Bộ sưu tập gốm sứ độc đáo của chàng trai miền Tây
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 21:50, 16/02/2024
Bộ sưu tập gốm sứ độc đáo của chàng trai miền Tây
Dù có bằng cử nhân Quản lý công nghiệp, thạc sĩ Quản trị kinh doanh đào tạo ở Đại học La Trobe (Úc) nhưng Nguyễn Anh không làm việc ở cơ quan hay doanh nghiệp mà trở về quê trồng nấm và có đam mê sưu tầm cổ vật...
Nhiều năm qua, người tiêu dùng ở Sóc Trăng rất ấn tượng với các loại thực phẩm như nấm bào ngư, nấm rơm, đông trùng hạ thảo... có mặt nhiều trên thị trường và trong siêu thị ở địa phương. Điều đáng nói người làm ra các sản phẩm này là anh Nguyễn Anh (40 tuổi) quê ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Sóc Trăng.
Trò chuyện với chúng tôi, Nguyễn Anh cho biết: “Tôi hiện lập nghiệp ở ấp An Thành, thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản lý công nghiệp, tôi tiếp tục theo học thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh ở Đại học La Trobe, bang Victoria, Úc. Học xong, tôi trở về quê và chọn Kế Sách để lập nghiệp với mô hình trồng các loại nấm như nấm rơm, nấm bào ngư, đông trùng hạ thảo”.
Anh Nguyễn Anh chia sẻ: "Những năm qua, doanh nghiệp của tôi đã thực hiện Chương trình doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo, nhằm quảng bá nghề trồng nấm bào ngư xám, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Tôi cũng xây dựng mô hình nhà nuôi chim yến cho khách hàng có nhu cầu tại địa phương và ngoài tỉnh, từ khâu xây dựng, cung cấp vật tư, thiết bị cho đến hỗ trợ kỹ thuật nuôi chim yến".
Ngoài ra, doanh nghiệp của Nguyễn Anh cũng xây dựng mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo; thực hiện dự án “Tận dụng phế phẩm nông nghiệp (cùi bắp, rơm rạ) để phát triển nghề trồng nấm bào ngư (Pleurotus sp) ở tỉnh Sóc Trăng”; phối hợp với Phòng Kinh tế TP.Sóc Trăng thực hiện dự án “Hoàn thiện quy trình kỹ thuật và xây dựng mô hình trồng nấm rơm trong nhà tại TP.Sóc Trăng”; xây dựng một mô hình liên kết sản xuất nấm bào ngư cùng với nông dân trên địa bàn tỉnh, giúp các hộ nông dân ổn định sản xuất, gia tăng thu nhập. Hiện nay doanh nghiệp của anh cung cấp sản phẩm cho thị trường tiêu dùng ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang và Cần Thơ.
Khi chúng tôi hỏi về niềm đam mê sưu tầm cổ vật của anh, Nguyễn Anh liền dẫn vào khu nhà rộng 600m2 đang trưng bày hiện vật và giới thiệu: “Sau hơn 7 năm rong ruổi ra Bắc, vào Nam, thuyết phục người dân cùng sự hỗ trợ của anh em bạn bè, tôi đã có bộ sưu tập chủ yếu là gốm sứ với khoảng 3.000 hiện vật. Đây là những cổ vật có từ thời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh như chum, hũ, chén, thủy trì (lọ mực)... và cổ vật của thời Lý, Trần, Lê như thạp, bình vôi, thau, ấm, chén...”.
Bộ sưu tập cổ vật gốm sứ được Nguyễn Anh trưng bày theo từng thời kỳ, như gốm sứ thời nhà Hán, gốm sứ thời Tống - Nguyên, gốm sứ xanh trắng thời Nguyên - Minh, đồ sứ men lam Ung Chính, gốm Celadon thời Lý - Trần, gốm sứ thời Lý - Trần, gốm Hoàng thành Thăng Long, gốm sứ thời nhà Mạc, gốm sứ Chu Đậu, gốm men nâu Việt Nam, gốm sành thời Trần, gốm Triều Nguyễn, gốm Nam Bộ xưa...
Ngoài ra, Nguyễn Anh còn có các bộ sưu tập cũng thuộc hàng độc đáo như: bộ công cụ đồ đá xưa (lưỡi rìu, lưỡi búa, tên...); bộ sưu tập tiền xu cổ, tiền giấy, tem; bộ sưu tập sản phẩm mỹ nghệ bằng gỗ lũa Ngọc Am và trầm nguyên khối (sưu tầm ở Quảng Nam) với khoảng 300 hiện vật hay bộ sưu tập đèn dầu các loại như đèn măng sông, đèn bão, đèn Hoa Kỳ... và 5 bộ trường kỷ (tràng kỷ) bằng gỗ lim có tuổi đời hàng trăm năm tậu về từ các tỉnh phía Bắc.
Nói về bộ sưu tập của mình, Nguyễn Anh chia sẻ: “Bản thân tôi thích tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của dân tộc qua từng thời kỳ và có niềm đam mê sưu tầm cổ vật. Các cổ vật đó giúp tôi hiểu rõ nét hơn về văn hóa, lịch sử của dân tộc. Tôi may mắn được kết nối với nhiều người am hiểu về cổ vật, trong đó có nhiều chuyên gia, nên đã sưu tầm được những cổ vật có giá trị. Tôi sưu tầm vừa để thỏa nỗi đam mê của mình, đồng thời cũng muốn trưng bày những cổ vật này cho mọi người cùng chiêm ngưỡng để hiểu về văn hóa, lịch sử và có ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc của dân tộc mình”.