dịch thanh toán qua mã QR tối thiểu từ 20.000 đồng/lượt (tối đa 5 giao dịch/tháng).

anh-5-san-xuat-nong-nghiep-huu-co-la-huong-di-cua-nhieu-nong-ho-o-xa-khanh-thuan.jpg
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi của nhiều nông hộ ở xã Khánh Thuận

Kết quả, qua 10 ngày triển khai, trên địa bàn xã Khánh Thuận có 20 cơ sở kinh doanh đăng ký; 100% cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã thực hiện giao dịch trên; thí điểm thanh toán trực tuyến tiền điện qua Viettel Money tại ấp 3, kết quả có 60 hộ dân thực hiện. Bên cạnh đó, chính quyền xã Khánh Thuận còn kết nối hệ thống thanh toán và lắp đặt mã QR Viettel Money tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã.

“Địa phương xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng. Nếu triển khai, thực hiện có hiệu quả sẽ mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tôi tin rằng xã Khánh Thuận sẽ có kết quả tốt trong công tác chuyển đổi số và đáp ứng sự kỳ vọng của cấp trên”, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thuận đặt quyết tâm.

Trần Khải