Trò chuyện về nét đẹp ‘Tết xưa - Tết nay’
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 09:45, 10/02/2024
Trò chuyện về nét đẹp ‘Tết xưa - Tết nay’
Với nhiều người, Tết xưa là mảng hồi ức đẹp với những nét văn hóa mộc mạc và giản dị, tạo nên cảm giác vô cùng gần gũi.
Nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024, Bảo tàng tỉnh Cà Mau vừa tổ chức buổi trò chuyện với chủ đề “Tết xưa - Tết nay” nhằm giúp các bạn trẻ hiểu và sống lại ký ức tết xưa cùng những giá trị văn hóa đặc sắc trong ngày tết truyền thống của dân tộc.
Tại buổi trò chuyện, mỗi khách mời đều có câu chuyện riêng và xúc động khi nhớ lại những khoảnh khắc cùng quân và dân ăn Tết trong khoảng thời gian hoạt động cách mạng, tuy vất vả, thiếu thốn nhưng rất vui.
Nhớ lại ngày tháng được người dân Khu căn cứ Xẻo Đước giai đoạn 1960 - 1975 đùm bọc, che chở, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thạnh Trị kể về những kỷ niệm Tết xưa.
Ông Trị nhớ lại, thời chống Mỹ, ông làm việc khoảng 10 năm ở Khu căn cứ Xẻo Đước. Với ông, người dân nơi đây rất thân thương, một lòng theo chí hướng của Đảng và nhà nước, xứng đáng là khu “căn cứ lòng dân”. Cũng tại căn cứ này, các đồng chí lãnh đạo, các chiến sĩ đã cùng nhau ăn Tết trong sự che chở, đùm bọc của người dân. Nếu không có khu “căn cứ lòng dân”, địch có thể tấn công bất cứ lúc nào và cuộc sống, sự an toàn trong lãnh đạo, chỉ đạo hết sức khó khăn.
“Tôi thấy chuyện vui xuân, vui Tết ở miền quê rất đơn giản, không cầu kỳ. Nhiều khi tôi ngồi nhớ quê hương, nhớ xứ sở bên chén trà, mứt gừng hoặc bánh phồng nướng rồi cùng bà con trong vùng kháng chiến chia sẻ tình cảm hết sức đặc biệt vào ngày xuân vô cùng ấm áp”, ông Trị nói.
Theo ông Trị, thế hệ chúng ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có ngày xuân sum vầy hay những đêm chiêm ngưỡng pháo hoa như hôm nay, phải luôn nhớ ơn thế hệ đi trước đã vượt qua gian khổ và anh dũng hy sinh cho nền độc lập của nước nhà. “Cho tới bây giờ, dù đã qua mấy mươi mùa xuân thanh bình với đầy đủ sắc, hương, vị, tôi vẫn không quên cái tết với cảm giác vui sướng, hạnh phúc khi được sống giữa tình yêu thương bao la, ấm áp của lãnh đạo và nhân dân. Đó mãi mãi là điều cao quý, thiêng liêng nhất”, ông Trị hồi tưởng lại.
Nhà thơ Nguyễn Thái Thuận (Út Trấn), nguyên cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau giai đoạn 1960 - 1967, đã tâm sự về 18 năm ăn Tết ở chiến trường của ông. Trong ngần ấy thời gian, ông không sao quên được cái Tết năm 1960 ở Quách Phẩm (huyện Đầm Dơi), Tết năm 1962 ở Khu căn cứ Xẻo Đước (huyện Phú Tân) và Tết 1968 ở chiến khu Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh)… Nhưng ông nhớ nhất cái Tết năm 1965 khi đơn vị đóng quân ở Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời).
Ông Thuận kể, lúc ấy anh em đơn vị đi săn bắt chồn, còn anh Bảy Trị (ông Phạm Thạnh Trị - PV) đi bộ ra chợ bán để đổi lấy đồ ăn cho anh em đơn vị ăn Tết. Tết xưa có một điều đặc biệt là không ai nhớ nhà, cứ lầm lũi trong dân, nhân dân cho gì ăn nấy. Nhiều anh em trong đơn vị sống 18 năm ở căn cứ không về nhà ăn Tết. “Đặc biệt, Tết kháng chiến không ai uống rượu, chỉ uống trà với bánh, mứt và bánh phồng. Tết xưa ăn bánh phồng thì luôn đi kèm theo hủ tiếu. Hương vị ngon, bùi, ngọt, rất dễ ăn”, ông Út Trấn nói.
Bà Nguyễn Hồng Điểu, cán bộ phục vụ văn công kháng chiến cũng hòa cùng không khí của buổi trò chuyện. Bà cất cao giọng hát bài Hát mãi khúc quân hành gửi tặng mọi người.
Bà Điểu xúc động nhớ lại câu chuyện Tết kháng chiến: “Tết đến các anh em bộ đội gói bánh tét, làm mứt, đốt lửa trại cùng nhau hát ca tạo sinh khí hoạt động đón xuân cùng với nhân dân ở địa phương. Không khí khi đó rất đầm ấm, hạnh phúc”...
Ngoài buổi trò chuyện “Tết xưa - Tết nay”, nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bảo tàng tỉnh Cà Mau còn tổ chức nhiều hoạt động mang đậm nét đẹp văn hóa của người Việt như nướng bánh tết, gói bánh tét, nấu thịt kho tàu... để mọi người nhìn lại năm cũ, chào đón năm mới với nhiều ước vọng tốt đẹp.