Amazon lâm nguy, nước Nga là phao cứu sinh cho Trái đất
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 18:47, 18/02/2024
Amazon lâm nguy, nước Nga là phao cứu sinh cho Trái đất
Các khu rừng nhiệt đới đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu càng khiến vai trò bảo vệ rừng của nước Nga quan trọng với Trái đất.
Theo các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (PIK) ở Đức, có tới 47% rừng Amazon vốn được coi là 'lá phổi của hành tinh' có thể bị “suy chức năng” vào năm 2050 do nhiệt độ tăng, hạn hán, phá rừng và cháy rừng. Thực ra cũng đã có hiện tượng suy phổi xuất hiện. Khu vực phía đông nam Amazon ở Brazil giờ đã chuyển vai trò từ bể chứa carbon sang nguồn carbon, nghĩa là nó thải ra nhiều khí nhà kính hơn là hấp thụ.
Như nhà khoa học Boris Sakschewski của PIK giải thích, điều đó chứng tỏ “áp lực hiện tại của con người là quá cao khiến khu vực Amazon không thể duy trì trạng thái là rừng nhiệt đới trong thời gian dài”.
Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó. Sakschewski phân tích: “Vì rừng nhiệt đới làm giàu không khí với nhiều độ ẩm, đặt cơ sở tạo ra lượng mưa ở phía tây và phía nam lục địa, nên việc mất rừng ở một nơi có thể dẫn đến mất rừng ở một nơi khác trong một chu kỳ tuần hoàn bị phá vỡ”.
Điều gì xảy ra nếu Amazon bị đột quy?
Trái đất có một số ngưỡng tự nhiên mà nếu bị xâm phạm có thể khiến nhiệt độ vượt khỏi tầm kiểm soát và gây ra hiệu ứng domino tàn khốc cho hệ sinh thái và con người.
Sự suy chức năng của Amazon là một trong số đó. Các hiện tượng khiến Trái đất nguy kịch khác còn có: các tảng băng lớn vĩnh cửu ở Greenland và Tây Nam Cực tan vỡ, hệ thống rạn san hô ở những vùng biển ấm bị chết hàng loạt và dòng hải lưu quan trọng ở Đại Tây Dương bị xáo trộn.
Theo giải thích của các tác giả trong nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Nature tháng 2, tác động của việc mất rừng không dừng lại ở biên giới Amazon
Trong lưu vực của hệ thống dòng sông dài nhất Trái đất, cây cối ở lưu vực Amazon hút nước và bơm ra hàng tỷ tấn hơi nước mỗi ngày thành những “dòng sông hơi” khổng lồ. Độ ẩm từ bầu trời này là một phần quan trọng của khí hậu gió mùa Nam Mỹ - và rất cần thiết cho lượng mưa ở những vùng rộng lớn của lục địa.
Và vì toàn bộ Amazon vẫn lưu trữ lượng carbon tương đương với lượng khí CO2 do con người thải trong 15-20 năm, việc giải phóng lượng carbon này vào khí quyển do mất rừng sẽ làm gia tăng đáng kể sự nóng lên toàn cầu.
Mối đe dọa lớn nhất đối với Amazon là gì?
Trong nghiên cứu của mình, nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã xác định được năm ngưỡng khí hậu và sử dụng đất không nên vi phạm để giữ cho Amazon còn có khả năng phục hồi.
Đó là: sự nóng lên toàn cầu, lượng mưa hằng năm, cường độ mưa theo mùa, độ dài mùa khô và quy mô nạn phá rừng. Đối với mỗi yếu tố thúc đẩy này, các nhà khoa học đề xuất các ranh giới an toàn để ngăn Amazon vượt qua điểm tới hạn.
Ví dụ, rừng nhiệt đới không thể tồn tại nếu lượng mưa trung bình hằng năm giảm xuống dưới 1.000 mm. Tuy nhiên, Da Nian, một nhà khoa học khác thuộc PIK và đồng tác giả của nghiên cứu còn bi quan hơn khi cho rằng nếu mưa dưới 1.800 mm mỗi năm, sẽ có thể dẫn đến “sự chuyển đổi đột ngột từ rừng nhiệt đới sang thảm thực vật dạng savanna (giống như rừng nhiệt đới châu Phi đã phuyển sang thảo nguyên savanna như hiện nay).
“Điều này có thể được gây ra bởi các đợt hạn hán hoặc cháy rừng riêng lẻ. Điều nguy hiểm là cả hai thảm họa này đều không còn riêng lẻ rời rạc nữa mà trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây”.
Với quỹ đạo hiện tại của tình trạng nóng lên toàn cầu và các cuộc tấn công trực tiếp vào rừng do con người khai thác gỗ và cháy rừng, tình hình lá phổi thế giới càng thêm “thủng lỗ chỗ”. Nghiên cứu cho thấy 10-47% diện tích rừng Amazon sẽ bị đe dọa do những xáo trộn ngày càng tăng, đẩy lá phổi của Trái đất đến giới hạn.
Điều gì sẽ xảy ra với những phần bị phá hủy của Amazon?
Nghiên cứu cũng phân tích các ví dụ về các khu rừng bị xáo trộn ở nhiều khu vực khác nhau của Amazon để hiểu điều gì có thể xảy ra với hệ sinh thái.
Trong một số trường hợp, rừng có thể phục hồi trong tương lai nhưng không thể quay lại nguyên trạng. Thay vào đó, chúng vẫn bị mắc kẹt trong tình trạng suy thoái, bị thống trị bởi các loài “thực vật cơ hội” như dây leo hoặc các loại cây họ tre.
Trong những trường hợp khác, rừng không thể phục hồi được nữa mà bị mắc kẹt trong tình trạng tán rừng hở, dễ cháy. Việc các hệ sinh thái kiểu như vậy xuất hiện ngày càng nhiều, sẽ tạo nguy cơ dễ cháy khắp lõi rừng Amazon vì chúng có thể truyền lửa sang các khu rừng lân cận. Đó là lý do vì sao so sánh rừng Amazon có nguy cơ không khác gì một lá phổi với bề mặt bị thủng lỗ chỗ.
Cần chấm dứt nạn phá rừng và phát thải khí nhà kính
Khó có thể tính toán chính xác được điểm đột quỵ của khí hậu do Amazon suy chức năng vì mức độ phức tạp và quy mô của chúng. Nhưng lời kêu gọi hành động từ các tác giả nghiên cứu rất quen thuộc và rõ ràng.
Giáo sư Mô hình hệ thống Trái đất tại Đại học Kỹ thuật Munich Niklas Boers và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Để duy trì rừng Amazon trong ranh giới an toàn, phải kết hợp các nỗ lực của cộng đồng địa phương và toàn cầu”.
“Nạn phá rừng và suy thoái rừng phải chấm dứt và việc phục hồi phải được nhân rộng. Hơn nữa, cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn phát thải khí nhà kính trên toàn thế giới”.
Vai trò của rừng nước Nga
Việc rừng Amazon lâm nguy càng khiến thế giới phụ thuộc vào công tác bảo vệ rừng của nước Nga. Trải dài trên 11 múi giờ, Nga có diện tích rừng lớn nhất hành tinh, chiếm hơn 1/5 số cây trên thế giới.
Theo nghiên cứu Yale School of the Environment, trong hầu hết các năm qua, diện tích rừng bao la phía bắc của Nga hấp thụ nhiều carbon hơn lượng carbon bị mất do nạn phá rừng trên toàn bộ vùng nhiệt đới.
Nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng, khi rừng cây nước Nga phát triển nhanh hơn trong một thế giới ấm hơn và tiến về phía bắc tới vùng lãnh nguyên Bắc Cực, chúng sẽ hấp thụ CO2 từ khí quyển nhanh hơn bất kỳ ước tính nào trước đây đề xuất.
Theo BBC đưa tin hôm 16.2, trong mùa đông lạnh giá ở Canada, tàn lửa của mùa cháy rừng kỷ lục năm ngoái vẫn còn hiện diện. Những "đám cháy zombie" này vẫn hoạt động dưới lớp tuyết dày với quy mô chưa từng thấy, làm dấy lên lo ngại về những gì có thể xảy ra vào mùa hè.
Đám cháy zombie là đám cháy âm ỉ không có ngọn lửa, cháy chậm dưới mặt đất, được duy trì nhờ rêu than bùn, một loại đất hữu cơ phổ biến ở các khu rừng miền bắc Bắc Mỹ, và nhờ những lớp tuyết dày ngăn cách khỏi cái lạnh.
Những đám cháy không được dập tắt trước tháng 3 có thể bùng lên khi tuyết tan và chúng tiếp xúc với không khí. Điều này khiến các nhà khoa học lo ngại mùa cháy rừng sắp tới sẽ bắt đầu sớm và dữ dội.
Trong năm 2023, hơn 18 triệu ha đất bị thiêu rụi ở Canada, gần bằng diện tích Campuchia và vượt xa mức trung bình 10 năm của quốc gia rộng thứ hai thế giới (sau Nga). Hậu quả thậm chí vượt khỏi biên giới Canada khi khói bao trùm một khu vực rộng lớn ở Mỹ tháng 6 năm ngoái.