Chúng ta có cần TV độ phân giải 8K?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 06:37, 04/02/2024

Trang Popular Science giới thiệu độ phân giải 8K và triển vọng của công nghệ TV này trong tương lai.
Khoa học - công nghệ

Chúng ta có cần TV độ phân giải 8K?

Cẩm Bình {Ngày xuất bản}

Trang Popular Science giới thiệu độ phân giải 8K và triển vọng của công nghệ TV này trong tương lai.

Đổi mới công nghệ TV trong suốt thế kỷ 20 chủ yếu tập trung vào màu sắc, loại màn hình, kích thước và trọng lượng. Tuy nhiên đến thập niên 2000 độ phân giải lại cải thiện ngày một nhanh. Độ phân giải 4K (Ultra HD) mới ra mắt 7 năm trước, vậy mà đến năm 2019 sản phẩm TV 8K đã trình làng. Mặc dù vậy, khác biệt về kỹ thuật cũng như sự sẵn có của nội dung tận dụng được công nghệ tiên tiến khiến mọi người vẫn chưa hiểu nhiều và còn phân vân rằng liệu độ phân giải 8K có phù hợp với nhu cầu giải trí tại gia hay không?

chung.jpg

Độ phân giải 8K

Độ phân giải là số điểm (pixel) tạo nên hình ảnh trên màn hình. Màn hình được thiết kế để chỉ có thể xử lý độ phân giải tối đa. Nếu độ phân giải nội dung đầu vào thấp hơn thì chip gắn trong phần cứng TV sẽ dùng thuật toán “nâng cấp” để nội dung phát đạt chuẩn.

Trí tuệ nhân tạo (AI) cùng máy học sâu (deep learning) đóng vai trò quan trọng trong “nâng cấp” độ phân giải. Tập đoàn Samsung tại Triển lãm điện tử tiêu dùng (CES) diễn ra tháng trước đã giới thiệu dòng TV trang bị chip NQ8 AI Gen3 mạnh mẽ sở hữu tính năng theo dõi chuyển động trên màn hình, chống nhòe giúp nâng cao độ rõ nét.

“Nâng cấp” từ 1080p (Full HD) lên 4K và từ 4K lên 8K khá dễ dàng vì ba độ phân giải này đều có cùng tỷ lệ. Độ phân giải 1080p là ngang 1920 pixel - dọc 1080 pixel, 4K gấp đôi với 3840 pixel - 2160 pixel, 8K lên đến 7680 pixel - 4320 pixel.

Về cơ bản “8K” là thuật ngữ mang ý chỉ gấp đôi 4K. Thuật ngữ “4K” thực tế là 3840 pixel làm tròn thành 4000.

Bên cạnh 8K tiêu chuẩn, ta còn có 8K DCI với độ phân giải 8192 pixel - 4320 pixel. DCI là viết tắt của “Tiêu chuẩn Điện ảnh kỹ thuật số” áp dụng cho phim chiếu rạp. Nội dung 8K DCI khi phát lên màn hình 8K UHD thì phía trên lẫn phía dưới sẽ có hai thanh đen.

8K tốt hơn 4K

Mỗi điểm ảnh chỉ có thể hiển thị một giá trị màu duy nhất, hàng triệu điểm tạo nên hình tổng thể trên màn hình. Điểm ảnh càng nhỏ càng nhiều thì chi tiết hình càng rõ vì khoảng cách giữa các màu nhỏ đi khiến mắt người không nhận ra.

Nếu phóng to điểm ảnh nhưng giữ nguyên độ phân giải thì hình ảnh nhòe đi đáng kể. Vì vậy khi hình ảnh 8K hiển thị trên màn hình 8K, chi tiết sẽ có chiều sâu gấp đôi so với cùng hình ảnh được ghi ở định dạng 4K hiển thị trên màn hình 4K. Độ phân giải của hình ảnh được ghi càng cao và độ phân giải của màn hình càng cao thì hình ảnh hiển thị càng mượt mà, chi tiết, sống động.

Nội dung 8K chưa phổ biến

Nội dung 8K cần lượng băng thông (tốc độ dữ liệu internet) khổng lồ để truyền phát. Hạ tầng mạng thế giới hiện tại chưa thể đáp ứng, hơn nữa lượng năng lượng cho công tác truyền phát dữ liệu 8K cũng là mối lo ngại lớn với các trung tâm máy chủ cùng công ty viễn thông.

Loạt dịch vụ phát nội dung như Netflix, Disney+, Amazon Prime hoặc Hulu vẫn ưa chuộng 4K. Về mặt kỹ thuật, PC chơi game cao cấp (PlayStation 5 hoặc Xbox Series X) đủ sức xử lý nội dung 8K, nhưng lập trình một trò chơi ở độ phân giải này rất khó.

Vẫn có ngoại lệ là Youtube. Nền tảng cho phép phát một số đoạn phim 8K hạn chế – thường là phim tài liệu du lịch hoặc thiên nhiên. Để xem được người dùng cần dành 20 - 50megabit/giây (Mbps) riêng cho phim.

Chúng ta có cần 8K?

Câu trả lời là hiện tại chưa cần nhưng trong tương lai có thể cân nhắc. Lúc này chưa có nhiều nội dung 8K được cung cấp và nếu không đủ băng thông thì khi xem sẽ bị ngắt quãng. Ngoài ra trong tương lai giá TV 8K sẽ phải chăng hơn giống trường hợp TV 4K.

Độ phân giải 16K

Công nghệ này đã tồn tại và sản phẩm thương mại đã ra mắt. Tuy nhiên người dùng chưa thể kham nổi chi phí, cộng thêm công nghệ xử lý cùng băng thông chưa đủ sức đáp ứng nên 16K khó trở nên phổ biến sớm.

Cẩm Bình