Triển vọng lạc quan, VN-Index có thể lên 1.300 điểm vào cuối năm

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:51, 21/02/2024

Giá trị hợp lý cho VN-Index cuối năm 2024 là 1.300 điểm, mặc dù trong năm có thể có những thời điểm thị trường vượt ngưỡng này.
Thị trường và chính sách

Triển vọng lạc quan, VN-Index có thể lên 1.300 điểm vào cuối năm

Sơn Lam 21/02/2024 15:51

Giá trị hợp lý cho VN-Index cuối năm 2024 là 1.300 điểm, mặc dù trong năm có thể có những thời điểm thị trường vượt ngưỡng này.

VN-Index có thể lên 1.300 điểm vào cuối năm 2024

Tại Báo cáo chiến lược năm 2024 Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố, các chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán (TTCK) thường chịu ảnh hưởng bởi cả dòng tiền và các yếu tố cơ bản. Vận động giữa dòng tiền và yếu tố cơ bản có thể dẫn tới những phản ứng khác nhau của TTCK trong năm 2024.

SSI Researcho nhấn mạnh năm 2023 là một năm có nhiều biện pháp giúp “trì hoãn thời gian” chờ thị trường bất động sản (BĐS) và tài chính trở lại trạng thái bình thường. Do đó, một sự hồi phục đang được kỳ vọng để giúp hệ thống tài chính có thể tránh được những thách thức lớn trong năm 2024.

vnindex-5259.jpg
VN-Index được dự báo có thể lên 1.300 điểm vào cuối năm 2024

Theo SSI, nhiều khả năng phục hồi kinh tế sẽ diễn ra rõ nét hơn vào nửa cuối năm 2024, với xuất khẩu tăng nhờ lãi suất toàn cầu giảm và niềm tin người tiêu dùng dần quay lại.

Trong nước, tâm điểm chính vẫn sẽ là sự phục hồi của ngành BĐS trong bối cảnh các doanh nghiệp BĐS đang cần phải nhanh chóng giải quyết các vấn đề pháp lý của dự án và đối diện tỷ lệ cho vay BĐS hiện vẫn ở mức cao. Nếu như thanh khoản tại thị trường BĐS và trái phiếu doanh nghiệp không phục hồi nhanh, niềm tin người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng.

Năm 2024, nếu như vấn đề pháp lý của các dự án hiện hữu không được giải quyết sớm, SSI Research dự báo hoạt động M&A sẽ tăng mạnh và tập trung vào các dự án đã đủ tính pháp lý. Nguồn cung ước tính do vậy sẽ có thể cải thiện tích cực từ mức nền thấp trong 2023.

“Chúng tôi dự báo sự phục hồi của thị trường BĐS sẽ phân hóa giữa các phân khúc và cần thêm thời gian để có thể tiến đến phục hồi hoàn toàn. Các công ty BĐS có sức khỏe tài chính tốt mới có thể vượt qua thách thức trong 2024”, SSI nêu.

SSI Research dự báo tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể đạt mức cao nhất trong quý 3 năm nay, sau đó giảm trở lại theo kịch bản cơ sở.

Về mặt dòng tiền, lãi suất thấp kỷ lục sẽ là động lực tăng trưởng chính, đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân. Tiền gửi tại ngân hàng vẫn đang tiếp tục tăng do các kênh đầu tư khác khá hạn chế (giá vàng đã tăng đáng kể, trong khi ngành BĐS và trái phiếu doanh nghiệp cần nhiều thời gian để hồi phục).

“Dòng vốn này có thể quay lại thị trường chứng khoán trong các giai đoạn của năm 2024. Do nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 92,2% khối lượng giao dịch trung bình ngày toàn thị trường năm 2023, VNIndex sẽ có một số bước nhảy vọt trong năm 2024 nhờ dòng vốn này”, khối phân tích của SSI dự đoán.

ck.jpeg
Nhiều dự báo lạc quan cho thị trường chứng khoán năm 2024

Trong khi đó, dòng tiền từ khối ngoại được dự báo chưa hồi phục ngay lập tức nhưng ít nhất áp lực bán không còn mạnh mẽ như năm vừa qua. Nhà đầu tư nước ngoài đã có một năm rút ròng trong năm 2023, nhưng công ty chứng khoán này kỳ vọng xu hướng này sẽ đảo chiều trong năm 2024 theo sau động thái hạ dần lãi suất của Fed và cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng trong 2024 - 2025. Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi là sự kiện nhà đầu tư đã mong chờ từ lâu.

SSI Research cho rằng, giá trị hợp lý cho VN-Index cuối năm 2024 là 1.300 điểm, mặc dù trong năm có thể có những thời điểm thị trường vượt được ngưỡng này.

Dự báo lạc quan về thị trường chứng khoán 2024

Đánh giá về triển vọng TTCK 2024, nhiều đơn vị cũng đưa ra những dự báo khá lạc quan.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán TPS cho biết kịch bản cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh mục tiêu 1.387 điểm. Ở kịch bản lạc quan hơn, TPS kỳ vọng mức tăng trưởng toàn thị trường từ 15% sẽ dẫn dắt VN-Index đến quanh mức 1.450 điểm.

Trong năm 2024, TPS cho rằng chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn do nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng 9 - 10.2023 đã đưa định giá của VN-Index theo P/E từ mức 14,87 lần về mức 13,29 lần ở thời điểm cuối tháng 11.2023. Qua đó tỷ suất E/P (lợi nhuận trên giá) của thị trường trung bình rơi vào biên độ khoảng 7,4 - 8,1% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức).

Ngoài ra, nỗ lực hạ nhiệt lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang có những tác động tích cực. So với các quốc gia trong khu vực, VN-Index đang có mức P/E forward khá thấp, vào khoảng 9,1 lần. Hơn nữa, việc Việt Nam nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản hứa hẹn sẽ giúp kinh tế khởi sắc hơn.

Chứng khoán VCBS cũng đánh giá, với việc mặt bằng lãi suất trong quý 4/2023 thậm chí đã rơi xuống thấp hơn so với giai đoạn COVID-19, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024. Nhìn về dài hạn, Việt Nam sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.

Do đó, VCBS dự báo mức cao nhất của chỉ số VN-Index có thể đạt được trong năm 2024 là vùng 1.300 điểm. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán có khả năng sẽ ghi nhận những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những nhịp tăng điểm.

cp.jpeg
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương, năm 2024, kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, nhìn một cách tổng thể, TTCK trong nước năm 2024 được dự báo sẽ có gam màu tươi sáng hơn so với năm 2023 nhờ sự hỗ trợ của nhiều yếu tố tích cực.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chủ động, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, xu hướng tích cực hơn tiếp tục được duy trì trong nhiều ngành và lĩnh vực, từ đó, tạo điều kiện tốt hơn cho sức khỏe doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi.

“Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, duy trì tốc độ hồi phục nhanh, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu trong khu vực và thế giới”, bà Chân Phương nêu.

Sơn Lam