‘EU luôn chú ý đến quyết tâm cải cách kinh tế’
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 18:10, 02/08/2019
Ngày 2.8, tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Ngành dệt may Việt Nam trước thách thức và cơ hội từ thị trường châu Âu” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, EU là một đối tác khó tính trong việc xây dựng hiệp định thương mại tự do. Nhìn tổng thể khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chưa có một nước đang phát triển nào ký kết được Hiệp định thương mại tự do với EU trong khi có rất nhiều nước đàm phán với EU.
“Điều khó tính của EU thể hiện ở việc họ không chỉ nhìn vào khía cạnh thương mại thuần túy, mà lớn hơn đó là thông điệp về cải cách nền kinh tế. Chính vì vậy, để một nước có mối quan hệ thương mại tự do với EU, nước đó phải chứng minh có quyết tâm cải cách mạnh mẽ để vươn lên”, ông Thái nói.
Ông Lương Hoàng Thái cho rằng hiệp định này là cơ hội thuận lợi cho ngành dệt may. Thuế quan đối với gần như tất cả mặt hàng dệt may được giảm về 0. Trong đó 77% dòng thuế được giảm về 0 ngang. Thị trường EU là thị trường lớn, về dệt may EU đứng đầu thế giới, đối với xuất khẩu nước ta EU đứng thứ hai.
“Tham gia hiệp định thương mại tự do thể hiện thách thức rất lớn đối với những ngành truyền thống như ngành dệt may. Chính vì những thách thức này mà chúng ta buộc phải cải cách. Với sự cạnh tranh trong ngành dệt may rất lớn trên quy mô toàn cầu, nhà đầu tư có thể đi từ nước này sang nước khác rất nhanh. Chúng ta đang đến một giai đoạn phát triển mà chi phí lao động tăng lên rất nhanh cùng với những chi phí khác”, ông Thái chia sẻ.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam khẳng định, đây là hiệp định được ngành dệt may Việt Nam trông chờ từ rất lâu bởi đây là cơ hội rất tốt cho ngành dệt may Việt Nam.
Cũng theo ông Giang, cơ hội đi đôi với thách thức. Thách thức cực kỳ lớn đối với dệt may Việt Nam là phần cung thiếu hụt, đặc biệt là phần liên quan đến nhuộm hoàn tất. Cùng với đó, để đạt được mục tiêu lợi ích mà hiệp định mang lại, các bộ ngành, địa phương cần hoạch định chiến lược phát triển khu doanh nghiệp, phần cung thiếu hụt, chuỗi cung ứng toàn cầu. Đáp ứng yêu cầu các điều khoản hiệp định đưa ra. Đặc biệt với EU thì phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ vải.
“Việt Nam vẫn là một trong những nước cạnh tranh khắc nghiệt so với một số nước khác. Nếu Việt Nam không đặt ra chiến lược tốt sẽ khó tiếp cận vào thị trường các nước EU. Mặc dù xuất khẩu dệt may vào các nước EU chiếm khoảng 21,5%. Tuy nhiên các lợi thế này sẽ đan xen thách thức vào phần cung thiếu hụt, đây là trọng yếu phát triển để bền vững cho ngành dệt may Việt Nam thời gian tới”, ông Giang chia sẻ.
Nói thêm về điều này, ông Lương Văn Thái cho biết, đối với EU tất cả các Hiệp định thương mại tự do từ trước đến nay, quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may điều được quy định tạm gọi là 2 công đoạn mà sản xuất từ vải trở đi mới được hưởng ưu đãi thuế quan đó.
Tuy nhiên, hiệp định cũng có một số quy tắc mang tính linh hoạt như cho phép cộng gộp đối với nguyên liệu từ một số đối tác mà EU đã có hiệp định thương mại tự do, cụ thể là dệt may Hàn Quốc. Hiện nay Bộ Công Thương đang làm việc với Hàn Quốc và EU để thống nhất cơ chế cụ thể để khi hiệp định thực thi sẽ áp dụng ngay cơ chế này.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, vấn đề nguồn cung nguyên phụ liệu đối với ngành dệt may Việt Nam là một thách thức không chỉ cho ngành dệt may mà là thách thức cho việc tận dụng các cơ hội.
“Nếu không đáp ứng được các quy tắc xuất xứ, chúng ta xuất khẩu với mức thuế như cũ và không được hưởng ưu đãi. Nếu có nguồn cung nguyên liệu phù hợp và đáp ứng quy tắc xuất xứ có liên quan thì hàng hóa của Việt Nam nói chung và hàng dệt may của Việt Nam nói riêng có thể được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU”, bà Trang nói.
Với hiện trạng như hiện nay, bà Trang cho rằng mặc dù có rất nhiều nỗ lực, nhưng khoảng 90% nguyên phụ liệu của Việt Nam đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của hiệp định và không được ưu đãi cộng gộp trong hiệp định. Đây là một vấn đề vướng mắc của Việt Nam.
“Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU cùng với các hiệp định khác đều có yêu cầu rất cao về quy tắc xuất xứ. Đây chính là động cơ thúc đẩy cho đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành hiện nay được xem là nút thắt trong nguồn cung nguyên liệu cho ngành dệt may Việt Nam, đó là ngành dệt và dệt nhuộm”, bà Trang nói.
Bà Trang cũng lưu ý, liên quan đến vấn đề về nguồn cung nguyên liệu, không chỉ về nguồn cung nguyên liệu mà còn về thiết kế và nhiều vấn đề khác nữa để nâng giá trị của dệt may Việt Nam cao hơn trong “đường cong nụ cười” về chuỗi giá trị.
Lam Thanh