Tại sao chơi-hát bài chòi phải ngồi trên chòi?

Văn hóa - Ngày đăng : 19:10, 23/02/2024

Tại sao chơi bài chòi phải ngồi trên chòi? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng khi tìm hiểu sẽ thấy rất thú vị.
Văn hóa

Tại sao chơi-hát bài chòi phải ngồi trên chòi?

Tiểu Vũ 23/02/2024 19:10

Tại sao chơi bài chòi phải ngồi trên chòi? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng khi tìm hiểu sẽ thấy rất thú vị.

Bài chòi vừa là trò chơi dân gian vừa là nghệ thuật ca hát dân ca đặc trưng phổ biến rộng rãi ở các tỉnh miền Trung. Nếu có dịp đến với phố cổ Hội An (Quảng Nam), ta sẽ thưởng thức trọn vẹn và hiểu hơn về hình thức diễn xướng dân gian rất độc đáo này.

Để thưởng thức bài chòi "cho đã" thì nhất định phải ngồi trên cái chòi bằng tre lợp lá. Việc ngồi trên chòi nghe hô bài chòi không chỉ đơn thuần là tham gia trò chơi, mà còn mang nhiều ý nghĩa. Ngồi trên chòi chơi bài chòi cũng là cách kết nối với truyền thống, giữa hiện tại và quá khứ. Ngày xưa chòi thường được xây dựng bằng tre, lá chuối, và đặt ở những vị trí trung tâm trong làng.

Cái chòi trong trò chơi bài chòi ra đời như thế nào? Dưới đây là một trong những lý giải được nhiều người công nhận:

Từ cuối thế kỷ 16 đến hết thế kỷ thứ 18, lãnh thổ của vương quốc Champa đã hoàn toàn thuộc về Đại Việt. Người Việt bắt đầu đến sinh sống và xây dựng nên những xóm làng cộng đồng dân cư từ Quảng Bình đến Bình Thuận ngày nay. Dải đất này là vùng rừng núi với nhiều thú dữ. Để bảo vệ ruộng vườn, nương rẫy, người Việt đã dựng những chiếc chòi cao ở ven rừng. Trên mỗi chòi, thanh niên trai tráng mạnh khỏe thay phiên nhau canh gác. Nếu thấy thú dữ phá hoa màu, họ đánh trống và hô to để đuổi chúng.

428603903_7579668068718012_8430032656589728708_n.jpg
Người chơi bài chòi ở Hội An ngồi trên cái chòi bằng tre - Ảnh: Tư liệu

Trong quá trình này, để giảm buồn chán, người ta đã nghĩ ra cách giao lưu bằng câu hát câu hò. Người trên các chòi ngồi hát đối đáp với nhau. Người ta mang ca dao, tục ngữ, thành ngữ ra để ngân nga thành giai điệu cho dễ nghe. Khi các vốn ca dao tục ngữ bị dùng hết thì người ta lại tự sáng tạo ra những câu hát mới hợp cảnh hợp tình. Đây có thể nói là khởi nguyên cho nghệ thuật hô bài chòi ra đời.

Nghệ thuật hô bài chòi được phổ biến rộng rãi ở 11 tỉnh miền Trung (trừ các tỉnh Tây Nguyên) gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Nghệ thuật hát bài chòi nay đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Qua thời gian tồn tại và phát triển, hát bài chòi đã thấm sâu vào tâm thức và gắn liền với cuộc sống của người dân. Đây là một phần quan trọng trong sự phong phú, đa dạng và giàu bản sắc của nền văn hóa Việt Nam.

Bài chòi, ban đầu chỉ là trò chơi dân gian hô tên các con bài, nhưng qua sự sáng tạo của các nghệ nhân, nó đã hình thành một thể loại sân khấu dân ca độc lập có thể diễn xướng ở mọi nơi, mọi lúc.

Nghệ thuật chơi bài chòi không chỉ là giải trí, mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa giáo dục về đạo đức, nhân cách và lối sống cao đẹp. Những điệu hát, câu hò trong bài chòi thường mang thông điệp về tình thương yêu gia đình, đạo nghĩa vợ chồng, tình nghĩa thầy trò và những giá trị chuẩn mực trong cuộc sống.

Nghệ thuật bài chòi ra đời từ dân gian, nói tiếng nói của dân gian, chủ yếu phục vụ cho tầng lớp bình dân và cũng chính những người bình dân kế thừa và phát triển không ngừng cho đến tận ngày nay.

Video hô bài chòi ở Hội An, Quảng Nam:

Tiểu Vũ