Chùm ảnh: Chụp đìa bắt cá đồng ăn Tết ở miền Tây

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 10:29, 11/02/2024

Từ xưa, khi bước sang tháng chạp là người dân miền Tây bắt đầu chụp đìa hoặc tát đìa để bắt cá đồng ăn Tết. Hễ nghe nhà nào chuẩn bị tát đìa là dân trong vùng lại nôn nao chờ được bắt cá hôi.
Câu chuyện văn hóa

Chùm ảnh: Chụp đìa bắt cá đồng ăn Tết ở miền Tây

Trần Khải 11/02/2024 10:29

Từ xưa, khi bước sang tháng chạp là người dân miền Tây bắt đầu chụp đìa hoặc tát đìa để bắt cá đồng ăn Tết. Hễ nghe nhà nào chuẩn bị tát đìa là dân trong vùng lại nôn nao chờ được bắt cá hôi.

2-tat-dia(1).jpg
Vào mùa khô, khi ruộng đồng cạn nước, cá đồng bắt đầu tìm đường xuống ao, đìa - nơi có nước sâu để sinh sống. Đó cũng là lúc người dân miền Tây bắt đầu chuẩn bị ngư cụ để chụp đìa (lấy lưới bao quanh đìa rồi kéo gom cá lại bắt mà không cần tát khô). Đây là nét văn hoá độc đáo của người dân miền Tây còn lưu giữ cho đến ngày nay
11-tat-dia(1).jpg
Ở Cà Mau, nguồn cá đồng tập trung nhiều ở các huyện vùng ngọt như Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP.Cà Mau. Sau thời gian dùng lưới bao trùm xung quanh đìa, nông dân bắt đầu kéo lưới để bắt cá
1-tat-dia(1).jpg
Sau khi bắt cá lên bờ, bà con trong vùng xúm lại hỗ trợ gia chủ phân loại cá. Công việc này thể hiện sự gắn kết tình làng nghĩa xóm của người dân miền Tây Nam Bộ
10-tat-dia.jpg
Cá đồng có nhiều loại như lóc, rô, trê, chạch, thát lát... Ngày nay, cá đồng có giá trị kinh tế cao. Giá cá loại một hiện nay dao động từ 80.000 - 140.000 đồng/kg (tuỳ loại cá). Vào mùa thu hoạch, nông dân có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình
4-tat-dia(1).jpg
Bên cạnh chụp đìa, người miền Tây còn dùng máy bơm hút cạn nước trong ao để bắt cá. Đây là nét văn hoá đặc sắc, đậm chất vùng Tây Nam Bộ
5-tat-dia(2).jpg
Ngày xưa, cá đồng còn nhiều, vào mùa mưa là thời điểm cá đồng sinh sản nên nông dân miền Tây nghĩ ra cách đào ao trữ nước để dẫn dụ cá vào sinh sống. Đến mùa khô, khi ruộng đồng cạn nước, cá tìm xuống ao sâu, đó là lúc bà con nông dân bắt đầu tát đìa bắt cá để ăn Tết
14-tat-dia.jpg
Bắt cá hôi là nét văn hoá của người miền Tây. Theo người dân, sau khi chủ đìa bắt xong thì sẽ cho người dân trong vùng xuống đìa tìm bắt những con cá còn sót lại dưới lớp bùn đất
9-tat-dia.jpg
Niềm vui của người dân khi bắt được cá còn sót lại dưới đìa. Khi nghe nhà nào chuẩn bị tát đìa là bà con trong vùng lại nôn nao chờ để đi bắt cá hôi. Chỉ cần một hộ tát đìa là cả xóm có cá để ăn
6-tat-dia(2).jpg
Với nhiều người, việc lội bùn bắt cá rất thú vị, giúp họ tìm lại mảng hồi ức của tuổi thơ. Giờ, xã hội phát triển, hoạt động này được phục dựng tại nhiều cơ sở du lịch cộng đồng ở Cà Mau để giúp du khách có được những trải nghiệm hoà mình với thiên nhiên vô cùng thú vị
8-tat-dia(1).jpg
Bây giờ cá đồng dần khan hiếm, để bảo tồn và phát triển, mỗi khi tát đìa, người dân Cà Mau chỉ bắt cá lớn, còn cá bé thì thả lại để tái sinh cho mùa sau
7-tat-dia(2).jpg
Người miền Tây rất phóng khoáng, hào sảng nên sau khi tát đìa xong, gia chủ thường lựa chọn vài con cá to để đãi khách
12-tat-dia(1).jpg
Cá lóc nướng trui là món ăn trứ danh của người dân miền Tây nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Cá lóc sau khi rửa sạch được người dân dùng cây xỏ lụi đem cắm xuống đất rồi chất rơm lên, đốt lửa nướng cá. Khi rơm cháy tàn cũng là lúc cá vừa chín
13-tat-dia.jpg
Sau khi tát đìa hoặc chụp đìa xong, gia chủ sẽ làm một bữa tiệc nhỏ để thiết đãi khách. Những ai có dịp được ngồi dưới bóng cây nghe tiếng gió thổi rì rào rồi thưởng thức món cá nướng trui cùng nhâm nhi vài lon bia hoặc ly rượu đế sẽ là trải nghiệm khó quên

Trần Khải