Rác của con người khiến cua ẩn sĩ bị khủng hoảng "thừa căn hộ"

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 21:56, 03/02/2024

Cua ẩn sĩ hay ốc mượn hồn đang có trào lưu sử dụng  vỏ chai nhựa, cốc nhựa thay vì vỏ ốc làm căn hộ trú ẩn.
Kiến thức - Học thuật

Rác của con người khiến cua ẩn sĩ bị khủng hoảng "thừa căn hộ"

Anh Tú {Ngày xuất bản}

Cua ẩn sĩ hay ốc mượn hồn đang có trào lưu sử dụng vỏ chai nhựa, cốc nhựa thay vì vỏ ốc làm căn hộ trú ẩn.

cua.jpg
Cua ẩn sĩ hài lòng với căn hộ có màu xanh ngọc vô cùng bắt mắt

Các nhà khoa học Ba Lan đã nghiên cứu 386 hình ảnh về những con cua ẩn sĩ đang dùng những chiếc vỏ nhân tạo này làm căn hộ trú ngụ. Dựa trên ảnh được người dùng tải lên mạng, các nhà khoa học phân tích bằng phương pháp nghiên cứu được gọi là iEcology.

Trong số 386 bức ảnh, có 326 tấm hình cho thấy cua ẩn sĩ sử dụng các vật dụng bằng nhựa làm nơi trú ẩn. Thoạt nhìn, đây là một ví dụ nổi bật về cách mà hoạt động của con người có thể làm thay đổi hành vi của động vật hoang dã và sau đó có thể là cách thức hoạt động của quần thể và hệ sinh thái.

Nhưng có rất nhiều yếu tố tác động lên việc thay đổi các thói quen của động vật ngoài tự nhiên. Mặc dù rất dễ đưa ra kết luận nhưng điều quan trọng là phải xem xét chính xác điều gì có thể thúc đẩy sự thay đổi cụ thể này.

Cách cua ẩn sĩ lựa chọn căn hộ

Cua ẩn sĩ là mẫu sinh vật tuyệt vời để nghiên cứu vì chúng hành xử theo nhiều cách khác nhau và những khác biệt đó có thể dễ dàng đo lường được.

Thay vì liên tục phát triển lớp vỏ của riêng mình để bảo vệ cơ thể giống như một con cua hay tôm hùm bình thường, cua ẩn sĩ tận dụng những chiếc vỏ rỗng do ốc chết để lại. Khi chúng di chuyển, lớp vỏ chỉ bảo vệ phần bụng mềm mại của chúng. Thế nhưng, bất cứ khi nào bị đe dọa, chúng sẽ rút toàn bộ cơ thể vào trong vỏ. Có thể coi vỏ của chúng hoạt động như hầm trú ẩn di động.

Việc có một lớp vỏ đủ tốt là điều quan trọng đối với sự sống còn đối với mỗi con cua ẩn sĩ. Trong suốt cuộc đời, chúng không ngừng tìm kiếm những chiếc vỏ lớn hơn để phù hợp dần với kích thước dần phát triển. Điều này cũng khá giống với con người chúng ta cả đời phải lo chỗ an cư để lạc nghiệp. Để có căn hộ ưng ý, cua ẩn sĩ phải chiến đấu tranh giành với đồng loại.

Không phải vỏ ốc nào cũng là nơi an cư lý tưởng. Chúng thường tìm kiếm những chiếc vỏ đủ lớn để bảo vệ cơ thể. Ngoài ra, khi ra quyết định, chúng cũng tính đến loại vỏ ốc, tình trạng và thậm chí cả màu sắc của vỏ – một yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ ngụy trang của cua ẩn sĩ.

Một yếu tố khác hạn chế việc lựa chọn là loại vỏ phù hợp có dễ kiếm hay không. Vì một lý do nào đó vẫn chưa được biết, một tỷ lệ cua ẩn sĩ trên cạn đang chọn sử dụng các vật dụng bằng nhựa thay vì vỏ ốc tự nhiên.

Khủng hoảng thừa căn hộ hay động thái thích nghi linh hoạt?

Con người đã cố tình thay đổi hành vi của động vật trong nhiều thiên niên kỷ qua quá trình thuần hóa. Bất kỳ thay đổi hành vi nào trong quần thể động vật một cách phi tự nhiên đều có khả năng gây lo ngại, nhưng chúng ta nên lo lắng đến mức nào về việc loài cua ẩn sĩ sử dụng rác nhựa làm nơi trú ẩn?

Nghiên cứu của các nhà sinh vật học Ba Lan đặt ra một số câu hỏi. Đầu tiên, việc cua sử dụng rác nhựa thay vì vỏ ốc đã phổ biến đến mức nào? Mặc dù 326 con cua sử dụng vỏ nhựa có vẻ là rất nhiều, nhưng đây chưa là số liệu thuyết phục vì cách chọn mẫu nghiên cứu không đáp ứng các tiêu chí về phân bố, số lượng…

Thứ hai, tại sao một số loài cua lại sử dụng nhựa? Có khả năng là chúng buộc phải làm vậy do thiếu vỏ phù hợp ngoài tự nhiên, nhưng chúng ta không thể kiểm tra giả thuyết này nếu không có thêm thông tin về số lượng của quần thể ốc tại khu vực.

Phải chăng cua thích nhựa hơn hoặc vì tìm thấy nó dễ dàng hơn so với vỏ thật?

Theo các tác giả, nhựa có thể nhẹ hơn các loại vỏ có mức độ bảo vệ tương đương. Điều đó dẫn đến cua việc cua ẩn sĩ thích dùng vỏ nhân tạo cho đỡ tốn sức khi phải mang vác căn hộ di động của mình.

Nhưng căn hộ thế hệ mới mà loài người ban cho không phải toàn những ưu điểm như dễ kiếm, tiện lợi khi dùng. Bên cạnh đó, còn tồn tại những nhược điểm có thể xảy ra khi cua ẩn sĩ sử dụng nhựa. So với vỏ tự nhiên, vỏ từ rác thải nhựa có xu hướng sáng hơn và có thể tương phản cao hơn, khiến chủ nhân trong căn hộ dễ bị kẻ thù săn mồi đến gõ cửa hơn.

Không chỉ vậy, việc vỏ nhựa sẵn có khiến cua ẩn sĩ “nằm sẵn cũng được cấp căn hộ” nên không phải lo việc tranh giành vỏ và thiếu sức chiến đấu. Về lâu dài thì điều này không tốt cho cua ẩn sĩ trong quá trình tiến hóa thích nghi.

Ngoài ra, chúng ta biết rằng việc tiếp xúc với vi hạt nhựa và các hợp chất thấm ra từ nhựa có thể khiến cua gặp những bệnh khó lường. Do vậy, để trả lời những câu hỏi về nguyên nhân và hậu quả của việc cua ẩn sĩ sử dụng rác thải nhựa làm nhà, chúng ta cần điều tra hành vi lựa chọn vỏ của chúng thông qua một loạt thí nghiệm.

Ô nhiễm làm thay đổi hành vi

Ô nhiễm nhựa chỉ là một trong những cách chúng ta đang thay đổi môi trường. Cho đến nay, đây là dạng rác thải nhiều nhất mà chúng ta đã tống vào môi trường biển. Nhưng hành vi của động vật cũng bị ảnh hưởng bởi các dạng ô nhiễm khác, gồm cả hạt vi nhựa, hóa chất, ánh sáng và tiếng ồn, cộng với nhiệt độ tăng cao và hiện tượng axit hóa đại dương do biến đổi khí hậu.

Vì vậy, việc điều tra việc cua ẩn sĩ sử dụng chất thải nhựa làm căn hộ có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hậu quả của một số tác động nhất định do con người đối với môi trường. Thế nhưng, nó cũng không cho thấy chính xác động vật sẽ thích nghi như thế nào với kỷ Anthropocene (xem kỷ Anthropocene tại đây). Liệu chúng sẽ đối phó bằng phản ứng linh hoạt hay tiến hóa chậm chạp qua nhiều thế hệ, hoặc có lẽ là cả hai?

Anh Tú