Vợ của nhân viên Tesla chết trong vụ ô tô điện Model 3 gặp nạn: ‘Tôi và chồng chỉ là chuột thí nghiệm’
Thế giới số - Ngày đăng : 18:14, 14/02/2024
Vợ của nhân viên Tesla chết trong vụ ô tô điện Model 3 gặp nạn: ‘Tôi và chồng chỉ là chuột thí nghiệm’
Theo trang The Washington Post, Hans von Ohain (nhà tuyển dụng của Tesla) đã chết trong một vụ tai nạn ô tô điện trên con đường núi ở bang Colorado (Mỹ) sau khi chiếc Tesla Model 3 rẽ khỏi đường, tông vào cái cây rồi bốc cháy.
Erik Rossiter là người bạn của Hans von Ohain có mặt trên ô tô điện vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn năm 2022 nhưng may mắn sống sót sau vụ việc. Erik Rossiter kể rằng Hans von Ohain đã sử dụng “tính năng hỗ trợ lái tự động trên Model 3” và chiếc ô tô điện “lao thẳng ra khỏi đường", The Washington Post đưa tin.
Nếu những gì Erik Rossiter nói là đúng thì vụ tại nạn nêu trên, mà Tesla đến nay vẫn từ chối thừa nhận công khai, sẽ là trường hợp tử vong đầu tiên được biết đến liên quan đến công nghệ Full Self-Driving của hãng ô tô điện này.
Hans von Ohain đã say vào thời điểm xảy ra tai nạn, với nồng độ cồn trong máu cao gấp ba lần giới hạn cho phép. Thế nhưng, các nhà điều tra nhận thấy sự việc không phải là một vụ tai nạn lái xe khi say rượu điển hình. The Washington Post đưa tin rằng không có vết trượt nào, cho thấy chiếc Model 3 đã cố gắng phanh trước khi xảy ra va chạm với cây, song tại hiện trường có "vết lốp lăn", nghĩa là lực vẫn được truyền tới các bánh xe sau vụ va chạm.
"Với động lực va chạm và cách chiếc xe lao ra khỏi đường mà không có bằng chứng về việc di chuyển đột ngột, điều đó phù hợp với tính năng hỗ trợ tài xế được kích hoạt”, Robert Madden, trung sĩ tuần tra bang Colorado, nói với The Washington Post.
Robert Madden mô tả vụ cháy sau đó nhấn chìm Model 3 là một trong những vụ cháy xe "dữ dội nhất" mà anh từng gặp, phần lớn là do pin lithium-ion đặt trong gầm của chiếc ô tô điện mà Hans von Ohain lái.
Theo The Washington Post, nguyên nhân cái chết của Hans von Ohain được xác định là do ngạt khói và bị trọng thương do nhiệt. Anh ta có thể đã sống sót sau vụ tai nạn nếu không cường độ ngọn lửa không quá mạnh.
Nora Bass, vợ của Hans von Ohain, nói với The Washington Post rằng chồng cô tin tưởng vào tầm nhìn của Elon Musk về tương lai ô tô điện tự lái đến mức sẵn sàng chịu đựng trải nghiệm “rung lắc” này để giúp cải thiện công nghệ của Tesla.
Song vì Tesla đến nay vẫn giữ im lặng về cái chết của Hans von Ohain, Nora Bass nói với The Washington Post rằng cô cảm thấy mình và chồng "chỉ là chuột thí nghiệm" để khắc phục những điểm yếu trong công nghệ với lời hứa hão huyền về sự an toàn.
Nora Bass chia sẻ với The Washington Post: “Bất kể Hans von Ohain say đến mức nào, Elon Musk vẫn tuyên bố rằng chiếc xe này có thể tự lái và về cơ bản là tốt hơn con người. Chúng tôi đã mua một cảm giác an toàn giả mạo".
Tuyên bố từ chối trách nhiệm của Tesla với công nghệ hỗ trợ tự lái ô tô điện hiện tại có nội dung: "Chế độ Autopilot, Enhanced Autopilot và Full Self-Driving được thiết kế để sử dụng cùng với một tài xế hoàn toàn tập trung, giữ tay trên vô lăng và sẵn sàng điều khiển bất cứ lúc nào. Dù Autopilot, Enhanced Autopilot và Full Self-Driving được thiết kế để trở nên mạnh mẽ hơn theo thời gian, nhưng các tính năng hiện tại không làm cho chiếc xe có khả năng tự lái".
Khả năng tự lái hoàn toàn của Tesla vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Đã có nhiều vụ tai nạn, một số gây tử vong, liên quan đến công nghệ Autopilot được thiết kế để sử dụng trên đường cao tốc, dù Tesla không chịu trách nhiệm về các vụ tai nạn. Trong khi Full Self-Driving (có thể điều khiển ô tô điện Tesla trong hầu hết tình huống) vẫn chưa chắc chắn có liên quan đến bất kỳ trường hợp tử vong nào.
Theo The Washington Post, một tài xế ô tô điện Tesla tông 8 chiếc xe gây ra nhiều thương vong trên cầu Vịnh San Francisco-Oakland vào năm 2022 đã khai với chính quyền rằng anh đã sử dụng tính năng Full Self-Driving và cái chết của Hans von Ohain có thể là trường hợp tử vong đầu tiên được biết đến liên quan đến công nghệ này.
Đầu tháng 11.2023, tờ Shanghai Securities News đưa tin một tòa án Trung Quốc đã ra phán quyết rằng chiếc Model Y của Tesla không phải là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn năm 2022 khiến 2 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương.
Nhà sản xuất ô tô Mỹ đã kiện một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc) vì cáo buộc vụ tai nạn xảy ra vào tháng 11.2022 là do Tesla Model Y bị trục trặc. Trung tâm giám định pháp y đã loại trừ khả năng vụ tai nạn là do lỗi trong hệ thống lái hoặc phanh của Model Y, theo Shanghai Securities News, trích dẫn một tài liệu của tòa án.
Người có ảnh hưởng dùng tài khoản trên Douyin đã được lệnh đưa ra lời xin lỗi công khai trên tài khoản này và trả cho Tesla khoản bồi thường 30.000 nhân dân tệ (4.100 USD) vì thiệt hại về danh tiếng.
Vụ tai nạn ở Trung Quốc liên quan đến một chủ ô tô điện cho biết ông không thể yêu cầu Model Y dừng lại sau khi nó tăng tốc lên tới 164 km/giờ trong khoảng 2,6 km và tông vào các phương tiện khác cùng 4 người đi bộ. Đoạn video giám sát cho thấy chiếc ô tô điện cuối cùng đã dừng lại sau khi tông vào các tòa nhà bên đường.
Phán quyết từ Trung Quốc diễn ra sau chiến thắng của Tesla hôm 31.10.2023 trong phiên tòa xét xử đầu tiên liên quan đến Autopilot ở Mỹ về một vụ tai nạn chết người. Đây là chiến thắng lớn cho nhà sản xuất ô tô điện Mỹ khi phải đối mặt với một số vụ kiện khác và các cuộc điều tra liên bang liên quan đến công nghệ tương tự.
Phán quyết này đại diện cho chiến thắng lớn thứ hai của Tesla trong năm 2023, trong đó bồi thẩm đoàn đã từ chối kết luận rằng Autopilot của công ty này bị lỗi.
Tesla đã thử nghiệm và tung ra tính năng Autopilot cùng Full Self-Driving tiên tiến hơn, mà Giám đốc điều hành Elon Musk quảng cáo là rất quan trọng với tương lai của công ty nhưng lại chịu sự giám sát pháp lý và từ cơ quan quản lý.
Kết quả hôm 31.10.2023 tại tòa án dân sự cho thấy lập luận của Tesla đang có sức thuyết phục: Khi có sự cố xảy ra trên đường, trách nhiệm cuối cùng thuộc về người lái xe.
Vụ kiện dân sự được đệ trình lên Tòa thượng thẩm quận Riverside (bang California, Mỹ) cáo buộc Autopilot đã khiến chiếc Model 3 của chủ sở hữu Micah Lee đột ngột rẽ khỏi đường cao tốc phía đông Los Angeles với tốc độ 105 km/giờ, tông vào một cây cọ và bốc cháy. Tất cả sự việc diễn ra chỉ trong khoảng vài giây.
Tài liệu tòa án cho thấy vụ tai nạn năm 2019 đã khiến Micah Lee thiệt mạng và hai hành khách trên ô tô điện Tesla bị thương nặng. Trong đó có một cậu bé 8 tuổi phải phẫu thuật bụng. Phiên tòa bao gồm cả lời khai khủng khiếp về thương tích của hai hành khách và nguyên đơn yêu cầu Tesla bồi thường 400 triệu USD cộng với các khoản bồi thường trừng phạt.
Tesla từ chối trách nhiệm pháp lý, nói rằng Micah Lee đã uống rượu trước khi ngồi sau tay lái ô tô điện. Công ty của Elon Musk cũng lập luận rằng không rõ liệu Autopilot có hoạt động vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn hay không.
Bồi thẩm đoàn gồm 12 thành viên tuyên bố nhận thấy chiếc ô tô điện Tesla không có lỗi sản xuất. Phán quyết được đưa ra vào ngày nghị án thứ tư, với tỷ lệ bỏ phiếu là 9-3.
Jonathan Michaels, luật sư của nguyên đơn, bày tỏ sự thất vọng với phán quyết nhưng nói trong một tuyên bố rằng Tesla đã "đối mặt với áp lực lớn" trong phiên tòa. Ông nói: “Việc bồi thẩm đoàn cân nhắc kéo dài cho thấy phán quyết vẫn mang lại cảm giác không chắc chắn”.
Tesla cho biết ô tô điện của hãng được thiết kế tốt và khiến đường phố trở nên an toàn hơn. Công ty cho biết trong một tuyên bố: “Kết luận của bồi thẩm đoàn là đúng đắn”.
Tesla cũng giành chiến thắng trong cuộc phiên tòa trước đó ở thành phố Los Angeles (Mỹ) vào tháng 4.2023, với chiến lược là công ty đã thông báo cho tài xế rằng công nghệ của họ cần có con người giám sát, bất chấp tên gọi Autopilot và Full Self-Driving.
Vụ án đó đề cập đến một vụ tai nạn, trong đó chiếc Model S lao vào lề đường và làm tài xế có tên Justine Hsu bị thương nặng. Các bồi thẩm đoàn nói với Reuters sau phán quyết rằng họ tin rằng Tesla đã cảnh báo với Justine Hsu về hệ thống của công ty và tài xế mất tập trung là nguyên nhân.
Cụ thể hơn, bồi thẩm đoàn Tòa án Tối cao Los Angeles thuộc bang California (Mỹ) tuyên bố Autopilot đã không có lỗi về an toàn và không gây thiệt hại cho nguyên đơn Justine Hsu, trao cho Tesla một chiến thắng.
Cảm nhận của bồi thẩm đoàn là quan trọng vì Tesla đang chuẩn bị đối mặt hàng loạt vụ kiện khác bắt đầu từ năm 2023 liên quan đến hệ thống hỗ trợ lái xe mà Elon Musk cho rằng an toàn hơn so với tài xế.
Các chuyên gia cho biết, dù kết quả của phiên tòa này không ràng buộc về mặt pháp lý trong những trường hợp khác, nhưng nó đóng vai trò như hồi chuông giúp Tesla và luật sư của các nguyên đơn khác hoàn thiện chiến lược của họ.
Justine Hsu, cư dân thành phố Los Angeles (bang California), kiện Tesla vào năm 2020, nói rằng chiếc Tesla Model S của cô đã lao vào lề đường khi đang ở chế độ Autopilot và sau đó túi khí bung ra "dữ dội đến mức làm gãy hàm, gãy răng, gây tổn thương dây thần kinh cho khuôn mặt của cô”. Vụ việc này xảy năm 2019.
Justine Hsu cáo buộc thiết kế của Autopilot và túi khí có những khiếm khuyết, đồng thời yêu cầu Tesla bồi thường thiệt hại hơn 3 triệu USD.
Tesla phủ nhận trách nhiệm về tai nạn này và nói trong tài liệu tòa án rằng Justine Hsu đã sử dụng Autopilot trên đường thành phố, dù sách hướng dẫn người dùng cảnh báo không nên làm vậy.
Trong phiên tòa diễn ra tại Tòa án Tối cao Los Angeles, bồi thẩm đoàn cho rằng túi khí không bị lỗi và Tesla không chủ động giấu thông tin.
Bryant Walker Smith, giáo sư luật ở Đại học Nam Carolina (Mỹ), cho biết kết quả trong cả hai trường hợp ở Mỹ cho thấy "bồi thẩm đoàn của chúng ta vẫn thực sự tập trung vào ý tưởng về người ngồi ở ghế lái phải chịu trách nhiệm cuối cùng”.
Nhà phân tích Sam Abuelsamid của hãng Guidehouse Insights nói những tuyên bố từ chối trách nhiệm của Tesla mang lại cho công ty sự bảo vệ mạnh mẽ trong một vụ kiện dân sự. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng bất kỳ ai cũng sẽ gặp khó khăn nếu muốn đánh bại Tesla trước tòa về yêu cầu bồi thường trách nhiệm pháp lý. Đây là điều cần được các cơ quan quản lý xem xét".