Vùng đệm Israel muốn lập tại Dải Gaza dần thành hình
Chuyển động - Ngày đăng : 12:50, 03/02/2024
Vùng đệm Israel muốn lập tại Dải Gaza dần thành hình
Hãng tin AP và giới chuyên gia qua phân tích ảnh chụp vệ tinh phát hiện dọc biên giới Israel - Gaza có một khu vực rộng khoảng 1km bị tàn phá nặng nề.
Quang cảnh ở khu vực trên chỉ là phần nhỏ trong thiệt hại mà toàn Dải Gaza phải hứng chịu sau hơn 3 tháng qua. Một đánh giá xác định 50% số công trình tại vùng lãnh thổ này đã bị phá hủy hoặc hư hại.
Trước đó, giới chức Israel từng tỏ ý muốn thiết lập một vùng đệm nhằm ngăn hoạt động tập kích như những gì xảy ra ngày 7.10.2023 lặp lại, bất chấp đồng minh Mỹ khuyến cáo không được thu hẹp lãnh thổ Gaza.
Quân đội Israel (IDF) thừa nhận phá hủy không ít công trình trên khắp Dải Gaza, tuy nhiên không cho biết có phải họ cố ý “dọn sạch” khu vực dọc biên giới để lập vùng đệm hay không.
Vùng đệm dần thành hình
Dải Gaza có đường biên giới dài gần 60km với Israel, một mặt giáp Địa Trung Hải. Một vùng đệm sẽ chiếm khoảng 60km2 trên tổng diện tích 360km2 của vùng lãnh thổ.
Ở phía nam Gaza, phần lớn đất đai thuộc vùng đệm dự kiến là đất nông nghiệp tiếp giáp hàng rào biên giới. Nhưng quang cảnh gần thị trấn Khirbet Khuzaa nơi biên giới quay về phía tây bắc lại rất khác. Ảnh chụp vệ tinh của Planet Labs cho thấy công trình cùng đất đai trong một khu vực rộng khoảng 6km2 bị tàn phá nặng nề. Cách đó hơn 4km về phía bắc, đất nông nghiệp giờ chỉ còn là đất trống.
Xa hơn về phía bắc là trại tị nạn Maghazi. Tại đó lực lượng dự bị Israel đang chuẩn bị chất nổ phá hủy hai công trình gần nơi xe tăng bị trúng lựu đạn do chiến binh Hamas phóng đi vào tháng 1. Ở phía đông nam thành phố Gaza cũng có khu nhà kho bị phá hủy.
Phân tích do giới chuyên gia thực hiện cũng phát hiện tình trạng tương tự. Khảo sát thiệt hại trên địa bàn vùng đệm dự kiến, học giả quản lý Trung tâm Hệ thống thông tin địa lý Jerusalem (Đại học Do Thái) xác định trong số 2.850 công trình có khả năng bị phá hủy đã có 1.100 công trình bị hư hại. Ông ước tính trên toàn Dải Gaza, chiến tranh khiến 80.000 công trình hư hại.
Tiến sĩ Corey Scher (Đại học thành phố New York) cùng Phó giáo sư Jamon Van Den Hoek (Đại học bang Oregon) đưa ra con số ít nhất 143.900 công trình trên khắp Dải Gaza - tương đương 50% - bị chiến tranh phá hủy hoặc làm hư hại. Thiệt hại nặng nề nhất là xung quanh thành phố Gaza - đô thị đầu tiên IDF tấn công khi phát động chiến dịch quân sự. Hai ông xác định ở khu vực vùng đệm dự kiến có ít nhất 1.329 công trình bị hư hại hoặc phá hủy.
Dọc biên giới Gaza - Ai Cập hiện tồn tại một vùng đệm tên Hành lang Philadelphia, được lập nên theo Hiệp ước hòa bình Israel - Ai Cập ký kết năm 1979.
Phản ứng từ cộng đồng quốc tế
Tháng 12 năm ngoái, Israel thông báo ý định lập vùng đệm cho cả đồng minh phương Tây lẫn các quốc gia Ả Rập ở khu vực. Thông báo làm dấy lên lo ngại Dải Gaza sắp mất thêm diện tích.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 25.1 tuyên bố: “Chúng tôi không chấp nhận bất cứ sự thu hẹp lãnh thổ nào của Gaza”. Ngày 31.1 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Washington có tái khẳng định lập trường này với phía Israel.