Người dân đổ về miền Tây ăn Tết, nhiều đoạn kẹt cứng
Sự kiện - Ngày đăng : 18:30, 05/02/2024
Người dân đổ về miền Tây ăn Tết, nhiều đoạn kẹt cứng
Ngày 5.2 (tức 26 Tết), người dân đi làm ở TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ bắt đầu đổ xô về miền Tây. Lượng phương tiện qua cầu Rạch Miễu tăng cao chưa từng có, vượt công suất thiết kế gần 5 lần.
Trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2024, người dân bắt đầu rời TP.HCM về quê nghỉ Tết cùng với phương tiện chở hàng hóa lưu thông đông đúc, khiến giao thông liên tục bị ùn ứ.
Tại cầu Rạch Miễu, trong 3 ngày qua liên tục kẹt xe vào những giờ cao điểm. Lực lượng CSGT của 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang phải túc trực thường xuyên để phân luồng, điều tiết giao thông qua cầu.
Theo đại diện Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, trong 2 ngày 3 và 4.2 (24 - 25 Tết), lượng phương tiện qua cầu Rạch Miễu tăng cao chưa từng có, vượt công suất thiết kế gần 5 lần (6.000 lượt/ngày đêm).
Song song đó, khoảng 1 tuần qua, lượng xe máy đổ về miền Tây theo QL1 tăng mạnh từ khoảng 14 giờ đến 22 giờ mỗi ngày. Cũng trong thời gian này, lực lượng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang luôn có mặt để phân luồng, điều tiết giao thông thay cho các đèn đỏ. Nhờ vậy, lượng phương tiện đổ về cầu Rạch Miễu được kiểm soát tốt hơn.
Năm nay tình trạng kẹt xe trên tuyết đường từ TP.HCM về hướng miền Tây cũng giảm bớt so với Tết năm 2023, phần nào nhờ vào việc đưa vào sử dụng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Anh Nguyễn Văn Hải, một người đi từ TP.HCM về Sóc Trăng theo tuyến đường cao tốc cho biết: “Nhờ cao tốc mà năm nay tôi đi một lèo về tới quê mà không vướng kẹt xe”.
Tại Cần Thơ lúc 11 giờ trưa 5.2, nhiều nơi ở nội ô TP đã bắt đầu kẹt xe cục bộ. Theo lực lượng CSGT TP.Cần Thơ, những nút giao của TP thường kẹt xe vào giờ cao điểm thì nay càng nặng hơn do mật độ giao thông tăng cao dịp Tết Nguyên đán.
Dự kiến thông xe chính thức cầu Trần Hoàng Na ngày 28 Tết
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án ODA TP.Cần Thơ, dự kiến vào ngày 7.2 (tức 28 Tết) sẽ thông xe cầu Trần Hoàng Na. Đây là cây cầu thứ 5 bắc qua sông Cần Thơ.
Cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, nối quận Ninh Kiều và Cái Răng. Đây là một trong những cây cầu nối Quốc lộ 1A vào trung tâm TP.Cần Thơ. Cầu Trần Hoàng Na là một trong những công trình thuộc dự án phát triển TP.Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, sử dụng vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB).
Cầu có tổng vốn đầu tư 791 tỉ đồng; quy mô 4 làn xe, dài gần 600m, rộng 23m. Công trình có vận tốc thiết kế 60km/h, tĩnh không thông thuyền 50m, xây dựng vĩnh cửu bằng kết cấu vòm thép, bê tông cốt thép dự ứng lực.
Cầu có 3 nhịp chính bằng thép, với nhịp giữa dài 150m, nhịp 2 đầu cầu cùng dài 49m. Hơn 4.000 tấn thép được nhập khẩu từ Hàn Quốc để xây 3 nhịp chính cầu; còn các dầm thép ngang, dọc, vòm được đúc tại 3 nhà máy ở Đồng Nai và Hưng Yên.
Đỉnh vòm thép chính của cầu cao 44,2m, đỉnh 2 vòm biên cao 6,98m so với mặt nước. Hiện mặt cầu đã được láng nhựa và hoàn thiện các hạng mục cuối như lắp lan can, hệ thống chiếu sáng, thoát nước... Trước đó, để thử tải cầu, chủ đầu tư đã huy động 40 xe loại tải trọng 10 tấn chạy trên cầu.
Đây là cây cầu thứ 4 nối hai quận Ninh Kiều và Cái Răng qua sông Cần Thơ (cùng với cầu Quang Trung, Hưng Lợi và Cái Răng). Cầu Trần Hoàng Na được kỳ vọng đóng vai trò là mạch nối, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Cần Thơ và các tỉnh phía nam sông Hậu.
Việc thông xe chính thức cầu Trần Hoàng Na cũng có thể giúp TP.Cần Thơ giảm kẹt xe và ùn tắc trong những ngày cao điểm Tết Nguyên đán 2024.