Lần đầu tiên Việt Nam mở trung tâm nghiên cứu, sản xuất thiết bị công nghệ điều trị đột quỵ

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 16:50, 20/02/2024

Chi phí bình quân điều trị một bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam có đến 70% dùng để chi trả cho trang thiết bị, dụng cụ công nghệ cao. Trong khi đó, 100% trang thiết bị điều trị đột quỵ hiện nay ở Việt Nam đều phải nhập từ nước ngoài.
Nhịp đập khoa học

Lần đầu tiên Việt Nam mở trung tâm nghiên cứu, sản xuất thiết bị công nghệ điều trị đột quỵ

Hồ Quang 20/02/2024 16:50

Chi phí bình quân điều trị một bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam có đến 70% dùng để chi trả cho trang thiết bị, dụng cụ công nghệ cao. Trong khi đó, 100% trang thiết bị điều trị đột quỵ hiện nay ở Việt Nam đều phải nhập từ nước ngoài.

TS-BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hôi can thiệp thần kinh TP.HCM đã nhấn mạnh như thế tại lễ khởi công xậy dựng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán điều trị đột quỵ S.I.S TP.HCM được tổ chức hôm nay 20.2. Đây là đơn vị nghiên cứu sản xuất trang thiết bị, dụng cụ công nghệ cao điều trị đột quỵ đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

lan0tien-viet-nam-mo-trung-tam-san-xuat-cong-nghe-dioeu-yridpt-quyhinh-anh.png
Thực hiện nghi thức khởi công xây dựng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán điều trị đột quỵ S.I.S TP.HCM - Ảnh: PV

Theo bác sĩ Cường, hiện nay TP.HCM mỗi năm tiếp nhận và điều trị khoảng 20.000 bệnh nhân bị đột quỵ. Các trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng còn đang rất thiếu.

Điều đáng nói, 100% các trang thiết bị phục vụ cho việc cấp cứu, điều trị đột quỵ hiện nay Việt Nam phải nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu từ Mỹ. “Nếu như chi phí điều trị bình quân cho một bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam là 100 triệu đồng thì có đến 70% dành để chi trả trang thiết bị, dụng cụ công nghệ cao. Với số tiền ít ỏi của bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo, họ không thể nào chi trả được ngoài phần bảo hiểm y tế. Đây cũng là bế tắc mà các bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam hiện nay đang đối mặt”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Bác sĩ Cường khẳng định dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán điều trị đột quỵ S.I.S TP.HCM sẽ giải quyết được bài toán về trang thiết bị, dụng cụ y tế công nghệ cao phục vụ điều trị bệnh nhân đột quỵ cũng như giảm giá thành, giúp bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo, có điều kiện điều trị; cứu sống được nhiều hơn bệnh nhân đột quỵ.

Theo bác sĩ Cường, thực tế thời gian qua, các bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam, nhất là những bệnh nhân nghèo gần như phải cần sự giúp sức của các tổ chức, các nhà hảo tâm mới có khả năng điều trị. Vì vậy, để mọi bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam có thể được điều trị, phải làm sao giảm được giá thành trang thiết bị, máy móc, dụng cụ y tế công nghệ cao phục vụ cấp cứu và điều trị đột quỵ.

Đây cũng là dự án trọng điểm để thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 31 của Đảng về định hướng phát triển của TP.HCM “xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới, hướng tới mục tiêu là trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN”.

Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán điều trị đột quỵ S.I.S TP.HCM có diện tích 11.000m2, cao 16 tầng, trong đó có gần 30.000m2 sàn. Tổng vốn đầu tư cho dự án trên là trên 1.000 tỉ đồng.

Dự án gồm: Trung tâm nghiên cứu R&D sản xuất thử nghiệm các trang thiết bị phục vụ cho chẩn đoán điều trị đột quỵ (stent, coils ống thông…); trung tâm đào tạo cán bộ y tế chuyên sâu trong chẩn đoán điều trị đột quỵ-tim mạch phục vụ cho nhu cầu trong nước và quốc tế; trung tâm cấp cứu can thiệp đột quỵ công nghệ cao đáp ứng nhu cầu khẩn cấp cho khu vực cửa ngõ phía đông TP và các tỉnh lân cận… giảm tải cho trung tâm TP.HCM.

Hồ Quang