Bloomberg: Grab và GoTo khôi phục đàm phán về cuộc sáp nhập siêu lớn ở lĩnh vực gọi xe, giao đồ ăn
Thế giới số - Ngày đăng : 19:43, 09/02/2024
Bloomberg: Grab và GoTo khôi phục đàm phán về cuộc sáp nhập siêu lớn ở lĩnh vực gọi xe, giao đồ ăn
Grab và GoTo, hai công ty hàng đầu về giao đồ ăn trong khu vực Đông Nam Á với hơn 655 triệu người, đang trong giai đoạn thảo luận sơ bộ về nhiều kịch bản, theo nguồn tin thân cận của trang Bloomberg.
Một lựa chọn tiềm năng là Grab (Singapore) sẽ mua lại GoTo (Indonesia) bằng tiền mặt, cổ phiếu hoặc kết hợp cả hai, một trong những nguồn tin của Bloomberg cho biết. Theo nguồn tin này, GoTo cởi mở hơn với thỏa thuận sau khi ông Patrick Walujo lên giữ chức Giám đốc điều hành vào năm ngoái.
Theo Bloomberg, các cổ đông lớn của cả hai công ty đều ủng hộ một thỏa thuận và đang thúc đẩy cuộc đàm phán.
Người tin của Bloomberg cho biết các cuộc đàm phán cũng có thể không dẫn đến một vụ sáp nhập toàn diện hoặc bất kỳ thỏa thuận nào. Các lựa chọn mà hai công ty đã xem xét cũng bao gồm việc chia tách những thị trường chính của họ, với Grab kiểm soát Singapore (nơi đặt trụ sở chính) và một số thị trường khác, trong khi GoTo duy trì kiểm soát tại Indonesia.
Theo Bloomberg, việc định giá vẫn là trở ngại chính với bất kỳ thương vụ nào vì cổ phiếu GoTo đã giảm khoảng 30% trong 12 tháng qua. Các mối quan ngại khác gồm cấu trúc thỏa thuận và quản trị.
Đại diện của Grab và GoTo không bình luận về thông tin này.
Mỗi công ty có hàng chục triệu người dùng dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn nên việc sáp nhập có thể giúp họ tăng giá cũng như tìm được sự phối hợp ở thị trường lớn như Indonesia, nơi sự cạnh tranh đã giữ giá cả ở mức thấp. Quy mô lớn hơn cũng có thể giúp đơn vị kết hợp trở nên mạnh mẽ hơn trong các dịch vụ có tỉ suất lợi nhuận cao hơn như thanh toán kỹ thuật số và ngân hàng.
Một thỏa thuận tiềm năng giữa hai công ty internet có giá trị nhất Đông Nam Á (tổng giá trị gần 20 tỉ USD) sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý. Hai hãng này rõ ràng là đứng số 1 và số 2 ở quốc gia như Indonesia và Singapore, nên việc sáp nhập có thể mang lại cho họ vị trí thống trị ở một số thị trường. Uber Technologies đã rời khu vực Đông Nam Á vào năm 2018 để đổi lấy cổ phần tại Grab và các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn vẫn chưa tạo được ảnh hưởng lớn đến vị thế hàng đầu của Grab cùng GoTo tại các thị trường hàng đầu.
Tuy nhiên, Grab và GoTo vẫn đang cân nhắc giải pháp cho những điều gây lo ngại. Hai công ty coi sự kết hợp là một bước quan trọng hướng tới lợi nhuận khi cổ phiếu của họ suy giảm trong bối cảnh thua lỗ ngày càng tăng. Cổ phiếu của mỗi công ty đã giảm khoảng 70% kể từ khi ra mắt cách đây vài năm.
Sự cạnh tranh giữa Grab và GoTo đã giúp giữ giá người dùng dịch vụ ở một số quốc gia, gồm cả Indonesia, rất thấp. Tại Indonesia - thị trường lớn nhất Đông Nam Á (hơn 278 triệu dân), nơi cơ quan quản lý cũng tích cực đảm bảo mức giá phải chăng, một chuyến đi bằng xe máy có thể tốn chưa đến 1 USD và chuyến đi bằng ô tô cũng không đắt hơn nhiều. Điều đó khiến các công ty vận chuyển phải chịu áp lực mở rộng dịch vụ như giao hàng và thanh toán kỹ thuật số.
Grab và GoTo được coi là một vụ sáp nhập tiềm năng những năm gần đây. Lần này, các cuộc thảo luận đã bắt đầu lại sau khi GoTo nhượng quyền kiểm soát đơn vị thương mại điện tử Tokopedia cho TikTok của ByteDance vào tháng 12.2023, một nguồn tin cho biết. Thỏa thuận này làm cho Grab và GoTo trở thành sự kết hợp có thể mạnh mẽ hơn.
Một thách thức với các cuộc đàm phán trong quá khứ là quyền kiểm soát. Anthony Tan, Giám đốc điều hành Grab (nắm giữ khoảng 60% quyền biểu quyết tại công ty của mình), muốn lãnh đạo bất kỳ thực thể kết hợp nào.
Tiếp quản vai trò giám đốc điều hành vào tháng 6.2023, Patrick Walujo đã lãnh đạo để đưa GoTo đạt được lợi nhuận theo cách tính điều chỉnh trong quý 4/2023, một bước tiến trong việc chứng minh cho các nhà đầu tư rằng công ty có tiềm năng sinh lời về lâu dài.
Đối tác quản lý ở Northstar Group (cổ đông của GoTo) đã đóng vai trò then chốt để đưa hai công ty lên bàn đàm phán lần này, sau khi hai lãnh đạo trước đây trong hai mảng kinh doanh chính của GoTo là Giám đốc Gojek - Kevin Aluwi và Giám đốc Tokopedia - William Tanuwijaya đều từ chức.
Grab và GoTo đã nhiều lần đàm phán để kết hợp nhưng không thành công trong quá khứ, sau nhiều năm cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực gọi xe, giao đồ ăn và công nghệ tài chính. Vài năm trước, bộ đôi này đạt được tiến bộ đáng kể để hướng tới một thỏa thuận, nhưng các cuộc đàm phán đã suy yếu khi họ xung đột về cách quản lý thị trường trọng điểm Indonesia.
Hồi tháng 12.2023, TikTok của ByteDance đã đồng ý đầu tư 1,5 tỉ USD vào liên doanh với GoTo, thỏa thuận cho phép TikTok khởi động lại ứng dụng mua sắm tại thị trường bán lẻ trực tuyến Indonesia.
Thông báo chung của hai công ty cho biết TikTok sẽ kết hợp hoạt động kinh doanh TikTok Shop của Indonesia với đơn vị thương mại điện tử Tokopedia của GoTo.
Theo thỏa thuận này, TikTok sẽ mua 75,01% cổ phần Tokopedia, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Indonesia với giá 840 triệu USD và đưa hoạt động kinh doanh của TikTok Shop tại Indonesia vào thực thể Tokopedia mở rộng.
Hai công ty cho biết trong một tuyên bố chung: “TikTok đã cam kết đầu tư hơn 1,5 tỉ USD vào tổ chức mở rộng theo thời gian để cung cấp nguồn vốn trong tương lai mà GoTo yêu cầu. Quan hệ đối tác chiến lược sẽ bắt đầu với giai đoạn thử nghiệm được thực hiện với sự tham vấn và giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý có liên quan”.
Vốn đang tìm cách bảo vệ các công ty địa phương, gồm cả hàng chục triệu doanh nghiệp nhỏ hơn, chính phủ Indonesia đã ra tín hiệu rằng đang phê duyệt thỏa thuận mới giữa TikTok và GoTo. Khi TikTok phát triển trở thành đối thủ lớn của Tokopedia và các công ty địa phương, các nhà chức trách Indonesia đã ban hành các quy định vào tháng 9.2023, buộc những công ty truyền thông xã hội phải tách dịch vụ thanh toán của họ khỏi nội dung.
TikTok Shop là tính năng phát triển nhanh nhất của ByteDance, tập đoàn Trung Quốc đang tìm kiếm nguồn doanh thu mới ngoài dịch vụ truyền thông xã hội phổ biến. ByteDance nhắm tới thị trường mua sắm trực tuyến của Indonesia làm khuôn mẫu cho việc mở rộng toàn cầu từ Mỹ sang châu Âu.
TikTok bắt đầu cung cấp tính năng mua sắm ở Indonesia vào năm 2021 và thành công ngay lập tức đã khuyến khích ứng dụng này mở rộng sang bán lẻ trực tuyến ở các thị trường khác, gồm cả Mỹ. Năm 2023, TikTok cho biết sẽ đầu tư hàng tỉ USD vào Indonesia và khu vực Đông Nam Á.
Với GoTo, thỏa thuận với TikTok có thể gặp rủi ro vì điều này sẽ giúp TikTok tiếp tục hoạt động tại quốc gia này, nhưng cũng mang lại cho họ một đối tác truyền thông xã hội toàn cầu mạnh mẽ để thúc đẩy khối lượng mua sắm và thanh toán cho cả hai công ty.
Tokopedia cạnh tranh trên thị trường thương mại điện tử Indonesia với Shopee của Sea và Lazada của Alibaba.
Indonesia là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á phản đối TikTok. Sau các hạn chế của Indonesia, Malaysia cho biết đang nghiên cứu khả năng quản lý TikTok và các hoạt động thương mại điện tử của công ty Trung Quốc này. Sau khi bị cấm ở Ấn Độ, TikTok đang phải đối mặt với sự giám sát của Mỹ, châu Âu vì vấn đề lo ngại an ninh quốc gia.
Báo cáo của Google, Temasek Holdings và công ty tư vấn Bain & Co. cho thấy ngành thương mại điện tử Indonesia dự kiến sẽ mở rộng lên khoảng 160 tỉ USD vào năm 2030 từ mức 62 tỉ USD trong 2023.