TP.HCM đóng cửa 8 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:56, 04/07/2019

Trong 6 tháng đầu năm 2019, số cơ sở bị xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm tăng cao, hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, nhiều cơ sở vi phạm nghiêm trọng buộc phải đình chỉ hoạt động, thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra một cơ sở giết mổ thịt heo - Ảnh: PV

Ngày 4.7, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019 đơn vị này đã thực hiện kiểm tra 2.560 cơ sở, phát hiện 289 cơ sở vi phạm, tiến hành xử phạt 243 cơ sở với tổng số tiền là 3.139.046.000 đồng, tiếp tục xử lý 46 cơ sở.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết những sai phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2019 có xu hướng hướng gia tăng mạnh. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm tăng cao. Cụ thể, số cơ sở vi phạm tăng đến 56%, số cơ sở bị xử phạt tăng 31%.

Ngoài ra, Ban còn đình chỉ hoạt động có thời hạn 8 cơ sở, thu hồi bản tự công bố sản phẩm 2 cơ sở; tháo gỡ quảng cáo 1 cơ sở; thu hồi/tiêu hủy 1.267kg sản phẩm và 345 đơn vị sản phẩm (chai/hộp/viên) và 8 loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng.

Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm cũng được lưu ý và giám sát chặt chẽ, trong 6 tháng đầu năm 2019, TP ghi nhận có 1 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn với 24 người mắc, không có trường hợp tử vong.

Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP, trong 6 tháng, tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng dịch tả lợn châu Phi. Do đó, các ngành chức năng đã triển khai công tác chỉ đạo và kiểm tra nguồn thịt heo nhập vào các chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc truy xuất nguồn gốc thịt.

Các đội an toàn thực phẩm đóng trực tiếp tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, Hóc Môn đều được trang bị thiết bị đọc cầm tay để hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo vào chợ đầu mối. Nếu phát hiện các trường hợp vận chuyển, kinh doanh thịt heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đều tiến hành xử lý nghiêm.

Tại các trục lộ giao thông chính ra vào thành phố, các đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận huyện tham gia cùng các đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch bệnh động vật thành phố tăng cường tần suất hoạt động kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, kinh doanh thịt heo, sản phẩm thịt heo trên các tuyến đường chính ra, vào địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh thịt heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.

Song song với việc chống thực phẩm bẩn, TP cũng tập trung xây dựng thực phẩm sạch. Trong đó đẩy mạnh việc tổ chức tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm; tuyên truyền vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến, kho bảo quản, nhà hàng, quán ăn thực hiện cam kết không vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ thịt heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch để kinh doanh, chế biến thực phẩm; xây dựng chuổi thực phẩm an toàn...

“Với các kết đạt được trong 6 tháng qua, chúng tôi tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa các công tác đã và đang được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thành phố, đảm bảo nguồn thực an toàn cung cấp cho người dân thành phố theo đúng với mục tiêu đề ra “xây thực phẩm sạch - chống thực phẩm bẩn”, bà Phong Lan nhấn mạnh.

Hồ Quang