Làng quê Việt Nam qua nét vẽ của cố họa sĩ Pháp
Văn hóa - Ngày đăng : 16:00, 10/02/2024
Làng quê Việt Nam qua nét vẽ của cố họa sĩ Pháp
Làng quê nông thôn Việt Nam trong các tác phẩm của họa sĩ Pháp Joseph Inguimberty được ca ngợi là tự nhiên và mang lại cảm giác yên bình cho người xem.
Joseph Inguimberty (1896 - 1971) là một họa sĩ Pháp. Ông nhận lời mời của họa sĩ Victor Tardieu (*) về dạy Khoa trang trí của Trường mỹ thuật Đông Dương năm 1925. Tuy không trực tiếp sáng tác trên chất liệu sơn mài nhưng Inguimberty là một trong những người quan trọng cùng Alix Aymé (**) phát triển tranh sơn mài Việt Nam.
Nhà sử học nghệ thuật Giulia Pentcheff từng nhận định, họa sĩ Joseph Inguimberty đã có tác động đến việc chuyển đổi bối cảnh mỹ thuật Việt. "Những năm tháng họa sĩ giảng dạy tại trường không chỉ kích thích sự hồi sinh của tranh sơn mài Việt mà còn khẳng định vai trò của ông như một bậc thầy thông thái đối với các thế hệ họa sĩ bản xứ, gồm Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Vũ Cao Đàm, Tô Ngọc Vân và nhiều người khác", ông viết.
Trong tự thuật “Ký ức Đông Dương” của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa đăng tải trên Luxuo, dựa theo ký ức của bố là họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp, ông Hòa ngưỡng mộ Joseph Inguimberty bởi khả năng tả bóng nước phong phú tùy theo ruộng, “nơi thì trong veo lồng bóng trời mây, nơi đục ngầu nước hồng nhạt pha vàng đất vì mới bừa xong, chỗ lại rực sáng như gương”.
Sau đây là một số bức ảnh về làng quê Việt Nam vào thế kỷ 20.
Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, qua lời kể của thân phụ là họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp kể về cố họa sĩ Joseph Inguimberty từng đăng tải trên Luxuo như sau:
“Thày vẽ rất say sưa. Khởi đầu không vẽ ngay toan to mà vẽ những tấm bìa nhỏ đã hồ nền, thậm chí bìa bọc toan sẵn - đó là cách vẽ “pochade” (đọc là pô sát), khi cảm hứng dâng tràn mà chưa xác định góc cảnh hoàn hảo thì có thể vội vẽ nháp để ghi lại cảm xúc ở bất cứ góc cảnh nào. Chỉ sau vài bản thử đó, thày mới quyết định hướng chính để vẽ trên toan to. Cánh đồng lúa dần dần hiện lên với các thửa ruộng toàn dùng họ màu xanh lá cây, nhưng khác nhau một cách tinh tế. Không thể ngờ thày là Tây mà tả ra rất dễ dàng mạ non, lúa non, lúa đang thì con gái, lúa sắp chín, ruộng khoai, ruộng đã cày, ruộng đã bừa mà chưa cấy, đầm sen… thậm chí tả được cả ruộng hoang mọc lởm chởm cỏ năn, cỏ lác. Tài tình hơn nữa khi thày tả bóng nước rất phong phú tùy theo ruộng: nơi thì trong veo lồng bóng trời mây, nơi đục ngầu nước hồng nhạt pha vàng đất vì mới bừa xong, chỗ lại rực sáng như gương…
Khó nhất là thày vẽ các hàng lúa non mới cấy uốn lượn điệu đà mà lại hết sức tự nhiên, và thày lách bút bẹt để tả bóng mạ chèn bóng nước một cách ngon ơ mà đầy hiệu quả. Sau này họa sĩ người Việt “dám” tả ruộng lúa mới cấy cũng không nhiều. Dường như chỉ có vài ba tên tuổi như Trịnh Hữu Ngọc, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tiến Chung, Trần Đình Thọ… đều là các trò cũ của thày - có thể vẽ ruộng mạ hay lúa đẹp tương tự như thầy”.
(*) Victor Tardieu là một họa sĩ Pháp. Năm 1924, ông cùng họa sĩ Việt Nam Nam Sơn thành lập Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tiền thân của Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay.
(**) Alix Angèle Marguerite Aymé (1870 - 1937) là một nữ họa sĩ người Pháp từng sống ở Trung Quốc và Việt Nam.