Cổ phiếu các hãng công nghệ sinh học Trung Quốc giảm mạnh vì dự luật cấm làm ăn với chính phủ Mỹ
Thế giới số - Ngày đăng : 16:25, 27/01/2024
Cổ phiếu các hãng công nghệ sinh học Trung Quốc giảm mạnh vì dự luật cấm làm ăn với chính phủ Mỹ
Một nhà làm luật Mỹ đã đề xuất dự luật ngăn chặn các hãng công nghệ sinh học Trung Quốc làm ăn với chính phủ Mỹ (tham gia hợp đồng liên bang) do cáo buộc có liên quan đến quân đội Trung Quốc.
Điều này sẽ mở rộng các lệnh trừng phạt của Mỹ với Trung Quốc đang diễn ra trong một số lĩnh vực như công nghệ cao, chất bán dẫn và sản xuất bông với các vấn đề kinh tế, chính trị và nhân quyền.
Trung Quốc đang tìm cách thống trị công nghệ sinh học như một ngành công nghiệp tương lai và các công ty thuộc quốc gia này “đã nhiều lần hợp tác với các thực thể Quân đội Trung Quốc có quyền buộc họ phải giao nộp dữ liệu”, theo dự luật do Mike Gallagher (nghị sĩ đảng Cộng hòa ở bang Wisconsin, Mỹ) đưa ra.
Dự luật cho rằng hai đơn vị Đại học Y khoa Quân đội 3 và Phòng thí nghiệm trọng điểm Y học Cao nguyên là “công cụ gián điệp” của chính phủ Trung Quốc. Các thực thể khác được đề cập trong dự luật của Mike Gallagher là BGI (trước đây gọi là Viện Gien Bắc Kinh) và WuXi Apptec (công ty “chị em” của WuXi Biologics).
“Đã đến lúc ngăn chặn tiền của người nộp thuế Mỹ chảy vào các công ty công nghệ sinh học đối thủ nước ngoài như BGI (có quan hệ với quân đội Trung Quốc) và ngăn người nộp thuế mua thiết bị công nghệ sinh học từ đối thủ nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dữ liệu gien người Mỹ sang nước ngoài”, theo dự luật.
Động thái này thể hiện sự leo thang trong lệnh cấm công nghệ của Mỹ với các công ty Trung Quốc.
Ngành công nghệ sinh học Trung Quốc vẫn ít bị ảnh hưởng cho đến khi có động thái mới nhất này. Đó là bằng chứng nữa cho thấy chiến lược “sân nhỏ rào cao” của Mỹ ngày càng chặt chẽ hơn chứ không nơi lỏng, dù Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã đến Mỹ gặp Tổng thống Joe Biden trong hội nghị thượng đỉnh ở bang California vào tháng 11.2023.
Sau thông tin trên, chỉ số Hang Seng (Hồng Kông) giảm 1,6% hôm 26.1, kết thúc đợt tăng kéo dài ba ngày. Chỉ số Hang Seng HK-Listed Biotech (theo dõi 50 công ty lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ sinh học, dược phẩm và thiết bị y tế) giảm 5,4% - mức giảm lớn nhất kể từ ngày 4.12.2023.
Cổ phiếu WuXi Biologics giảm 18% xuống còn 24,55 đô la Hồng Kông, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 4.12.2023, xóa đi 23,2 tỉ đô la Hồng Kông (3 tỉ USD) giá trị thị trường của công ty. Cổ phiếu WuXi Apptec (mới trở thành thành viên của chỉ số Hang Seng vào tháng 12.2023), đã giảm 16% xuống còn 64,60 đô la Hồng Kông.
Dự luật được đề xuất cho biết, dựa trên thông cáo báo chí của WuXi Apptec, công ty này đã tài trợ cho “các sự kiện hợp nhất quân sự -dân sự” ở Trung Quốc, đồng thời trao giải thưởng cho các nhà nghiên cứu Quân đội Trung Quốc và mời các viện thuộc Quân đội Trung Quốc tham gia quá trình lựa chọn các giải thưởng của công ty.
Theo dự luật, Chris Chen (Giám đốc điều hành WuXi Biologics) trước đây là giảng viên thỉnh giảng tại Học viện Khoa học Quân y của Quân đội Trung Quốc. Một số cuộc gọi từ trang SCMP tới trụ sở chính của WuXi Biologics ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) đều không được trả lời.
“Đây chỉ là đề xuất của một nhà làm luật Mỹ chống Trung Quốc. Khả năng nó trở thành luật là cực kỳ thấp và phải mất vài năm”, hãng truyền thông Jiemian (Trung Quốc) dẫn lời ông Chris Chen cho biết trong bản tin hôm 27.1.
“Cá nhân tôi chưa từng giữ chức vụ nào trong bất kỳ cơ quan quân sự nào. Chúng tôi sẽ nhanh chóng đưa ra lời giải thích”, Giám đốc điều hành WuXi Biologics nói.
Sau khi chính quyền Biden áp đặt các lệnh trừng phạt chip với Trung Quốc, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh cũng có thể mất quyền tiếp cận các loại công nghệ quan trọng khác của Mỹ, gồm cả công nghệ sinh học. Công nghệ sinh học là lĩnh vực từng có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước.
Theo các chuyên gia, Mỹ có thể gặp rủi ro nếu mở rộng trừng phạt Trung Quốc sang công nghệ sinh học.
Công nghệ sinh học là một trong số ít lĩnh vực, cùng với chính sách khí hậu, vượt qua ranh giới giữa các quốc gia. Tiến bộ khoa học ở Trung Quốc cũng có thể cứu sống nhiều người tại Mỹ.
Toàn cầu hóa lĩnh vực này cũng mang lại hiệu quả cao hơn. Các hãng công nghệ sinh học thường duy trì sự hiện diện ở Trung Quốc và Mỹ để tận dụng thế mạnh khác nhau của cả hai bên.
Ở Trung Quốc, các công ty khai thác hàng đống dữ liệu bệnh nhân, các thử nghiệm lâm sàng nhanh chóng và tiết kiệm chi phí, cũng như được giảm thuế địa phương, nhận tài trợ của chính phủ và các cơ quan để thúc đẩy nghiên cứu. Song song đó, họ vẫn duy trì hoạt động ở Mỹ để khai thác tài năng nghiên cứu và phát triển của nước này và làm việc để hướng tới sự phê duyệt cùng thương mại hóa theo quy định của FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ).
Không có gì lạ khi thấy các công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học ngày càng tự dán nhãn mình là “toàn cầu" và thuê các giám đốc điều hành có kinh nghiệm ở Trung Quốc, Mỹ cùng một số quốc gia khác.
Ví dụ, nhà sản xuất thiết bị tiêm không cần kim NovaXS được thành lập bởi một nhà nghiên cứu ở thành phố Berkeley (Mỹ), đặt trụ sở chính tại Mỹ nhưng tiến hành các thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc.
Xtalpi, một trong những công ty khởi nghiệp khám phá thuốc được tài trợ nhiều nhất của Trung Quốc, tiến hành nghiên cứu và phát triển kinh doanh ở thành phố Boston (bang Massachusetts, Mỹ), nơi nó "duy trì liên lạc chặt chẽ với các giáo sư và chuyên gia từ cộng đồng nghiên cứu cũng như từ ngành công nghiệp dược phẩm", đồng thời giữ nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển trên khắp Trung Quốc.
Trước đây, khi được hỏi tại sao công ty khám phá thuốc Insilico lại đứng giữa Trung Quốc và Mỹ, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Alex Zhavoronkov so sánh không gian với ngành công nghiệp bán dẫn, nơi "nghiên cứu được thực hiện chủ yếu ở Mỹ trong khi sản xuất phần cứng diễn ra tại Trung Quốc".
Thành phố Vô Tích ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc đặc biệt nổi lên như trung tâm toàn cầu cho các tổ chức nghiên cứu hợp đồng. Các tổ chức này thực hiện công việc thuê ngoài cho các công ty dược phẩm và thiết bị y tế quốc tế.
Tổ chức nghiên cứu hợp đồng là công ty cung cấp hỗ trợ cho ngành dược phẩm, công nghệ sinh học và thiết bị y tế dưới dạng dịch vụ nghiên cứu được thuê ngoài trên cơ sở hợp đồng.
“Công nghệ sinh học là một quá trình phức tạp, không chắc chắn và rất rủi ro, có khả năng thất bại 95 -99% nếu bạn bắt đầu từ việc khám phá mục tiêu. Để đưa một loại thuốc vào thị trường, bạn cần 10 - 15 năm, tương đương 2 - 3 tỉ USD. Quá trình này có khả năng không thành công 95 - 99%", Alex Zhavoronkov nhận xét.
"Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học là một cách để chia sẻ rủi ro và chi phí khổng lồ này. Nếu hạn chế hợp tác trong lĩnh vực này, các chính trị gia thể hiện sự thiếu hiểu biết cơ bản về ngành và coi thường sức khỏe cùng hạnh phúc của cử tri", ông nói thêm.
Việc đối xử với lĩnh vực công nghệ sinh học bằng cách tiếp cận dựa trên an ninh có thể gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Mỹ.