Thủ tướng: Chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong xây dựng pháp luật

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:30, 29/01/2024

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tránh "xin - cho", phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo dòng thời sự

Thủ tướng: Chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong xây dựng pháp luật

Lam Thanh 29/01/2024 18:30

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tránh "xin - cho", phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 29.1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1.2024 để thảo luận 5 nội dung, trong đó có 3 dự án luật gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi); và 2 đề nghị xây dựng luật gồm: Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Trong dự thảo Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi), các đại biểu cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện những quy định liên quan về phòng chống mua bán người; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn.

Về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Chính phủ quan tâm thảo luận về thẩm quyền, phạm vi quy định chi tiết thi hành luật; phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; tiêu chuẩn công chứng viên; việc đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên nhằm nâng cao chất lượng của công chứng viên; về tổ chức hành nghề công chứng; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng…

Đối với đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), các thành viên chính phủ và khách mời quan tâm thảo luận những nội dung liên quan vấn đề phân cấp, phân quyền trong thi hành án dân sự; kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan liên quan; khuyến khích mở rộng thỏa thuận dân sự, song phải được luật pháp công nhận; bảo đảm quyền, nghĩa vụ của công dân và các bên có trách nhiệm, liên quan; chế tài xử phạt, bảo đảm tính khả thi…

Với đề nghị xây dựng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ tập trung thảo luận các giải pháp thực hiện các chính sách để bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật nhằm tạo thuận lợi, công bằng cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia vào môi trường đầu tư, kinh doanh; việc xác định đối tượng áp dụng những chính sách thuế phù hợp với từng loại doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị công lập, thực hiện nhiệm vụ chính trị…; chính sách ưu đãi; chế tài chống thất thu thuế; bảo đảm tính minh bạch, tránh trục lợi chính sách trong quá trình triển khai; phù hợp với chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước an toàn và bền vững; phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng hiện nay.

tt.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các phó thủ tướng chỉ đạo các bộ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên chính phủ, hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật, dự án luật, đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trình theo quy định.

Nhấn mạnh "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng khẳng định thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực của sự phát triển. Do đó phải đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật; có cơ chế, chính sách để huy động sức mạnh tổng hợp cho phát triển; đổi mới cách làm để tạo ra nguồn lực, động lực mới, truyền cảm hứng cho toàn xã hội phát triển.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế; đầu tư nguồn nhân lực, nguồn lực cho xứng tầm là đột phá chiến lược; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, các ủy ban của Quốc hội.

Ngoài ra, cần lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, tiếp thu ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, người dân và tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu những nội dung phù hợp với điều kiện Việt Nam; tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng thể chế; tăng cường công tác tuyên truyền xây dựng pháp luật, truyền thông chính sách…

Thủ tướng yêu cầu tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính không cần thiết; tránh "xin - cho", phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm.

Đối với một số luật vừa được ban hành như Luật Đất đai (sửa đổi), các luật liên quan đến bất động sản, nhà ở…, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn để sớm đưa luật vào cuộc sống, khơi thông các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển.

Lam Thanh