'Tài chính cho mọi người': Phòng ngừa cú sốc tài chính

Văn hóa - Ngày đăng : 10:41, 23/02/2024

Cú sốc tài chính thường xảy ra bất ngờ và nhiều lúc rất tốn kém. Những cú sốc này có thể xảy đến dưới mọi hình thức và mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Văn hóa

'Tài chính cho mọi người': Phòng ngừa cú sốc tài chính

Hạ Vĩ 23/02/2024 10:41

Cú sốc tài chính thường xảy ra bất ngờ và nhiều lúc rất tốn kém. Những cú sốc này có thể xảy đến dưới mọi hình thức và mức độ nghiêm trọng khác nhau.

Đời sống tài chính của bạn cũng giống như lâu đài cát. Bạn dành thời gian chăm chút nó, xây dựng nó và đưa ra những quyết định cũng như lựa chọn mà bạn hy vọng là sẽ giữ cho nó không bị đổ. Nhưng sẽ luôn có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Những tình huống khẩn cấp và cú sốc tài chính là những con sóng đe dọa lâu đài cát của bạn. Đôi khi chúng đến đột ngột như thể từ trên trời rơi xuống, và đôi khi chúng đến một cách chậm rãi.

tai-chinh-cho-moi-nguoi-quote-2a.jpg

Giống như hào hay tường là lớp bảo vệ tốt nhất để che chắn lâu đài cát khỏi cú sốc do thủy triều thay đổi, quỹ dự phòng khẩn cấp là tuyến phòng thủ đầu tiên giúp bạn chống lại một cú sốc tài chính. Đây là lý do vì sao nhiều người thường khuyến nghị rằng quỹ khẩn cấp phải là ưu tiên tiết kiệm hàng đầu của bạn.

Mặc dù hầu hết chúng ta đều đủ lý trí để hiểu rằng các trường hợp khẩn cấp và cú sốc tài chính sẽ xảy ra, nhưng nhiều người trong chúng ta lại không tiết kiệm đủ cho quỹ khẩn cấp, thậm chí là không tiết kiệm chút nào. Có rất nhiều lý do khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc tiết kiệm tiền, vượt ra ngoài những phép tính và cơ chế đơn giản của phương trình tài chính cá nhân.

Khả năng trì hoãn sự thỏa mãn

Vào những năm 1960 và 1970, nhà nghiên cứu Walter Mischel của Đại học Stanford đã tiến hành một thử nghiệm mà ngày nay được gọi là Thử nghiệm kẹo dẻo (Marshmallow experiment). Trong thử nghiệm này, các nhà nghiên cứu sẽ đưa từng đứa trẻ vào một căn phòng riêng có bàn ghế rồi đặt một viên kẹo dẻo trước mặt chúng. Trước khi rời khỏi phòng và vắng mặt khoảng mười lăm phút, nhà nghiên cứu nói với đứa trẻ là nếu em không ăn viên kẹo trắng mịn trước mặt thì ông sẽ mang cho em thêm một viên kẹo nữa khi trở lại.

Hầu hết các em đều cố không ăn viên kẹo dẻo; một số em đã thành công, trong khi số khác thì không. Trong bốn mươi năm sau đó, các nhà nghiên cứu đã theo dõi và đã tìm ra mối tương quan cho thấy những đứa trẻ có thể trì hoãn sự thỏa mãn về sau có điểm kiểm tra năng lực học tập cao hơn, kỹ năng xã hội tốt hơn, có tỷ lệ béo phì thấp hơn, có khả năng đối phó với căng thẳng tốt hơn, có nguy cơ mắc bệnh cũng như lạm dụng chất gây nghiện thấp hơn… so với những đứa trẻ không thể cưỡng lại kẹo dẻo.

Kết luận này khá hợp lý về mặt logic. Nếu một người chọn tập trung hoàn thành công việc của họ thay vì lang thang trên mạng, người đó thường sẽ làm việc hiệu quả hơn. Tiết kiệm tiền là một hình thức trì hoãn sự thỏa mãn vì khi tiết kiệm, chúng ta đã từ bỏ khả năng tiêu tiền ở hiện tại để có thể tiêu vào một ngày nào đó trong tương lai.

Một nghiên cứu khác đã chia trẻ em thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên được trải nghiệm tình huống củng cố lòng tin: đầu tiên những nhà nghiên cứu đưa cho các em những cây bút màu đã qua sử dụng, và nói rằng họ sẽ quay lại với những thứ tốt hơn, rồi hai phút sau đó họ trở lại với những cây bút to hơn và đẹp hơn. Trong khi đó, nhóm thứ hai có những trải nghiệm làm suy giảm lòng tin: các nhà nghiên cứu trở lại và nói rằng đã có sự nhầm lẫn, họ không còn cây bút màu nào khác. Sau phần mở đầu này, họ tiếp tục tiến hành Thử nghiệm kẹo dẻo.

1tg.jpg

Như bạn có thể tưởng tượng, những đứa trẻ trong nhóm bị mất lòng tin đã không đợi lâu để được ăn kẹo dẻo. Tại sao chúng phải chờ đợi? Từ trải nghiệm trước đó, chúng không có lý do gì để tin rằng nhà nghiên cứu sẽ trở lại với một viên kẹo dẻo khác. Bạn lừa tôi một lần, kẻ đáng trách là bạn; bạn lừa tôi hai lần, kẻ đáng trách chính là tôi, phải không nào? Trong khi đó, với những đứa trẻ ở nhóm được củng cố lòng tin đã có thể rút ra mối liên hệ tích cực từ việc trì hoãn sự thỏa mãn. Nhờ vậy, nhóm này không chỉ chờ đợi lâu hơn đáng kể so với nhóm kia, mà nhiều em trong nhóm còn thành công trì hoãn hoàn toàn sự thỏa mãn và nhận được phần thưởng là viên kẹo dẻo thứ 2.

Nghiên cứu này là bằng chứng cho thấy khả năng trì hoãn sự thỏa mãn không phải là một phẩm chất bẩm sinh; thay vào đó, môi trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc ra quyết định của chúng ta. Ví dụ, nếu bạn luôn được cho 20 đô la bất cứ khi nào bạn đòi hỏi và luôn tiêu sạch số tiền đó ngay khi nhận được, việc thỏa mãn tức thời này có thể khiến bạn tin rằng bạn sẽ kiếm tiền dễ dàng như khi bạn tiêu tiền. Hoặc nếu bạn lớn lên trong một môi trường không ổn định, gia đình bạn phải chạy lo từng bữa ăn và không biết chắc ngày mai sẽ ra sao, bạn có thể sẽ thấy hầu như không có lý do gì để bạn trì hoãn sự thỏa mãn. Bạn có thể nghĩ sẽ hợp lý hơn nếu ăn ngay viên kẹo hoặc tiêu ngay số tiền bạn có, vì chỉ những gì đang xảy ra trong thời điểm hiện tại mới là điều chắc chắn.

Một trường hợp khác về môi trường không đáng tin cậy là lớn lên với sự khác biệt quá lớn giữa những gì bạn kỳ vọng về cuộc sống trưởng thành của mình với hoàn cảnh thực tế. Có nhiều người thuộc thế hệ millennial (sinh ra trong giai đoạn 1981-1996) bị ảnh hưởng bởi môi trường như vậy. Thế hệ millennial thường xuyên nghe cha mẹ, giáo viên và xã hội nói chung khuyên bảo rằng họ nên đi theo bước chân của những người thuộc thế hệ baby boomer (sinh ra trong giai đoạn 1946-1964): có một công việc ổn định, kiếm một số tiền kha khá trong nền kinh tế đang ngày càng phát triển, và mua một căn nhà bằng một cách nào đó dù giá nhà sẽ không ngừng tăng.

Đối với nhiều người trong chúng ta, những công việc ổn định và được trả lương cao đó không bao giờ thành hiện thực. Có thể chính kiểu môi trường không đáng tin cậy này đã khiến chúng ta trở nên bốc đồng hơn. Chúng ta dễ dàng mua bất cứ thứ gì được quảng cáo trên Instagram, vì ít nhất là chúng ta biết chúng ta sẽ được tận hưởng tiền của mình ở hiện tại, bất kể điều đó có tác động thế nào tới tương lai của chúng ta.

Và sự thỏa mãn tức thời

Nền văn hóa hướng đến người tiêu dùng trong xã hội hiện đại của chúng ta đề cao giá trị của các phần thưởng tức thời. Chúng ta có thể đặt hàng nhanh bằng một cú nhấp chuột, yêu cầu dịch vụ giao hàng sau một đêm hoặc trong ngày, gửi tin nhắn đến người nhận ngay lập tức, và truyền phát trực tuyến hoặc tải xuống lượng nội dung lớn đến mức không bao giờ có thể xem hết. Những công nghệ tạo ra thế giới của sự thỏa mãn tức thời đó hiện đã vượt xa khả năng của não bộ con người trong việc đối phó với sự thỏa mãn tức thời.

Là những người trưởng thành trong thế giới hiện đại, chúng ta thường xuyên có cảm giác thôi thúc muốn hành động một cách bốc đồng với tiền của mình và đắm chìm trong sự thỏa mãn tức thời. Chúng ta đã chuyển từ nhìn thấy một bảng quảng cáo trên đường cao tốc sang cầm theo những chiếc máy quảng cáo nhỏ lên giường cùng mình vào ban đêm, thứ không ngừng nhồi nhét vào đầu chúng ta các thông điệp tiếp thị và quảng cáo, khiến tất cả chúng ta bị kích thích và bận tâm vì những thứ nhảm nhí mà chắc hẳn ta không cần mua.

Chúng ta cần phải hiểu hoàn cảnh thực tế của mình. Chúng ta đang sống trong một thế giới bị áp đảo bởi chủ nghĩa tư bản, nơi các công ty khổng lồ kiểm soát hành vi của chúng ta. Đằng sau các bảng tin mạng xã hội của chúng ta là trí tuệ nhân tạo và các thuật toán biết-mọi-thứ, thấy-mọi-thứ. Các công ty khổng lồ kia đã thuê các nhà tâm lý học và thần kinh học giúp họ xây dựng những công nghệ có thể khơi gợi chúng ta tiêu thụ và thao túng chúng ta qua thời gian. Các công ty công nghệ sẽ bán dữ liệu của bạn cho những công ty khác, và những công ty đó đang có lợi thế hơn bạn - họ biết bạn nhiều hơn bạn biết về mình. Họ không quan tâm bạn có đang tiết kiệm tiền hay không. Bạn phải chủ động tỉnh táo để tìm lối thoát cho mình trước sức cám dỗ của những thứ họ trưng ra cho bạn thấy.

Kỳ tới: Tiết kiệm tiền là một thử thách đặc biệt khó khăn

Hạ Vĩ