Cà Mau: Nhiều nơi ở vùng ngọt bị sạt lở, sụt lún đất

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 18:50, 16/02/2024

Ngày 16.2, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cùng đoàn công tác đã đến khảo sát, kiểm tra thực tế công tác phòng, chống sạt lở, sụt lún trên địa bàn vùng ngọt huyện Trần Văn Thời.
Bảo vệ môi trường

Cà Mau: Nhiều nơi ở vùng ngọt bị sạt lở, sụt lún đất

Trần Khải 16/02/2024 18:50

Ngày 16.2, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cùng đoàn công tác đã đến khảo sát, kiểm tra thực tế công tác phòng, chống sạt lở, sụt lún trên địa bàn vùng ngọt huyện Trần Văn Thời.

Theo báo cáo của chính quyền huyện Trần Văn Thời, tính đến ngày 15.2 vừa qua, trên địa bàn 9 xã, thị trấn vùng ngọt của địa phương này đã xảy ra sụt lún, sạt lở đất tại 39 tuyến (111 vị trí), với tổng chiều dài hơn 4.000m, ước tính thiệt hại hơn 2,5 tỉ đồng.

Nhận định bước đầu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún nêu trên là do thời tiết năm 2023 diễn biến bất thường. Thời điểm những tháng cuối năm còn xảy ra mưa lớn gây ngập úng cục bộ ở một số nơi, ngành chức năng huyện Trần Văn Thời phải tháo bớt nước tại một số kênh, rạch.

han-han-2.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (bìa trái) kiểm tra thực tế tình hình ứng phó khô hạn ở vùng ngọt huyện Trần Văn Thời vào ngày 16.2 - Ảnh: H.T

Sau đợt ngập úng, huyện Trần Văn Thời liên tục gặp nắng hạn, cùng với việc bơm tát nước phục vụ sản xuất của người dân khiến các tuyến kênh, rạch vùng ngọt đều khô cạn nước nhanh chóng. Trong khi đó, cao độ đáy kênh sâu, sự chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mực nước hiện rất lớn nên gây mất phản áp, xảy ra sụt lún đất.

Ứng phó trước tình hình trên, huyện Trần Văn Thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân; thực hiện rào chắn, giăng dây cảnh báo tại các tuyến đường bị sụt lún, sạt lở; tăng cường theo dõi diễn biến tình trạng sụt lún, sạt lở đất…

Trước áp lực xảy ra sụt lún, sạt lở đất làm hư hỏng hạ tầng vùng nông thôn tại nhiều xã vùng ngọt của huyện Trần Văn Thời như Trần Hợi, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân, lắng nghe nguyện vọng người dân.

Tại các cuộc họp, đa phần người dân đồng thuận giải pháp tạm thời như đắp đập tại những khu vực đã xảy ra sụp lún, sạt lở đất hoặc tại những nơi có nguy cơ cao, sau đó bơm nước mặn vào kênh, rạch… để tạo phản áp nhằm hạn chế và giảm thiểu nguy cơ sụt lún, sạt lở gây hư hỏng lộ giao thông.

Tuy nhiên, giải pháp theo nguyện vọng của người dân khá mạo hiểm và chủ trương của tỉnh không cho phép, bởi vùng ngọt huyện Trần Văn Thời đã được đầu tư hệ thống thủy lợi khép kín bài bản. Một khi xử lý mặn không triệt để rất dễ ảnh hưởng đến sản xuất lâu dài của cư dân vùng ngọt và hệ sinh thái ngọt Vườn quốc gia U Minh Hạ.

Qua chuyến kiểm tra, khảo sát thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo chính quyền địa phương thực hiện tốt các giải pháp đã được khuyến cáo; triển khai cắt, tỉa hoặc đốn hạ những cây thân gỗ lớn trên tuyến lộ có nguy cơ sụt lún; thực hiện giảm tải trọng xe lưu thông nhằm hạn chế nguy cơ sụt lún tuyến đê biển Tây do hạn hán, thiếu nước.

Bên cạnh đó, cần vận động người dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt lở, sụt lún đất; quản lý chặt chẽ việc lấy nước ngọt tại các kênh, sông, rạch có tuyến lộ giao thông quan trọng, nguy hiểm dễ bị sạt lở.

han-han-4.jpg
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (giữa) làm việc với lãnh đạo huyện Trần Văn Thời ngay sau chuyến kiểm tra thực tế tình hình ứng phó với hạn hán, sụt lún - Ảnh: H.T

Ngay sau chuyến kiểm tra, khảo sát thực tế nêu trên, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có buổi làm việc với các lãnh đạo chủ chốt của huyện Trần Văn Thời, nghe địa phương và cơ quan chuyên môn thông tin, đề xuất các giải pháp phòng chống sạt lở, sụt lún.

Vùng ngọt Trần Văn Thời từng 2 lần xảy ra hạn hán nặng nề vào mùa khô 2015 - 2016 và 2019 - 2020. Ở những năm này, hầu hết các kênh, rạch ở huyện Trần Văn Thời bị khô cạn, gây nên tình trạng sụt lún, làm hư hỏng rất nhiều tuyến lộ giao thông trọng yếu và giao thông vùng nông thôn. Đó là chưa tính thiệt hại về cây trồng, vật nuôi bị giảm năng suất do khô hạn gây nên.

Trần Khải