Giao thông TP.HCM năm 2024: Cần tháo nút thắt 4 cửa ngõ
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:00, 30/01/2024
Giao thông TP.HCM năm 2024: Cần tháo nút thắt 4 cửa ngõ
Nếu tình hình thuận lợi thì trong năm 2024, TP.HCM sẽ có 6 dự án mở rộng giao thông ở cả 4 cửa ngõ vào TP được triển khai.
Kẹt xe trên các tuyến đường nội đô, đặc biệt là ở cửa ngõ TP.HCM luôn là nỗi lo ngại cho người dân. UBND TP.HCM đang lên kế hoạch triển khai thực hiện 12 dự án mở rộng đường, xây cầu nhằm xóa "nút thắt cổ chai" thường xuyên kẹt xe tại 4 cửa ngõ trong năm 2024 với hy vọng sẽ giải quyết tình trạng này.
Tại cửa ngõ phía tây bắc, có 3 dự án trong đó có 2 dự án triển khai trong năm 2024 là:
Dự án mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến Âu Cơ) dài 765m, rộng 30m (hiện nay rộng khoảng 10 - 12m) cho 6 làn xe lưu thông với tổng mức đầu tư khoảng 3.750 tỉ đồng, triển khai giai đoạn 2024 - 2028.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Cộng Hòa đến Lê Trọng Tấn) dài 636m, rộng 30m (hiện nay rộng khoảng 8m) cho 6 làn xe lưu thông với tổng vốn 1.345 tỉ đồng, triển khai giai đoạn 2024 - 2027.
Riêng dự án Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3) dài 9,1km sẽ mở rộng lên gần 40m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 7.100 tỉ đồng theo hình thức BOT, dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2028.
Tại cửa ngõ phía nam, có 4 dự án giao thông. Trong đó, có một dự án triển khai trong năm nay là cầu - đường Nguyễn Khoái (nối quận 7, 4 và 1) với tổng vốn hơn 3.700 tỉ đồng. Dự án có tổng chiều dài gần 5km, trong đó phần cầu khoảng 2,5km, rộng 6,5 - 25,5m; phần đường dài hơn 2,3km, rộng 26,5 - 61,5m. Dự kiến, dự án được khởi công cuối quý 4/2024, hoàn thành năm 2027.
Ngoài ra, dự án nâng cấp trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) có chiều dài 8km, dự kiến được mở rộng lên 60m, tổng vốn hơn 5.000 tỉ đồng. Cả hai dự án sẽ triển khai theo hình thức BOT, dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2028.
Dự án cầu Thủ Thiêm 4 (nối TP.Thủ Đức và quận 7) có tổng mức đầu tư khoảng 6.030 tỉ đồng, theo hình thức BOT. Cầu dài khoảng 2,16km (trong đó phần cầu dài hơn 1,6km) với 6 làn xe. Điểm độc đáo là cầu có thể nâng hạ nhịp chính với tĩnh không tối đa 45m. Dự kiến, dự án sẽ trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư trong năm nay, khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2028.
Riêng dự án cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến Nguyễn Văn Linh) dài 3,2km, rộng 30 - 40m, tổng vốn hơn 6.200 tỉ đồng. Đây là 1 trong 5 dự án BOT chuẩn bị đầu tư xây dựng được UBND TP giao nhiệm vụ cho Sở GTVT TP.HCM.
Tại cửa ngõ phía tây có 2 dự án, trong đó có 1 dự án triển khai trong năm 2024. Đó là dự án đường Vĩnh Lộc rộng khoảng 7 - 8m, hai làn xe, sẽ được mở lên 30m trên đoạn dài 7,2km, từ nút giao với tuyến Trần Văn Giàu (Tỉnh lộ 10 - huyện Bình Chánh) đến giao lộ với đường 2A trong Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (quận Bình Tân). Tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.344 tỉ đồng từ ngân sách TP.HCM, triển khai giai đoạn 2024 – 2027.
Còn Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An, huyện Bình Chánh) dài 9,6km sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe, tổng kinh phí gần 12.900 tỉ đồng. Dự án triển khai theo hình thức BOT, dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2028.
Tại cửa ngõ phía đông bắc có 3 dự án, trong đó có 2 dự án triển khai trong năm 2024. Đó là dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm từ nút giao ngã năm Đài Liệt Sĩ đến khu du lịch Tân Cảng dài 1,7km, rộng 30m, tổng vốn 2.396 tỉ đồng, theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trả chậm bằng tiền theo cơ chế trong Nghị quyết 98 của Quốc hội. Nếu được thông qua, dự án sẽ triển khai giai đoạn 2024 - 2029.
Về dự án nút giao ngã năm Đài Liệt Sĩ, Sở GTVT TP.HCM đang đề xuất xây dựng theo phương án đảo xoay vòng kết hợp hầm chui và mở rộng các tuyến đường nhánh tại nút giao. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.000 tỉ đồng bằng ngân sách TP.HCM, triển khai giai đoạn 2024 - 2027.
Riêng dự án được nhiều người chờ đợi nhất là mở rộng Quốc lộ 13 dài gần 6km, từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương thuộc địa bàn TP.Thủ Đức. Đoạn quốc lộ sẽ được mở rộng lên 53 - 60m với tổng mức đầu tư hơn 13.800 tỉ đồng, theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). TP.HCM dự kiến khởi công dự án năm 2025, hoàn thành năm 2028.
Như vậy, nếu tình hình thuận lợi thì trong năm 2024, sẽ có 6 dự án mở rộng giao thông ở cả 4 cửa ngõ vào TP.HCM được triển khai. Đây là nền tảng để giải quyết bài toán giao thông tại TP.HCM, đồng thời thúc đẩy hoạt động kinh tế của vùng Đông Nam Bộ.