Tại sao lại xuất hiện những đợt lạnh kỷ lục trong lúc Trái đất đang nóng lên?
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 18:13, 11/02/2024
Tại sao lại xuất hiện những đợt lạnh kỷ lục trong lúc Trái đất đang nóng lên?
Tại sao thời tiết và khí hậu lại có những dấu hiệu trái ngược nhau như vậy? Tại sao nói khí hậu Trái đất đang nóng lên mà nhiệt độ cảm nhận được lại lạnh đi?
Đầu năm nay, cơ quan thời tiết và khí hậu của Vương quốc Anh đã công bố nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2023 cao hơn 1,46°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này khiến năm vừa qua trở thành năm nóng kỷ lục trong lịch sử từng ghi nhận, cao hơn 0,17°C so với kỷ lục trước đó vào năm 2016.
Tuy nhiên, ngay sau thông báo đó, Văn phòng Khí tượng cũng dự báo một đợt không khí lạnh từ Bắc Cực tràn về kéo dài nhiều ngày và kéo nhiệt độ xuống dưới 0, mang băng tuyết đến nhiều vùng của Vương quốc Anh. Khi đợt rét đậm kéo đến, nhiệt độ ở Cao nguyên Scotland giảm xuống -14°C và ở ngay cả Anh phía dưới cũng giảm xuống -11°C.
Mười ngày sau, một ngôi làng ở Cao nguyên Scotland lại đạt nhiệt độ cao bất thường 19,9°C. Đây là nhiệt độ ấm nhất từng được ghi nhận tại Vương quốc Anh trong tháng 1, cao hơn kỷ lục trước tới 1 độ C. Điều đó có vẻ phù hợp hơn với xu hướng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ mười ngày sau đợt nóng kỷ lục đó, phần lớn nước Anh lại phải hứng chịu thời tiết lạnh và có tuyết bất thường.
Chuyện nóng lạnh đột ngột bất thường không chỉ xảy ra ở Vương quốc Anh. Mùa đông năm nay, nhiệt độ thấp kỷ lục đã được quan sát thấy trên khắp Canada, Mỹ, Trung Quốc và một số nước châu Á.
Điều này có vẻ khó hiểu. Tại sao thời tiết và khí hậu lại có những dấu hiệu trái ngược nhau như vậy? Tại sao nói khí hậu Trái đất đang nóng lên mà nhiệt độ cảm nhận được lại lạnh đi?
Chúng ta không thể cảm nhận được khí hậu
Không có một người nào trên Trái đất có thể thực sự trải nghiệm nhiệt độ “trung bình hằng năm toàn cầu”. Không ai thực sự biết mức độ ấm hơn trong một thế kỷ sẽ như thế nào, đặc biệt là khi nhiệt độ có thể chênh lệch 10°C giữa ngày và đêm, hoặc từ 20°C trở lên giữa ngày hè nóng nực và đêm đông lạnh giá.
Điều này có nghĩa là chúng ta thường khó cảm nhận hoặc khó ghi nhớ các mức nhiệt độ trung bình theo mùa và cách chúng thay đổi theo năm tháng. Chúng ta chỉ có thể phát hiện những thay đổi khí hậu từ những thay đổi môi trường như sông băng rút dần hoặc thực vật ra hoa sớm và chúng ta chỉ có thể theo dõi chính xác những thay đổi của nhiệt độ bằng các công cụ đo đếm. Nói chung, rất khó để “cảm nhận” được sự thay đổi khí hậu.
Ngược lại, chúng ta cảm nhận và ghi nhớ tốt hơn nhiều về thời tiết hằng ngày và hằng tuần - đặc biệt là các đợt thời tiết cực đoan như rét đậm, đợt nắng nóng kỷ lục.
Hôm nay nóng, hôm sau lạnh
Hiện tượng thời tiết diễn ra rất nhanh và biến đổi so với các đặc tính khí hậu vốn thay đổi trên quy mô thời gian dài hơn. Thời tiết có thể nóng hôm nay và lạnh vào ngày hôm sau, nhưng khí hậu trung bình hằng năm không thể đột ngột chuyển từ ấm sang lạnh.
Khí hậu về cơ bản là sự tích tụ của thời tiết trong một khoảng thời gian đáng kể. Ví dụ: thông tin thời tiết có thể đề cập đến nhiệt độ nơi nào đó cụ thể vào buổi trưa hoặc cuối giờ chiều, nhiệt độ thấp nhất, nhiệt độ trung bình hoặc nhiệt độ cao nhất từng ngày hoặc trung bình hằng tuần. Trong khi đó, khí hậu lại đề cập đến khoảng thời gian dài hơn nhiều.
Thông tin về khí hậu có thể đề cập đến, ví dụ, nhiệt độ trung bình trong một tháng hoặc trung bình trong các khoảng thời gian theo mùa (ba tháng), nhiều năm hoặc nhiều thập niên. Trong phân tích khí hậu, chúng ta thường tìm kiếm những điểm bất thường liên quan đến “đường cơ sở” tức là biểu đồ trung bình đúc kết từ 30 hoặc 50 năm dữ liệu. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu gần đây khiến chính khí hậu cũng thay đổi thất thường hơn nhiều và không còn chờ nhiều năm dữ liệu để thể hiện sự khác biệt. Đó là điều đáng lo ngại. Nếu khí hậu cũng trở nên thất thường như thời tiết thì sự sống trên Trái đất sẽ gặp thách thức lớn.
Trái đất nóng làm cho thời tiết lạnh
Và một điều không thể quên nhắc các đợt lạnh bất thường gần đây có khả năng là một hệ quả từ Trái đất đang bị nóng lên nhanh chóng. Đây là giả thuyết dựa trên một nghiên cứu của Judah Cohen (chuyên gia tại Cơ quan Nghiên cứu Môi trường và Khí quyển) được công bố trên tạp chí Khoa học năm 2021. Nghiên cứu mới giải thích điều mà tác giả gọi là “nền tảng vật chất” liên kết sự nóng lên ở Bắc Cực và những thay đổi trong mô hình vận động của khí quyển.
Nó tập trung vào xoáy cực, một vùng áp suất thấp thường tập trung ở Bắc Cực và được bao quanh bởi một dải không khí chuyển động nhanh. Cohen ví nó giống như một con quay - khi dòng xoáy cực mạnh, dải không khí đó sẽ quay thành đường xoáy tròn đặc.
Cohen nhận thấy, xoáy cực đang yếu dần dần do Bắc Cực đang nóng lên. Điều đó làm cho dải không khí xoay quanh có hình dạng thuôn dài hơn, buông lỏng cho các luồng không khí Bắc Cực lan rộng về phía nam hơn.
Cohen cho biết mặc dù xoáy cực có hình dạng thuôn dài khoảng 10 ngày mỗi năm vào những năm 1980, nhưng gần đây, tần suất hiện tượng xảy ra thường xuyên hơn gấp đôi.
Nghiên cứu liên kết điều đó với những thay đổi về khí hậu xung quanh Bắc Cực. Chẳng hạn ở vùng biển Barents và Kara phía bắc nước Nga và bán đảo Scandinavia, nước ấm lên và băng tan. Ngược lai, Siberia phía nam lại có xu hướng lạnh đi do lượng tuyết rơi tăng do biến đổi khí hậu gây ra.
Một số nhà khoa học nói rằng cần có dữ liệu được ghi chép dài hơn và kỹ lưỡng hơn để làm rõ nghiên cứu của Cohen. Trước mắt, không có đủ bằng chứng để đổ lỗi cho sự nóng lên ở Bắc Cực là nguyên nhân gây ra đợt lạnh giá ở vĩ độ thấp hơn nhưng lập luận của Cohen là khá hợp lý.