Thủ tướng yêu cầu EVN không được để thiếu điện, Vietnam Airlines cắt lỗ
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:10, 05/02/2024
Thủ tướng yêu cầu EVN không được để thiếu điện, Vietnam Airlines cắt lỗ
Khi giao nhiệm vụ cho năm nay, Thủ tướng nhấn mạnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được để thiếu điện; Vietnam Airlines cắt lỗ, xử lý các vấn đề tồn đọng; Tập đoàn Xăng dầu không để thiếu xăng dầu…
16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận
Năm 2023, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế (riêng Vietnam Airlines giảm lỗ so với kế hoạch); 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.
Tại buổi làm việc với các tập đoàn ngày 5.2, Thủ tướng nhắc việc đường dây 500 kV mạch 3 của EVN không triển khai được trong nhiều năm nhưng đang được quyết liệt xây dựng và dự kiến hoàn thành trong 6 tháng; PVN sau một thời gian gặp khó khăn thì những năm gần đây đã hoạt động đạt kết quả rất tích cực; Tổng công ty Cảng hàng không những năm trước đây ì ạch nhưng đến năm nay có nhiều nỗ lực chuyển biến, nhất là trong xây dựng sân bay Long Thành; Tổng công ty Đường sắt sau nhiều năm thua lỗ đã có những đổi mới hiệu quả và có lãi trong năm 2023; những chuyển biến trong triển khai chuỗi dự án khí Lô B - Ô Môn sau hàng chục năm chậm trễ…
Thủ tướng cũng lấy ví dụ, năm 2023, Chính phủ chỉ đạo tăng cường xuất khẩu gạo trong lúc giá tăng, thì cũng có những ý kiến ngần ngại trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp. Song theo Thủ tướng, vòng đời cây lúa hiện nay chỉ khoảng 3 tháng, dự trữ gạo được bảo đảm, cần tận dụng thời cơ để xuất khẩu.
“Kết quả là chúng ta vừa xuất khẩu gạo đạt kỷ lục, vừa bảo đảm cân đối lương thực trong nước, vừa góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới”, Thủ tướng nêu.
Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu "tuyệt đối không được say sưa, thỏa mãn, chủ quan với những thành tựu, kết quả đã đạt được". Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, như còn có những vướng mắc về cơ chế, chính sách; đầu tư cho phát triển còn hạn chế, tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp hơn bình quân chung cả nước; đóng góp cho tăng trưởng GDP chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; hiệu quả đầu tư kinh doanh chưa cao.
Nguyên nhân chủ yếu là tính tích cực, chủ động, sáng tạo của lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty chưa được phát huy mạnh mẽ; những vướng mắc pháp lý, nhất là về đất đai, đầu tư công, phân cấp, phân quyền; chính sách với cán bộ công tác tại doanh nghiệp, làm công tác quản lý vốn còn bất cập, chưa sát tình hình thực tế; quản trị doanh nghiệp vẫn chưa thực sự phù hợp với kinh tế thị trường, còn nhiều khâu trung gian, nhiều trường hợp gây ách tắc công việc…
EVN không được để thiếu điện
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung sửa đổi và đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các luật, nghị định, thông tư có liên quan để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về pháp lý, nhất là liên quan lĩnh vực giá, môi trường, tài nguyên, đất đai…, cụ thể như Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính hoạt động khoa học và công nghệ...
“Tinh thần là phân cấp, phân quyền nhiều hơn đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát”, Thủ tướng nói.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung thúc đẩy đầu tư phát triển, khắc phục bằng được hạn chế trong vấn đề này, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho 3 đột phá chiến lược của đất nước (thể chế, hạ tầng nhân lực), làm mới 3 động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và bổ sung các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ)…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty theo các kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó tập trung 3 nội dung tái cấu trúc: tái cấu trúc về quản trị theo hướng hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng nhân lực; tái cấu trúc về tài chính; tái cấu trúc về ngành nghề, nguyên vật liệu đầu vào… cho phù hợp xu hướng phát triển.
Thủ tướng cho rằng các bộ, ngành, ủy ban đã có nhiều kinh nghiệm hơn, phải phối hơp chặt chẽ, hiệu quả, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các đề xuất của doanh nghiệp trên tinh thần tất cả vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của các tập đoàn, tổng công ty; không đùn đẩy, né tránh, không phiền hà, sách nhiễu, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.
Thủ tướng nhấn mạnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam không được để thiếu điện; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bảo đảm đủ dầu, khí theo kế hoạch; Tập đoàn Than - Khoáng sản bảo đảm đủ than trên cơ sở kế hoạch dài hạn; Tổng công ty Thép xử lý dứt điểm dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (TISCO 2); Vietnam Airlines cắt lỗ, xử lý các vấn đề tồn đọng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam không để thiếu xăng dầu… Đồng thời lưu ý các cơ quan thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp, không giật cục, không cầu toàn, không nóng vội; Bộ Công Thương cải tiến lại cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng đơn giản, dễ kiểm tra, giám sát…
Về nhân sự, Thủ tướng yêu cầu bố trí đúng, trúng con người trên cơ sở căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, minh bạch.
Thủ tướng một lần nữa yêu cầu thành tích, kết quả chung của các tập đoàn, tổng công ty phải năm sau cao hơn năm trước, cụ thể là hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, đóng góp cho ngân sách, cho tăng trưởng phải cao hơn năm 2023; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tốt hơn, đóng góp cho an sinh xã hội nhiều hơn…