Bệnh hươu zombie ở các nước phương Tây có nguy cơ tấn công con người

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 20:31, 20/02/2024

Samuel J. White, Giảng viên cao cấp về Miễn dịch di truyền và Philippe B. Wilson, Giáo sư về Y học (cùng thuộc Đại học Nottingham Trent, Anh) vừa có bài cảnh báo về nguy cơ bệnh hươu zombie tấn công con người.
Kiến thức - Học thuật

Bệnh hươu zombie ở các nước phương Tây có nguy cơ tấn công con người

Anh Tú 20/02/2024 20:31

Samuel J. White, Giảng viên cao cấp về Miễn dịch di truyền và Philippe B. Wilson, Giáo sư về Y học (cùng thuộc Đại học Nottingham Trent, Anh) vừa có bài cảnh báo về nguy cơ bệnh hươu zombie tấn công con người.

huou.jpg
Hươu zombie đang lan rộng ở bang Wisconsin

Trong vùng đất rộng lớn yên tĩnh thuộc các cánh rừng và đồng cỏ Bắc Mỹ, một hiện tượng âm thầm nhưng đáng lo ngại đang diễn ra: bệnh suy mòn mãn tính (CWD). Tình trạng này, thường được gọi là "bệnh hươu zombie", đang âm thầm lây lan trong quần thể hươu, làm dấy lên mối lo ngại của các nhà khoa học, nhà bảo tồn cũng như công chúng.

Chứng bệnh thần kinh này, đặc trưng bởi vô số triệu chứng, chẳng hạn như chảy nước dãi, mất tập trung, hay vấp ngã và có ánh mắt vô hồn. Hiện riêng ở Wyoming đã được phát hiện ở hơn 800 ca mắc ở hươu, nai và nai sừng tấm chỉ, làm nổi bật quy mô và tính cấp bách của vấn đề.

Thủ phạm đặc biệt gây CWD: prion

Prion là các protein bị cuộn gập sai, có thể các protein bình thường trong não cũng bị cuộn gập sai, dẫn đến thoái hóa thần kinh. (Cuộn gập protein là một quá trình vật lý mà qua đó một chuỗi protein có được cấu trúc không gian 3 chiều tự nhiên của nó, một cấu trúc thường mang chức năng sinh học. Đây là quá trình vật lý mà qua đó một chuỗi polypeptide được gấp thành cấu trúc ba chiều đặc trưng và mang chức năng từ một chuỗi trình tự ngẫu nhiên. Mỗi protein đều tồn tại dưới dạng một chuỗi polypeptide chưa cuộn gập hay là chuỗi ngẫu nhiên khi mới được dịch mã từ mRNA thành chuỗi các amino acid tuyến tính).

Đặc điểm độc đáo này khiến các bệnh prion đặc biệt đáng lo ngại vì chúng có khả năng phục hồi cao và có thể tồn tại trong môi trường trong nhiều năm, chống lại các phương pháp khử trùng truyền thống như dùng formaldehyde, bức xạ và đốt ở nhiệt độ cao.

Sự lây lan của CWD gây ra những rủi ro đáng kể về mặt sinh thái và sức khỏe con người. Mặc dù chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy CWD có thể lây nhiễm trực tiếp sang người, nhưng khả năng này vẫn là một điểm đáng lo ngại.

Các bệnh do Prion, chẳng hạn như bệnh Creutzfeldt-Jakob (CJD) ở người và "bệnh bò điên" ở gia súc, đã cho thấy rằng chúng có thể vượt qua rào cản khác loài và gây ra những hậu quả tàn khốc. Ví dụ, bệnh bò điên bùng phát ở Anh đã dẫn đến việc phải tàn sát hàng triệu gia súc và khiến 178 người thiệt mạng do biến thể của căn bệnh này xuất hiện ở người kể từ năm 1995.

Mặc dù thiếu các trường hợp CWD được xác nhận ở người, nhưng mối lo ngại vẫn tồn tại do một số yếu tố. Đầu tiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng prion chịu trách nhiệm về CWD, trong điều kiện phòng thí nghiệm có thể lây nhiễm và nhân lên trong tế bào người. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về khả năng lây truyền.

Thứ hai, con người đã vô tình tiếp xúc với động vật có khả năng bị nhiễm bệnh khi săn bắt và ăn thịt chúng. Các báo cáo cho thấy rằng con người tiêu thụ khoảng 7.000 đến 15.000 động vật bị nhiễm CWD hằng năm vào năm 2017, đồng thời dự báo cho thấy mức tiêu thụ tăng hằng năm là 20%.

Ở những khu vực có tỷ lệ nhiễm CWD cao, chẳng hạn như Wisconsin, hàng nghìn người có thể đã vô tình tiêu thụ thịt từ những con hươu bị nhiễm bệnh, điều này nhấn mạnh sự cấp bách của các biện pháp giảm thiểu rủi ro.

Ngoài ra, những khó khăn cố hữu liên quan đến việc phát hiện và chẩn đoán bệnh prion ở người càng làm tình hình thêm phức tạp. Không giống như các tác nhân truyền nhiễm thông thường, prion không kích hoạt phản ứng miễn dịch. Điều đó khiến chúng ta khó phát hiện chúng bằng các phương tiện thông thường nên đặt ra trở ngại đáng kể cho các nỗ lực can thiệp sớm.

Khả năng CWD ảnh hưởng đến sức khỏe con người không chỉ giới hạn ở việc lây truyền trực tiếp. Sự tồn tại dai dẳng ngoài môi trường của prion có nghĩa là con người cũng có thể bị phơi nhiễm qua các con đường gián tiếp, chẳng hạn như đất, nước và các nguồn môi trường khác bị ô nhiễm. Với khả năng phục hồi của prion và khả năng tồn tại dai dẳng ngoài môi trường trong thời gian dài, hậu quả lâu dài của CWD đối với sức khỏe con người vẫn chưa rõ ràng nhưng cần được xem xét nghiêm túc.

Ngoài những lo ngại về sức khỏe trước mắt, sự lây lan của CWD còn gây ra những rủi ro đáng kể về sinh thái và kinh tế. Săn hươu không chỉ là một hoạt động giải trí phổ biến mà còn là nguồn cung cấp thực phẩm và sinh kế quan trọng cho nhiều cộng đồng gần Bắc cực. Sự gia tăng của CWD có nguy cơ phá vỡ sự cân bằng mong manh này, có khả năng làm suy giảm quần thể hươu và ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở các khu vực bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, tác động sinh thái của CWD còn vượt ra ngoài quần thể hươu, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái. Hươu đóng một vai trò là động lực quan trọng trong việc hình thành hệ thực vật (chi phối sự thay đổi và phát triển theo thời gian của quần xã thực vật) thông qua việc tìm kiếm và chăn thả. Và sự suy giảm của chúng có thể có tác động lan rộng đến quần thể thực vật, sức khỏe đất đai và các loài động vật hoang dã khác phụ thuộc vào hươu làm nguồn thức ăn hoặc chất điều chỉnh môi trường sống.

Ở châu Âu cũng vậy

Đáng chú ý là mặc dù chưa có đợt bùng phát CWD nào ở Anh nhưng vào năm 2016, bệnh này đã được chẩn đoán ở hươu hoang dã ở Na Uy, đánh dấu những trường hợp mắc CWD đầu tiên ở châu Âu.

Sự phát triển này nhấn mạnh khả năng CWD lan rộng ra ngoài phạm vi hiện tại và càng cho thấy sự cần thiết phải hợp tác quốc tế trong việc theo dõi và kiểm soát căn bệnh này.

Việc giải quyết nhiều thách thức do CWD đặt ra đòi hỏi cách tiếp cận hợp tác toàn diện, chẳng hạn như tăng cường giám sát để theo dõi sự lây lan của bệnh và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây truyền. Ví dụ như kiểm soát sự di chuyển của các quần thể hươu và nai sừng tấm, tiến hành xét nghiệm thường xuyên để theo dõi tỷ lệ mắc bệnh và điều chỉnh các hoạt động săn bắt để giảm thiểu nguy cơ lây truyền.

Cũng cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ hơn về động lực lây truyền của căn bệnh này, những ảnh hưởng sinh thái và những tác động tiềm tàng đến sức khỏe con người.

Cuối cùng, CWD nhấn mạnh mối liên kết giữa hệ sinh thái và sức khỏe con người. Bằng cách chú ý đến những cảnh báo của các nhà khoa học và thực hiện hành động quyết đoán để giảm thiểu rủi ro, chúng ta có thể cố gắng bảo vệ cả động vật hoang dã và chính mình khỏi bóng ma của CWD và các bệnh lây truyền từ động vật mới xuất hiện khác.

Anh Tú