Thủ tướng đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:38, 01/02/2024

Thủ tướng đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đồng thời nhấn mạnh tuyệt đối không được say sưa, chủ quan với thắng lợi, lơ là, mất cảnh giác trước tình hình.
Thị trường và chính sách

Thủ tướng đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

Lam Thanh 01/02/2024 15:38

Thủ tướng đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đồng thời nhấn mạnh tuyệt đối không được say sưa, chủ quan với thắng lợi, lơ là, mất cảnh giác trước tình hình.

Doanh nghiệp vẫn nhiều khó khăn

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 3,37% so với cùng kỳ, giá cả hàng hóa tương đối ổn định; tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm…

Ngoài ra, thu ngân sách Nhà nước tháng 1 ước đạt 13,6% dự toán. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 1 tăng lần lượt 37,7%, 42% và 33,3% so với cùng kỳ và lần lượt tăng 5,5%, 6,7%, 4,2% so với tháng trước, cho thấy xu hướng phục hồi tích cực qua từng tháng; ước xuất siêu 2,92 tỉ USD.

Một điểm sáng nữa của kinh tế trong tháng đầu tiên của năm là tổng vốn FDI đăng ký tăng mạnh 40,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 2,36 tỉ USD. Trong đó vốn đăng ký mới tăng 66,9%, vốn thực hiện đạt 1,48 tỉ USD, tăng 9,6%, là tín hiệu cho thấy nước ta đang tranh thủ được cơ hội từ những thành tựu đối ngoại, ngoại giao trong năm 2023 và tháng đầu năm 2024.

"Thủ tướng Chính phủ đã đi kiểm tra tiến độ nhiều công trình, dự án trọng điểm, động viên, khích lệ, yêu cầu nhà thầu thi công xuyên Tết, "3 ca, 4 kíp" để phấn đấu đạt và vượt tiến độ. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh, 109/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

dung-1.jpeg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ KH-ĐT cũng chỉ rõ: Doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn; cầu tiêu dùng thấp hơn giai đoạn cận Tết các năm từ 2020 đến nay (trên 3,5%); kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro.

“Không những vậy, nhiều yêu cầu, thách thức lớn, cấp thiết đặt ra để tận dụng, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội mới từ những thành tựu đối ngoại nổi bật, có tính lịch sử thời gian qua. Đòi hỏi sự đổi mới, cải cách thể chế mạnh mẽ, xây dựng các cơ chế, chính sách mới, toàn diện trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước trong thu hút đầu tư, nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ... từ bên ngoài”, ông Dũng nói.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành ngày càng có kinh nghiệm hơn, bản lĩnh hơn, chủ động, linh hoạt hơn trong phản ứng chính sách. Tuy nhiên, tuyệt đối không được say sưa, chủ quan với thắng lợi, lơ là, mất cảnh giác trước tình hình.

Thủ tướng cũng chỉ ra, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, lạm phát, tỷ giá, nợ xấu tiềm ẩn rủi ro. Nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ còn gặp khó khăn do tiếp tục chịu ảnh hưởng từ biến động của thị trường thế giới. Khu vực nông nghiệp đối mặt với El Nino trong nửa đầu năm, thiên tai, bão lũ trong nửa cuối năm; căng thẳng tại Biển Đỏ làm tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ và EU, ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam; tiêu dùng toàn cầu chưa có sự phục hồi rõ nét; thị trường bất động sản mặc dù đã có chuyển biến tích cực, song còn nhiều khó khăn, vướng mắc…

Thủ tướng cũng cho rằng nguyên nhân chủ quan, sự tự lực, tự cường của một số cơ quan, đơn vị chưa cao; năng lực và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; một bộ phận cán bộ còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai; việc phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới…

Đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt các quan điểm chỉ đạo, điều hành; nâng cao năng lực dự báo và nắm chắc tình hình, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm thế giới, có giải pháp, bước đi, lộ trình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, không giật cục, phanh gấp.

“Phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó. Phát huy tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm; nâng cao hiệu quả phối hợp, nhất là trong giải quyết những vấn đề liên ngành, liên vùng; chủ động báo cáo và đề xuất giải pháp những vấn đề vượt thẩm quyền”, Thủ tướng nhấn mạnh.

thu-tuong-2.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu

Thủ tướng cũng yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Ngoài ra, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia; tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao…

Thủ tướng đặc biệt lưu ý thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, hoàn thiện quy hoạch, thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tranh thủ các cơ hội mới, thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

“Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới hydrogen. Xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; triển khai tốt chương trình 1 triệu ha lúa chất lương cao, phát thải thấp; quyết liệt tháo gỡ ách tắc, khắc phục "thẻ vàng" (IUU) của ngành thủy sản.

Lam Thanh