Giới khoa học cảnh báo: Từ chối hợp tác với Nga sẽ nguy hiểm cho Trái Đất

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 17:56, 17/02/2024

Thiếu hợp tác với Nga có thể gây ra hậu quả trên quy mô toàn cầu đối với các quá trình quan trọng như tan băng vĩnh cửu, thay đổi đa dạng sinh học...
Kiến thức - Học thuật

Giới khoa học cảnh báo: Từ chối hợp tác với Nga sẽ nguy hiểm cho Trái Đất

Anh Tú {Ngày xuất bản}

Thiếu hợp tác với Nga có thể gây ra hậu quả trên quy mô toàn cầu đối với các quá trình quan trọng như tan băng vĩnh cửu, thay đổi đa dạng sinh học...

Các nhà nghiên cứu vừa phát đi cảnh báo rằng việc thiếu dữ liệu khoa học từ các trạm quan sát Bắc Cực của Nga đã làm trầm trọng thêm những lỗ hổng thông tin có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến việc theo dõi và dự đoán biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Bắc Cực đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn từ hai đến bốn lần so với phần còn lại của hành tinh và khiến các sông băng, rừng và đất đóng băng giàu carbon có nguy cơ bị biến đổi tới điểm không thể đảo ngược. Hậu quả là gây ảnh hưởng khắp hành tinh do biến đổi khí hậu.

Việc quan sát Bắc cực trước đây chủ yếu dựa vào dữ liệu từ các trạm trải khắp khu vực rộng lớn, nhưng sau căng thẳng Nga – phương Tây năm 2022 liên quan đến Ukraine, phương Tây đã đình chỉ hợp tác với Nga trên nhiều lĩnh vực, trong đó có các hợp tác khoa học ở Bắc Cực.

Ngày 4.3.2022, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã đình chỉ các chương trình hợp tác và nghiên cứu với Nga và Belarus, viện dẫn sự liên quan của hai nước này với tình hình Ukraine.

Tác giả chính Efren Lopez-Blanco, thuộc Đại học Aarhus (Đan Mạch), người đứng đầu nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, cho biết Nga chiếm gần một nửa diện tích đất liền của toàn bộ khu vực Bắc Cực. Do vậy, thiếu sự hợp tác từ Nga tạo ra lỗ hổng thông tin rất lớn.

Các nhà nghiên cứu đã tìm cách định lượng mức độ ảnh hưởng của điều này đối với sự hiểu biết khoa học về những thay đổi đang diễn ra ở Bắc Cực. Kết quả mà họ nhận được cho thấy rõ không thể thiếu vai trò của Nga vì diện tích của nước này quá lớn với nhiều cơ sở khoa học.

nga2.jpg
Nga sở hữu nhiều vùng xanh (rừng) nhất

Lopez-Blanco cho biết: “Một trong những vấn đề trước mắt sẽ nảy sinh nếu chúng ta bỏ qua rừng phương bắc của Nga là sẽ khiến chúng ta đánh giá thiếu tin cậy về sinh khối, carbon hữu cơ trong đất”. Lopez-Blanco cảnh báo: "Điều này có thể gây ra hậu quả trên quy mô toàn cầu đối với các quá trình quan trọng như tan băng vĩnh cửu, thay đổi đa dạng sinh học hoặc thậm chí phát thải khí nhà kính".

Bằng cách sử dụng các mô hình máy tính, họ đã xem xét 8 yếu tố, trong đó có nhiệt độ không khí, lượng mưa, độ dày của tuyết, sinh khối thực vật và lượng carbon trong đất… .

Các nhà nghiên cứu tập trung vào khoảng 60 trạm khoa học tạo thành một phần của mạng lưới rộng lớn có tên là INTERACT. Nếu không có Nga, quốc gia có đến 17 trong số 60 trạm, lỗ hổng dữ liệu này càng gia tăng, dẫn đến việc mất đi số liệu quan trọng tại các khu vực như rừng taiga khổng lồ ở Siberia.

Nghiên cứu không chỉ nhấn mạnh những thách thức về hậu cần trong việc quan sát một khu vực rộng lớn và có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như trình bày trên mà còn đề cập những vấn đề cố hữu trong việc chia sẻ dữ liệu. Điều đó thể hiện qua việc các dự án đã bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, trong khi diễn đàn Hội đồng Bắc Cực khu vực - từ lâu được coi là mô hình hợp tác - hiện đang bị chia rẽ giữa các nước phương Tây (Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Mỹ) và Nga.

Dmitry Streletskiy là một nhà nghiên cứu tại Đại học George Washington (không thuộc nhóm của Lopez-Blanco) đang thực hiện công việc nghiên cứu về băng vĩnh cửu nhưng ở một nhóm quan sát khác, CALM. Streletskiy cho biết trong số gần 80 trang web của Nga đã đăng ký tham gia trong mạng lưới của họ, khoảng 55 trang web thường chia sẻ dữ liệu mỗi năm (tức là chiếm quá nửa).

Cho đến nay, vẫn còn 37 trang cung cấp dữ liệu về năm 2023, mặc dù một số có thể gửi thông tin sau. Ông nêu giải pháp là cần xử lý các số liệu khí hậu quan trọng giống như dữ liệu thời tiết và nên có một hệ thống của Liên Hợp Quốc để đảm bảo quá trình quan sát diễn ra liên tục.

Streletskiy cho biết dữ liệu dù vẫn đang được các bên thu thập nhưng không được chia sẻ. Điều đó có khả năng dẫn đến những lỗ hổng trong hiểu biết toàn cầu. Streletskiy ví von: "Nó giống như những căn hộ chung cư lớn này. Bạn có rất nhiều phòng, một số căn trong tình trạng tốt, một số thì không. Nhưng nếu bạn không biết rằng mái nhà căn hộ hàng xóm bị thấm, bạn sẽ chỉ phát hiện ra tình trạng của nhà mình khi toàn bộ chung cư bị dột. Đó gần như là những gì đang xảy ra ở Trái đất".

Trải dài trên 11 múi giờ, Nga có diện tích rừng lớn nhất hành tinh, chiếm hơn 1/5 số cây trên thế giới. Nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng, khi những cây đó phát triển nhanh hơn trong một thế giới ấm hơn và tiến về phía bắc tới vùng lãnh nguyên Bắc Cực, chúng sẽ hấp thụ carbon dioxide từ khí quyển nhanh hơn bất kỳ ước tính nào trước đây đề xuất.

Trong hầu hết các năm qua, diện tích rừng bao la phía bắc của Nga hấp thụ nhiều carbon hơn lượng carbon bị mất do nạn phá rừng trên toàn bộ vùng nhiệt đới.

Yale School of the Environment

Anh Tú