Dự thảo Thông tư ‘Made in Vietnam’: Chưa chặt chẽ và rõ ràng

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:24, 08/08/2019

Việc lượng hóa các chi phí đầu vào để xác định tỷ lệ 30% để gắn mác xuất xứ Việt Nam là điều khó làm và quá phức tạp. Giả sử một sản phẩm nông sản, doanh nghiệp nhập giống từ Trung Quốc, mua phân bón từ Nhật Bản, thuốc trừ sâu của Mỹ... thì đầu vào tính 30% thế nào?”, LS Lương Văn Chương - Đoàn Luật sư TP.HCM nói.
Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư quy định tiêu chí xác định hàng Made in Vietnam - Ảnh minh họa

Bộ Công Thương vừa lấy ý kiến dự thảo Thông tư về tiêu chí dán mác "Made in Vietnam" cho hàng sản xuất trong nước lưu thông trên thị trường nội địa. Theo đó, sản phẩm được coi là "Made in Vietnam" nếu có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam, như cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng, khoáng sản...

Trường hợp hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng và đảm bảo 2 tiêu chí về chuyển đổi mã số (mã HS) và hàm lượng giá trị gia tăng... thì được coi là hàng hóa của Việt Nam.

Cách xác định hàm lượng giá trị gia tăng được xác định theo 2 công thức gián tiếp hoặc trực tiếp. Ở cách trực tiếp, nếu hàng có giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ ở Việt Nam chiếm 30% giá xuất xưởng, thì được coi là hàng "Made in Vietnam". Còn cách gián tiếp là giá xuất xưởng trừ đi giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam.

Bộ Công Thương đưa ra các ví dụ cụ thể từng mặt hàng với mã HS khác nhau để xác định tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa. Phần lớn các sản phẩm này có tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa 30%. Tuy nhiên để được xem là hàng "Made in Vietnam", ngoài đạt tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa là 30%, thì hàng hóa này còn phải vượt qua khâu gia công đơn giản.

Tiêu chí thứ hai để xác định hàng hóa có được dán nhãn "Made in Vietnam" hay không là "chuyển đổi mã số HS". Tiêu chí này cho phép doanh nghiệp có thể sử dụng 100% nguyên liệu nhập khẩu hoặc không xác định về xuất xứ trong quá trình sản xuất, miễn là quy trình đó vượt qua công đoạn gia công đơn giản.

Ví dụ, với mặt hàng gỗ ván ép, hiện nay các doanh nghiệp đều áp dụng tiêu chí xác định quy tắc xuất xứ là "chuyển đổi mã số hàng hóa" do khó truy xuất các loại gỗ trong tấm ván ép được doanh nghiệp mua từ nguồn nào, đơn vị nào cung cấp. Do đó trường hợp áp dụng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa, doanh nghiệp mua trong nước hay nhập khẩu nguyên vật liệu làm nên tấm gỗ ván ép và vượt qua gia công đơn giản... vẫn thỏa mãn quy định về quy tắc xuất xứ.

Liên quan đến dự thảo này, LS Lương Văn Chương - Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng dự thảo đã đưa ra được các khái niệm cụ thể hơn về thế nào là “hàng hóa của Việt Nam”, sản phẩm như thế nào được coi là “sản phẩm Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”. Tuy nhiên, dự thảo này vẫn chưa quy định chặt chẽ, rõ ràng về các tiêu chí cho việc xác định hàng hóa thế nào là Made in Vietnam.

Cụ thể, Điều 8 Chương III Thông tư quy định về hàng hóa có xuất xứ thuần túy chỉ nói về các hàng hóa mà đã có mặt ở Việt Nam nuôi trồng, đánh bắt, chiết xuất… từ Việt Nam.

“Trường hợp sản phẩm được lên ý tưởng, thiết kế bởi người Việt, doanh nghiệp Việt Nam nhưng các linh kiện phải lấy từ các nước khác nhập 100% thì có được ghi xuất xứ Việt Nam không? Sản phẩm này chỉ cần lấy các linh kiện nước ngoài về lắp ráp đơn giản, gia công các bước cuối cùng là ra sản phẩm hoàn chỉnh thì có được coi là sản phẩm Việt Nam không?”, ông Chương nêu.

Luật sư này nêu dẫn chứng, tại Mỹ, theo quy định của Ủy ban Thương mại liên bang (FTC), một loại hàng hóa có thể được dán nhãn “Made in USA” phải đáp ứng các tiêu chí rất nghiêm ngặt.

Theo đó, tất cả chi tiết, công đoạn chế tạo quan trọng của sản phẩm này đều phải có nguồn gốc từ Mỹ. Yếu tố nước ngoài trong sản phẩm chỉ được bao gồm các bộ phận không quan trọng và chiếm tỷ lệ không đáng kể. Tuy nhiên, trong trường hợp mua sắm chính phủ, tiêu chuẩn “Made in USA” sẽ được nới lỏng. Theo đó, chỉ cần 50% linh kiện trở lên được làm tại Mỹ là đủ để đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, ông Chương nêu, Điều 10 Chương III quy định các sản phẩm gia công, chế biến đơn giản, hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam, nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn thì không được coi là hàng hóa của Việt Nam. Nhưng dự thảo thông tư không quy định trường hợp này thì sẽ ghi xuất xứ hàng hóa của ai?

Ví dụ như cái đèn led được lắp ráp tại Việt Nam với nhiều vật liệu, linh kiện của các nước khác nhau nhưng không được ghi xuất xứ Việt Nam vì nó chỉ lắp ráp đơn giản thì ghi xuất xứ như thế nào? Bởi vậy cần có các quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết hơn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và những doanh nghiệp chân chính, hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở này để trục lợi.

Cũng theo luật sư này, một vấn đề cần làm rõ nhất tại dự thảo lần này chính là công thức tính hàm lượng giá trị gia tăng (VAC). Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải tiến hành nghiên cứu kỹ khi đưa ra các giải thích về các thuật ngữ, các cấu thành trong công thức tính VAC.

Ví dụ: “Trị giá nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Việt Nam” bao gồm trị giá của nguyên liệu mua của nhà sản xuất trong nước hoặc do tổ chức, cá nhân tự sản xuất; chi phí nhân công trực tiếp, chi phí phân bổ trực tiếp, các chi phí khác và lợi nhuận. Vậy các chi phí nhà xưởng, khấu hao nhà xưởng, thiết kế có được tính hay không cần phải quy định rõ.

“Việc lượng hóa các chi phí đầu vào để xác định tỷ lệ 30% để gắn mác xuất xứ Việt Nam là điều khó làm và quá phức tạp. Giả sử một sản phẩm nông sản, doanh nghiệp nhập giống từ Trung Quốc, mua phân bón từ Nhật Bản, thuốc trừ sâu của Mỹ... thì đầu vào tính 30% thế nào? Hơn nữa, nếu chỉ quy định 30% giá trị hàng hóa có xuất xứ nội địa, nhiều doanh nghiệp sẽ dễ dàng “qua mặt” các cơ quan chức năng trong việc dán nhãn Việt Nam”, ông Chương nói.

Ngoài ra, theo dự thảo những sản phẩm có hàm lượng VAC lớn hơn 30% được ghi Made in Vietnam, vậy những hàng hóa có hàm lượng VAC nhỏ hơn 30% thì được ghi dán nhãn như thế nào? Do đó, thiết nghĩ, dự thảo cần phải làm rõ hơn nữa để doanh nghiệp dễ áp dụng, và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Lam Thanh