Quả thanh trà và hoa hoàng mai được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ‘Huế’

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:55, 30/01/2024

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã ban hành quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quả thanh trà và hoa hoàng mai Huế.
Khoa học - công nghệ

Quả thanh trà và hoa hoàng mai được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ‘Huế’

Thu Anh 30/01/2024 10:55

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã ban hành quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quả thanh trà và hoa hoàng mai Huế.

Sở KH-CN tỉnh Thừa Thiên-Huế là đơn vị tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Danh tiếng, đặc thù của hoàng mai Huế

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, hoàng mai Huế có nguồn gốc từ hàng trăm năm và được ghi nhận trong rất nhiều tài liệu ghi chép về lịch sử. Ngoài ra, hoàng mai Huế còn được ghi nhận bằng hình ảnh trên các công trình kiến trúc tại Huế, gắn với các địa danh lịch sử tâm linh.

Hoàng mai Huế có đặc thù là lộc xanh, cành lộc (dăm chi) dày, hoa có cuống ngắn, 5 cánh hoa màu vàng đậm, viền cánh lượn sóng, mặt phẳng, các cánh xếp khít, chồng lên nhau và có mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng.

mai-vang-1.png
Mai vàng Huế - Ảnh: Cục SHTT

Để đảm bảo đặc thù của hoàng mai Huế, người trồng mai tại khu vực địa lý lựa chọn cây giống hoàng mai thuần chủng từ cây mai mẹ có sức sống tốt, nhân giống bằng hạt được diễn ra tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Hoàng mai Huế dù trồng vườn hay trồng chậu đều phải giữ khoảng cách với các giống mai khác (nếu có) để tránh hiện tượng thụ phấn chéo tự nhiên làm ảnh hưởng các đặc tính của cây hoa.

Ngoài ra, người trồng mai hạn chế sử dụng phân vô cơ để giữ gìn cây và giữ gìn đất. Người trồng và kinh doanh hoàng mai Huế thường sử dụng phân hữu cơ để bón cho mai, đặc biệt là giai đoạn cây bắt đầu hình thành mầm hoa và ra nụ (từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch).

Việc điều tiết nở hoa theo ý muốn của người Huế chỉ thực hiện theo kỹ thuật thủ công, không dùng các loại thuốc kích thích ra hoa. Cụ thể, tiến hành tuốt/vặt toàn bộ lá trong 1 - 3 ngày vào khoảng thời gian từ 30 đến 45 ngày trước tết âm lịch, tùy theo quan sát thời tiết (nắng, mưa, ấm, lạnh) và tình trạng cây mai.

thanh-tra-2.png
Thanh trà Huế - Ảnh: Cục SHTT

Quả thanh trà - đặc sản "tiến vua"

Cục Sở hữu trí tuệ cho biết các tư liệu lịch sử ghi chép cho thấy dưới thời Nguyễn, hằng năm, quả thanh trà - một đặc sản nổi tiếng của phủ Thừa Thiên đều được tuyển chọn kỹ để dâng tiến vào cung vua.

Quả thanh trà Huế nhỏ (trung bình từ khoảng 0,7 - 1kg/quả), có hình quả lê thấp, đầu cuống lõm. Màu sắc và trạng thái vỏ quả thanh trà Huế khi chín có màu vàng xanh, nhẵn sáng, mùi thơm nhẹ tự nhiên đặc trưng. Tép thanh trà Huế thon nhỏ, suôn thẳng, ráo, giòn, vị ngọt thanh pha chút chua nhẹ, không the, không đắng.

Địa hình vùng trồng thanh trà Huế chủ yếu là bằng phẳng hoặc lượn sóng theo lưu vực các sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, sông Truồi, là điều kiện lý tưởng để hình thành nên những vùng trồng thanh trà tập trung, dễ canh tác.

Kinh nghiệm canh tác cây thanh trà ở Huế là người dân lựa chọn cành chiết hoặc cây ghép tốt nhất để làm giống. Cây được tạo tán trong 4 năm đầu, tỉa cành, tỉa quả để dễ chăm sóc, tăng chất lượng quả.

Mùa vụ thu hoạch thanh trà ở Thừa Thiên-Huế là từ tháng 8 đến tháng 9 dương lịch hằng năm. Sự kết hợp giữa các yếu tố tự nhiên và phương pháp sản xuất đã tạo nên các vùng trồng thanh trà Huế hàng trăm năm, với những nét đặc thù của thanh trà Huế mà những vùng khác không có được.

Thu Anh