Rau xanh tăng giá chóng mặt ngày mùng 3 Tết

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:36, 12/02/2024

Từ chiều mùng 2 đến sáng mùng 3 Tết, thị trường tiêu dùng bắt đầu sôi động trở lại khi mọi nhà chuẩn bị cúng hóa vàng, giá cả các mặt hàng cơ bản ổn định nhưng rau xanh lại tăng giá chóng mặt so với ngày thường.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Rau xanh tăng giá chóng mặt ngày mùng 3 Tết

Tin và ảnh: Tuyết Nhung 12/02/2024 14:36

Từ chiều mùng 2 đến sáng mùng 3 Tết, thị trường tiêu dùng bắt đầu sôi động trở lại khi mọi nhà chuẩn bị cúng hóa vàng, giá cả các mặt hàng cơ bản ổn định nhưng rau xanh lại tăng giá chóng mặt so với ngày thường.

Hôm nay (12.2, nhằm mùng 3 Tết), nhiều chợ dân sinh ở Hà Nội đã hoạt động trở lại. Thực phẩm được bày bán chủ yếu là rau xanh, thủy hải sản. Theo ghi nhận của phóng viên tại một số chợ như: chợ Thành Công, chợ Hàng Bè, chợ Hôm, chợ Láng Hạ,... nhiều tiểu thương đã buôn bán trở lại. Các loại thực phẩm được bày bán chủ yếu là rau, củ, quả, thủy hải sản... Giá một số loại thực phẩm tăng nhẹ so với những ngày cận Tết.

rau-xanh-2.jpg
Rau xanh tăng giá mạnh sau tết

Cụ thể, súp lơ 20.000 - 25.000 đồng/cây, cải bắp 25.000 - 30.000 đồng/cây, su hào 10.000 đồng/củ, rau cần 15.000 - 20.000/mớ, rau cải 10.000 đồng/mớ... Mức giá này tăng gấp đôi so với trước Tết. Ngoài rau xanh, đậu phụ cũng là món được nhiều người chọn mua nên giá tăng cao gấp đôi ngày thường.

Một số loại thủy sản tăng giá như cá chép giòn 150.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; cá trắm 80.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá một số loại thịt, thủy hải sản vẫn ổn định như thịt bò từ 240.000 - 290.000 đồng/kg, tôm sú 250.000 - 450.000 đồng/kg, cá lăng 120.000 đồng/kg, cá chép 60.000 đồng/kg, ngao từ 18.000 - 20.000 đồng/kg.

rau-xanh-1.jpg
Nguồn cung các loại rau khá đa dạng

Một tiểu thương kinh doanh rau xanh tại chợ Thành Công chia sẻ: "Nguồn cung rau tươi khá ổn định và đa dạng nhưng do ngày Tết số quầy mở bán sớm không nhiều nên trong một vài ngày giá có tăng, sau đó đến mùng 6 trở đi là mức giá lại trở về bình thường".

Cũng như Hà Nội, nhiều tỉnh thành lân cận như Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương,... giá các loại rau xanh đều tăng cao so với ngày thường. Nhiều tiểu thương chia sẻ, năm nay mùng 3 Tết người dân có thói quen ăn lẩu nên nhu cầu tiêu thụ rau xanh tăng mạnh. Năm nay thời tiết thuận lợi, không có sương muối nên các loại rau củ quả phát triển rất nhanh và tươi tốt.

Các tiểu thương cho biết, trong ngày mùng 3 Tết, việc mua bán hàng hóa sẽ sôi động hơn ngày mùng 2 Tết, khi các chợ dân sinh đã bắt đầu bán hàng trở lại phục vụ người dân, hàng hóa chủ yếu sẽ tập trung vào các mặt hàng rau xanh, thịt, cá...

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đánh giá, thị trường không có hiện tượng khan hàng, sốt giá. Qua theo dõi, nắm bắt diễn biến giá cả thị trường tại các địa phương cho thấy, về cơ bản diễn biến giá cả thị trường tháng 1, tuần đầu tháng 2 và trong những ngày Tết không có biến động bất thường, một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tăng theo quy luật hoặc theo diễn biến giá thế giới.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1.2024 tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm 2023. Lạm phát cơ bản tháng 1.2024 tăng 2,72% so cùng kỳ năm trước.

Sang tuần đầu tháng 2 bước vào giai đoạn Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm và hoa thắp hương, trái cây, sức mua tăng lên nhưng nguồn cung dồi dào. Nhìn chung, giá cả khá ổn định, chỉ một số mặt hàng như hoa tươi thắp hương tăng hơn 40%, trái cây và gà ta thắp hương tăng 10 - 15%.

Tin và ảnh: Tuyết Nhung