Vì sao trẻ dưới 5 tuổi hay bị co giật?
Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:35, 23/02/2024
Vì sao trẻ dưới 5 tuổi hay bị co giật?
Co giật là một cấp cứu thần kinh rất thường gặp ở trẻ em. Đây là hiện tượng rất có hại cho cơ thể và não bộ của trẻ, do co giật có thể gây thiếu oxy não, nhất là khi tình trạng này kéo dài và tái phát nhiều lần.
Phân tích về các nguyên nhân co giật ở trẻ, bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho rằng có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân phổ biến, chiếm số lượng lớn là co giật lành tính do sốt cao. Đây là co giật chỉ xuất hiện ở trẻ từ 5 tháng đến 5 tuổi.
“Muốn biết đó là co giật lành tính do sốt cao phải loại hết tất cả các nguyên nhân khác của bệnh lý. Thường co giật lành tính do sốt cao phải thỏa mãn những điều kiện như: sốt cao trên 39 độ C; trẻ từ 5 tháng đến 5 tuổi; cơn co giật kéo dài tối đa là 1 phút phải tự hết; sau cơn co giật trẻ tỉnh táo, không để lại bất kỳ di chứng nào khác; loại trừ những nguyên nhân co giật khác (như bệnh lý thần kinh trung ương, động kinh, những bệnh lý về rối loạn điện giải, ngộ độc)”, bác sĩ Phương giải thích.
Dù co giật lành tính là không nguy hiểm nhưng theo bác sĩ Phương người nhà cũng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý, vì có những trường hợp có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp không thể đưa đến cơ sở y tế kịp, phải xử lý tại nhà. Sợ nhất của co giật là gây co thắt, tăng tuyến đàm nhớt, tắt đường thở khiến bệnh nhi tím tái, ngưng thở. Do đó, cách xử lý là để trẻ nằm nghiêng một bên, đầu ngửa để đàm nhớt tiết ra ngoài, không được nhỏ hay nhét bất cứ vật gì vào họng trẻ. Trong trường hợp trẻ bị tắc đường thở gây tím tái, hoặc ngưng thở thì phải hà hơi thổi ngạt.
Ngoài ra, trẻ bị co giật còn do các nguyên nhân khác như: tổn thương thực thể hệ thần kinh (chấn thương đầu gây chấn động não, đụng dập não…); xuất huyết não-màng não; rối loạn chuyển hóa; rối loạn điện giải; ngộ độc chì, phospho hữu cơ; ngộ độc thuốc amphetamine, kháng cholinergic, kháng histamin…
Với các trường hợp co giật trên, bác sĩ Phương cho biết thường cơn co giật kéo dài hơn 3 phút, thậm chí hôn mê, không tỉnh táo; đồng thời có các dấu hiệu như: yếu, liệt; hay co giật do rối loạn điện giải có triệu chứng như: tiêu chảy kéo dài, ói nhiều…
Việc xử lý co giật do các nguyên nhân trên là cho trẻ nằm nghiêng một bên, ở vị trí an toàn nhất; không cho bất kỳ thứ gì vào miệng trẻ; hạ sốt cho trẻ khi trẻ bắt đầu sốt từ 38 độ C; ghi nhận thời gian co giật và kiểu giật của trẻ để cung cấp thông tin cho bác sĩ và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu hoặc dùng thuốc cắt cơn.
Theo các chuyên gia y tế, các biểu hiện co giật ở trẻ thường là mất ý thức, ngừng thở; giật liên tục tay chân, mất tự chủ; 2 hàm răng cắn chặt, sùi bọt mép; tay chân co lại, trợn mắt tím môi; tiểu tiện và đại tiện không tự chủ…
Co giật là một cấp cứu thần kinh rất thường gặp ở trẻ em. Đây là hiện tượng rất có hại cho cơ thể và não bộ của trẻ, do co giật có thể gây thiếu oxy não, nhất là khi co giật kéo dài và tái phát nhiều lần. Trong khi co giật, trẻ có thể nôn mửa, nếu không được xử lý đúng cách, trẻ có thể hít phải chất nôn gây viêm phổi hoặc chất nôn từ dạ dày trào ngược vào phổi gây tổn thương phổi; đàm nhớt tiết ra khi co giật có thể gây tắc nghẽn đường thở dẫn đến tử vong.