Luật Đất đai (sửa đổi): Nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:41, 02/02/2024
Luật Đất đai (sửa đổi): Nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống
Dự kiến có 9 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó Bộ TN-MT sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành 6 nghị định, Bộ Tài chính 2 nghị định, Bộ NN-PTNN 1 nghị định…
Nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai (sửa đổi)
Luật Đất đai (sửa đổi) đã được thông qua, vấn đề quan trọng tiếp theo là nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Các chuyên gia cho rằng các bộ ngành, địa phương cần nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm hiệu lực đồng thời, đồng bộ, thống nhất.
Nói với Một Thế Giới, PGS-TS Bùi Thị An, đại biểu quốc hội khóa 13 cho biết trước đây các luật mới ban hành thường phát sinh những mâu thuẫn, chồng chéo. Do đó, cần rút kinh nghiệm ở luật lần này, rà soát các luật liên quan, nếu còn chồng chéo, mâu thuẫn thì sửa ngay.
Về Luật Đất đai (sửa đổi), bà An quan tâm nhiều nhất đến vấn đề quy hoạch. Bà mong việc thực hiện các khâu trong quá trình quy hoạch, từ lấy ý kiến người dân, xây dựng, công bố, giám sát… quy hoạch phải thực sự công khai, minh bạch và quy rõ trách nhiệm.
“Việc thực hiện quy hoạch, đền bù thực hiện thế nào, giám sát quy hoạch, quy rõ trách nhiệm thế nào... cần được làm rõ”, bà An nói.
Vị chuyên gia cũng góp ý, quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, không được phép điều chỉnh quy hoạch ngắn hạn, băm nát quy hoạch…
Còn về đền bù, hỗ trợ tái định cư, bà An cũng đề nghị làm rõ vấn đề chất lượng cuộc sống phải bằng hoặc hơn chỗ ở cũ; làm rõ khái niệm giá đất thị trường…
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho biết, trong quá trình chuẩn bị cho Luật Đất đai (sửa đổi), bộ đã chuẩn bị tinh thần triển khai sớm nhất để đưa luật đi vào cuộc sống. Bộ đã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai 2024, trong đó có những nội dung đáng chú ý.
Cụ thể là tổ chức xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi). Luật đã quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của bộ trưởng, của HĐND và UBND cấp tỉnh. Theo đó, kế hoạch đã rà soát kỹ lưỡng những điểm, những điều trong luật giao Chính phủ ban hành quy định chi tiết.
“Chúng tôi dự kiến có 9 nghị định. Trong đó Bộ TN-MT sẽ trực tiếp tham mưu cho Chính phủ ban hành 6 nghị định, Bộ Tài chính sẽ tham mưu ban hành 2 nghị định và Bộ NN-PTNN 1 nghị định. Dự kiến sẽ ban hành 6 thông tư… Đối với chính quyền địa phương, có 18 nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh phải quy định chi tiết, còn 1 nội dung thuộc thẩm quyền HĐND ban hành. Trong kế hoạch đã nói rất rõ, phân biệt rất rõ và có quy định thời gian để chuẩn bị”, ông Ngân nêu.
Đại diện Bộ TN-MT cũng cho biết với các nghị định liên quan đến công tác quản lý đất đai, các bộ ngành có liên quan cũng tiếp tục rà soát. Các địa phương cũng tiếp tục rà soát các quy định, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, để sửa đổi, bổ sung, ban hành đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Ngoài ra, Bộ TN-MT đã xây dựng một kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thi hành luật, phối hợp với các cơ quan, các bộ, ngành của trung ương và các cơ quan thông tấn, truyền thông để phổ biến đến các đối tượng thực sự chịu tác động của luật.
Cũng theo ông Ngân, Bộ TN-MT sẽ đề xuất với Chính phủ tập trung nguồn lực thực hiện các nội dung quản lý nhà nước như: Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, điều tra đánh giá cơ bản về đất đai, duy trì hệ thống thông tin đất đai.
Đối với các địa phương cũng tập trung nguồn lực, trước hết là cho các quỹ phát triển đất, đảm bảo tạo ra quỹ đất để thực hiện tổ chức đánh giá việc sử dụng đất, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư...
Ngoài ra, các địa phương tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương, kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai ở trung ương, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác; đảm bảo cho Luật Đất đai với các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như các chính sách mới được triển khai thực hiện một cách đồng bộ sau khi luật có hiệu lực.
Sắp ban hành Nghị định 44 sửa đổi
Về sửa đổi Nghị định 44, ông Ngân cho biết điều này được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ rất sớm. Tuy nhiên, đây là một nghị định rất quan trọng, có tác động ảnh hưởng rất lớn đến tài chính về đất đai và giá đất.
Theo đó, Bộ TN-MT, Bộ Tài chính và các địa phương đã có nhiều hội thảo lấy ý kiến để chọn ra phương án tốt nhất, phương án tối ưu nhằm đảm bảo mục tiêu, yêu cầu của nghị định, đồng thời phù hợp với tinh thần của Luật Đất đai năm 2024.
“Vừa qua tất cả các thủ tục về ban hành nghị định đã hoàn tất. Đến thời điểm hiện nay, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo và thống nhất, chuẩn bị hoàn tất các công đoạn cuối cùng để ban hành nghị định”, ông Ngân nói.
Mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, vấn đề tiếp theo là làm sao để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách trong luật vào cuộc sống, đưa đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng, đẩy mạnh thương mại hóa đất đai, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an ninh - quốc phòng…
Theo đó, Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi): Nghị định chung hướng dẫn các điều, khoản chung; các lĩnh vực chuyên sâu (quản lý đất lúa; thu tiền sử dụng đất; định giá đất; thu hồi, bồi thường, tái định cư; điều tra cơ bản thông tin dữ liệu đất đai…); đất đai cho hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng, công nghiệp…
Bộ TN-MT khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ Nghị định quy định về lấn biển. Bộ NN-PTNT khẩn trương cập nhật các chính sách mới trong Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp…