Đón đầu hiệu ứng EVFTA, các doanh nghiệp châu Âu đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 19:36, 06/08/2019

Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là các hãng bán lẻ. Chính vì vậy, khi Việt Nam và EU đạt được thoả thuận về EVFTA thì nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã lập tức đẩy mạnh đầu tư.

Dưới mắt các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam đang có một sức hút rất lớn nhờ sở hữu vị trí địa lý đắc địa, dân số trẻ, chi phí lao động thấp và thổ nhưỡng phong phú đa dạng. Cùng với lợi thế dễ dàng tiếp cận nhiều thị trường lớn nhờ các hiệp định thương mại tự do, ngành bán lẻ và dệt may của Việt Nam được thúc đẩy phát triển khi mức chi tiêu của người Việt có xu hướng tăng và ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế đang tìm kiếm cơ hội để hiện diện tại đây.

Tại hội nghị thời trang và bán lẻ do DHL tổ chức tại TP.HCM hôm nay 6.8, nhà bán lẻ đồ thể thao lớn nhất nước Pháp Decathlon cho biết, trong năm nay họ đã khai trương hai cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và TP.HCM với diện tích lần lượt là 4.300m2 và 2.600m2, và giới thiệu 70 thương hiệu đồ thể thao của mình đến khách hàng Việt Nam. Decathlon đang hợp tác cùng 6 đối tác tại Việt Nam nhằm đảm bảo giá cả và thời gian sản xuất cạnh tranh cho thị trường nội địa.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Trưởng bộ phận Thu mua và Logistics của Decathlon Việt Nam nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục mở rộng các cửa hàng bán lẻ truyền thống, kết hợp với hoạt động bán hàng trực tuyến nhằm mang lại sự tiện lợi nhất cho khách hàng”.

Trong chiến dịch đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử, Decathlon đã quyết định hợp tác cùng DHL Global Forwarding. Ông Marc Meier, Phó Chủ tịch Cấp cao, Giám đốc Toàn cầu bộ phận Dịch vụ chuỗi cung ứng quốc tế của DHL Global Forwarding cho biết:

“Trung tâm điều hành của chúng tôi giám sát tất cả những lô hàng của Decathlon bằng đường hàng không, đường biển và đường bộ từ các nhà máy tại Việt Nam và Đài Loan đến các nơi trên thế giới như Canada, Brazil, Colombia, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, thậm chí Ma-rốc và cả châu Âu”.

Và không chỉ Decathlon mà DHL sẽ còn có nhiều cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp châu Âu khác đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh. Trước thời điểm ký kết EVFTA, khảo sát được thực hiện bởi Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư của doanh nghiệp Đức với kỳ vọng cao về sự phát triển kinh tế tích cực trong trung hạn. Có tới 55% doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam cho biết có kế hoạch tăng vốn đầu tư, cao hơn tỷ lệ 44% toàn ASEAN.

Ông Michele D’Ercole, Chủ tịch Hiệp hội DN Italy tại Việt Nam (ICham), cho biết: Năm 2019, sức hấp dẫn đầu tư FDI của Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh vì nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất công nghệ cao và công nghiệp dịch vụ đang chọn Việt Nam là điểm đến. Các DN Italy đang xem xét nhiều đến việc đầu tư hoặc dời cơ sở hiện tại của họ từ các nước châu Á khác sang Việt Nam, chủ yếu ở khu vực TP.HCM.

Chuyên gia tư vấn các dự án tài chính và công nghiệp châu Âu, ông Michel Oliver nhận xét, các nhà đầu tư EU sẽ được hưởng lợi nhiều từ các thỏa thuận trong EVFTA, từ đó giúp giao dịch thương mại trở nên dễ dàng hơn, có thêm nhiều cơ hội thị trường, giao dịch thương mại đầu tư thông thoáng, các dự án được triển khai thuận lợi, rút ngắn thời gian kinh doanh… Tất cả những điều này sẽ đưa các dự án được hanh thông, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận cũng tốt hơn.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, hoạt động đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam trước giờ khá khiêm tốn do các nhà đầu tư châu Âu mạnh về dịch vụ hơn sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, các chuỗi giá trị sản xuất đang thay đổi và đây là cơ hội để giảm phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư từ châu Á.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định.

Tương tự, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn, với khoảng 15,28% vào năm 2020, 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

P.V