Bỏ tôm để nuôi ốc hương, nông dân Bạc Liêu thu lãi tiền tỉ
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:35, 15/02/2024
Bỏ tôm để nuôi ốc hương, nông dân Bạc Liêu thu lãi tiền tỉ
Sau 2 năm chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao sang nuôi ốc hương thương phẩm, anh Đinh Vũ Hải đã thu lãi hơn 1 tỉ đồng/năm.
Mô hình nuôi ốc hương thương phẩm của anh Đinh Vũ Hải (ngụ xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) mang lại hiệu quả cao, đã mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân địa phương học tập.
Vụ nuôi đầu tiên, anh Hải thả giống trên 4 ao và thu hoạch được trên 20 tấn ốc hương. Sau khi trừ chi phí, anh còn lãi hơn 1 tỉ đồng.
“Trước khi chuyển sang mô hình nuôi ốc hương thương phẩm, tôi có hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi tôm. Tôi là một trong những người đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh công nghệ cao hiện đang rất phát triển ở địa phương”, anh Hải nói. Đồng thời, anh Hải cho biết thêm, sau 2 năm chuyển đổi từ mô hình nuôi tôm công nghệ cao sang nuôi ốc hương thương phẩm, anh đã đạt được thành công ngoài mong đợi. Mô hình đã mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trong bối cảnh giá tôm sụt giảm, dẫn đến sản xuất không hiệu quả.
Việc nuôi ốc hương của anh Hải diễn ra trong bối cảnh nghề nuôi tôm đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là giá tôm nguyên liệu chạm đáy trong thời gian dài. Nhiều người nuôi tôm dù đạt năng suất và sản lượng nhưng vẫn lỗ vốn vì chi phí đầu tư cao. Trong đó, giá thức ăn, con giống, điện, công nhân, thuốc thủy sản... đều tăng.
Theo đó, từ đầu năm 2022, anh Hải đã quyết định ngừng công việc nuôi tôm. Anh bắt đầu tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi ốc hương thương phẩm ở nhiều tỉnh, thành ven biển trong cả nước, nhất là các tỉnh miền Trung. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, tháng 6.2022, anh bắt đầu cải tạo 4 ao nuôi tôm với diện tích 6.000m² để chuyển sang nuôi ốc hương thương phẩm. Nguồn con giống được anh mua từ các tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa.
Sau một khoảng thời gian, anh Hải nhận thấy ốc hương dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc và mô hình này có thể áp dụng sản xuất hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy, đầu năm 2023, anh Hải mở rộng quy mô lên hơn 20 ao, mỗi ao 1.000m² thả nuôi 500.000 con giống, mật độ thả nuôi 500 con/m². Sau 12 tháng nuôi, anh Hải thu hoạch bằng hình thức thu tỉa, chọn những con ốc lớn trước. Với hơn 20 ao nuôi ốc hương, anh thu hoạch gần 100 tấn ốc thương phẩm.
Chia sẻ về mô hình này, anh Hải cho biết, nuôi ốc hương có nhiều ưu điểm như: ít công chăm sóc, mỗi ngày chỉ cho ăn một lần; rủi ro thấp; điện, chi phí thức ăn cũng ở mức rất thấp. Đáng chú ý là có thể sử dụng thức ăn từ chế biến cá tạp thay thế thức ăn công nghiệp. Nhờ vậy, người nuôi có thể tiết kiệm chi phí sản xuất.
Hiện nay, sự thành công trong việc nuôi ốc hương thương phẩm của anh Hải đã không còn xa lạ đối với người dân ở Bạc Liêu. Nhiều người đã tìm đến anh với mong muốn học hỏi mô hình và xin những lời khuyên về việc nuôi ốc hương thương phẩm. Những nông dân từng gặp và trao đổi với anh Hải về mô hình nuôi ốc hương thương phẩm đều bày tỏ sự quý mến mỗi khi nói về anh. Họ nể phục anh ở tính cách dám nghĩ, dám làm và sự tâm huyết với nghề, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho người mới bắt đầu.
Theo anh Hải, nếu chỉ một mình anh nuôi được ốc hương thương phẩm thì có nghĩa là chưa thành công, mà phải nhân rộng để xã hội cùng phát triển. Vì vậy, anh Hải sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm để những người nuôi ốc hương cùng thành công như anh.
Ông Phạm Văn Mười, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Ốc hương là loài ốc biển có giá trị dinh dưỡng cao. Mô hình nuôi ốc hương của anh Hải là mô hình mới của tỉnh, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, hứa hẹn khả năng mở rộng sản xuất và giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình. Ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu tiếp tục nắm bắt thông tin, có kế hoạch khuyến khích người dân ven biển nhân rộng mô hình này nhằm đa dạng hóa đối tượng, hình thức nuôi trồng thủy sản nước mặn. Đồng thời, giảm thiểu rủi ro, tăng lợi nhuận cho nông dân”.