Mất ngủ thường xuyên, người phụ nữ 45 tuổi rơi vào tình trạng la hét, co giật
Thông tin Y học - Ngày đăng : 21:15, 20/02/2024
Mất ngủ thường xuyên, người phụ nữ 45 tuổi rơi vào tình trạng la hét, co giật
Sau thời gian mất ngủ, người phụ nữ 45 tuổi có những hành vi bất thường như tự cười, nói những câu vô nghĩa một mình, ít giao tiếp với mọi người xung quanh rồi la hét, khóc, cười, co giật...
Chiều 20.2, Bệnh viện Quân y 175 cho hay vừa tiếp nhận và điều trị thành công một nữ bệnh nhân mắc bệnh lý viêm não tự miễn do bị mất ngủ thường xuyên. Đây là một căn bệnh hiếm gặp khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng thường xuyên la hét, khóc, cười rồi co giật.
Nữ bệnh nhân này 45 tuổi (ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), có hoàn cảnh khó khăn, một mình nuôi con ăn học, áp lực nặng nề về kinh tế, gia đình.
Ba tháng trước khi nhập viện, chị thường xuyên mất ngủ, kèm theo đó là những hành vi bất thường như tự cười, nói những câu vô nghĩa một mình, ít giao tiếp với mọi người xung quanh. Bệnh ngày một trầm trọng, chị bắt đầu la hét, khóc, cười ngày một nhiều hơn, không còn giao tiếp với gia đình và xuất hiện các cơn co giật.
Dù đã được đưa đi khám ở các cơ sở y tế với chẩn đoán ban đầu theo dõi tình trạng loạn thần do stress, tuy nhiên trải qua không dưới 3 bệnh viện lớn nhỏ khác nhau, kết quả điều trị vẫn không khả quan.
Bác sĩ Huỳnh Thị Như Ý – Trưởng nhóm bệnh lý thần kinh tự miễn, Khoa Nội thần kinh cho biết, khi vào viện bệnh nhân đã suy giảm ý thức, mất tự chủ, la hét, hoảng loạn.
Ngay tại thời điểm nhập vào Khoa Nội thần kinh, các bác sĩ đã nhận định người bệnh có các đặc điểm của bệnh lý viêm não tự miễn. Tuy nhiên, việc tìm ra các bằng chứng để chứng minh chẩn đoán này lại không hề đơn giản.
“Trong vòng chưa đầy 24 giờ, bằng kinh nghiệm và các kỹ thuật chuyên sâu của đơn vị sinh lý thần kinh lâm sàng, chúng tôi đã ghi nhận các bất thường khác như: kết quả điện não có sóng bất thường rất phù hợp với đặc điểm co giật của người bệnh, kèm thêm kết quả xét nghiệm dịch não tủy giúp chẩn đoán sơ bộ bệnh lý viêm não tự miễn kháng thể kháng thụ thể NMDA. Kết quả xét nghiệm kháng thể trong máu và dịch não tủy được trả về sau đó cũng đã phát hiện kháng thể kháng thụ thể NMDA, một lần nữa khẳng định chẩn đoán của chúng tôi là chính xác”, bác sĩ Ý chia sẻ.
Nhận định việc điều trị sớm viêm não tự miễn rất quan trọng, vì có thể cải thiện tiên lượng và giảm nguy cơ tái phát, do đó ngay lập tức các bác sĩ đã truyền thuốc điều trị đặc hiệu nhằm nhanh chóng làm giảm các tác động gây hại của kháng thể đến các tế bào thần kinh bệnh nhân.
Theo bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa – Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, nhờ vào kinh nghiệm điều trị các ca bệnh tương tự trước đây với những điểm tương đồng, các bác sĩ mới nhanh chóng nhận định đây là một trường hợp rất nặng, việc điều trị tích cực để loại bỏ kháng thể gây bệnh bằng phối hợp điều trị thay huyết tương là cần thiết để cứu lấy bộ não người bệnh, sau đó phải nhanh chóng tìm ra các yếu tố thủ phạm âm thầm gây bệnh.
Các chuyên gia y tế cho biết, viêm não tự miễn là một bệnh lý hiếm gặp, những người mắc bệnh này có biểu hiện rất đa dạng, từ nhẹ như: mất ngủ, mệt mỏi, thay đổi tính tình, hay nặng hơn là co giật, la hét, mất kiểm soát bản thân, thậm chí có thể hôn mê sâu.
Nguyên nhân cho đến nay được biết là do các tự kháng thể bất thường được sinh ra trong cơ thể người bệnh. Bình thường các kháng thể có vai trò bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể chống chọi lại những tác nhân nguy hại từ môi trường như: vi rút, vi khuẩn… Tuy nhiên, một số trường hợp bất thường bệnh lý, các kháng thể này lại tấn công chính các tế bào thần kinh, gây ra thương tổn ở não bộ. Trong số các kháng thể gây bệnh thì kháng thể kháng thụ thể NMDA là loại thường gặp nhất. Viêm não tự miễn diễn biến phức tạp, đa dạng, nên việc nhận ra và chẩn đoán không hề đơn giản. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm não tự miễn sẽ để lại các biến chứng, di chứng nặng nề về thần kinh, thậm chí hôn mê và tử vong.