Chuyên gia hiến kế lắp camera để các nước biết được quy trình sản xuất của Việt Nam
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 07:03, 03/07/2019
Bàn về vấn đề làm cách nào để người nông dân có thể đi cùng với doanh nghiệp tham gia cuộc chơi CPTPP, EVFTA, theo chuyên gia kinh tế - TS.Lê Đăng Doanh, hiện mọi ý kiến chỉ đề cập tới nông sản Việt nhưng chưa đề cập tới kinh tế số, thương mại điện tử. Vì vậy cần phải kết nối một chuỗi giá trị để đem lại hiệu quả cho ngành xuất khẩu đưa Việt nam thành nước phát triển trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản.
"Tôi đề nghị chúng ta nên có một chủ đề về: Phát triển thương mại điện tử và kinh tế số trong nông nghiệp và nông thôn để thúc đẩy xuất khẩu. Bởi vì bây giờ muốn xuất khẩu mà cứ đi theo con đường truyền thống thì sẽ rất xa so với xu hướng hiện nay. Nếu chúng ta nhìn vào bức tranh xuất khẩu có thể thấy xuất khẩu sang EU cần phải kết nối qua thương mại điện tử, chúng ta phải kết nối thành một chuỗi giá trị và bảo đảm chất lượng ổn định và giám sát được", ông Doanh nói tại hội thảo CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt ngày 2.7.
Thậm chí, theo ông Doanh, nên xem xét việc lắp camera để đối tác các thi trường như Nhật Bản, EU... biết được quy trình sản xuất của Việt Nam. Từ đó, họ sẽ biết được nước ta sản xuất quy trình ra sao, sản xuất như thế nào?
"Tôi cho rằng, cơ hội của CPTPP đối với nông sản của chúng ta là rất lớn, cho nên hãy đẩy mạnh thương mại điện tử, kinh tế số và chất lượng của hàng nông sản Việt Nam, giảm bớt các thủ tục, giảm bớt chi phí, như vậy sẽ đưa được nông sản của chúng ta ra thị trường nước ngoài", chuyên gia này nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS.Võ Trí Thành cho rằng có 2 câu hỏi cần đặt ra. Thứ nhất, thị trường nào trong các FTA của Việt Nam có quan hệ thương mại với nhau, có mối quan hệ với Việt Nam? Thứ hai, trong các khối thị trường lớn của các hiệp định, Việt Nam đang "chơi" như thế nào?
"Khi nào chúng ta có cái nhìn tổng thể về thị trường, khi đó bài toán cơ hội trong hội nhập của nông sản sẽ có lời giải đầy đủ. Mọi người thường nói, hội nhập thì nông sản Việt sẽ đón nhận cả cơ hội và thách thức nhưng tôi tâm niệm đó là cơ hội và chi phí tuân thủ. Với CPTPP, EVFTA, khó nhất của nông sản Việt đó là chi phí tuân thủ rất cao. Chi phí tuân thủ liên quan đến xuất xứ, nội địa hóa rồi các loại tiêu chuẩn, nắm bắt thông tin..." TS.Võ Trí Thành nhận định
Ngoài ra, theo chuyên gia này, chi phí tuân thủ liên quan đến các khâu mang tính chất quyết định như chi phí pháp, không một doanh nghiệp nào của Việt Nam “chơi” được với pháp lý. Các hiệp hội lại chưa có năng lực hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chi phí tuân thủ mang tính chất quyết định khác là marketing. Bao gồm 3 vấn đề là giá trị sản phẩm, tiêu chuẩn và xuất xứ.
Về phía cơ quan quản lý, Bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, để tận dụng tốt các cơ hội cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ở một sân chơi mới, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về hiệp định để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh làm động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP hay EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn, nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.
Đặc biệt, bà Mai cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của hiệp định để thu hút mạnh đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Tuyết Nhung