Vốn trung, dài hạn nền kinh tế dựa vào hệ thống ngân hàng tạo rủi ro cho hệ thống

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 12:24, 28/02/2024

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà đánh giá nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế dựa vào hệ thống ngân hàng đã và đang tạo sức ép, rủi ro cho hệ thống tổ chức tín dụng khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn.
Tài chính và đầu tư

Vốn trung, dài hạn nền kinh tế dựa vào hệ thống ngân hàng tạo rủi ro cho hệ thống

Lam Thanh 28/02/2024 12:24

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà đánh giá nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế dựa vào hệ thống ngân hàng đã và đang tạo sức ép, rủi ro cho hệ thống tổ chức tín dụng khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn.

Sáng 28.2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2024.

Huy động vốn qua TTCK đạt 418.271 tỉ đồng

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Vũ Thị Chân Phương cho biết trong năm 2023, TTCK tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 418.271 tỉ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022.

Theo bà Phương, diễn biến TTCK phản ánh kỳ vọng tích cực của thị trường về triển vọng kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp. Cùng với tình hình phục hồi của nền kinh tế, chỉ số TTCK Việt Nam tăng 12,2% so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn qua TTCK.

Kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết quy mô lớn còn khó khăn nhưng có dấu hiệu phục hồi vào những tháng cuối năm. Các tổ chức kinh doanh chứng khoán có sự cải thiện về chất lượng hoạt động; 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với tổng giá trị tài sản quản lý tại thời điểm 31.12.2023 đạt khoảng 639 nghìn tỉ đồng, tăng gần 16% so với thời điểm cuối năm 2022 và có 107 quỹ đầu tư chứng khoán, tăng 10 quỹ so với năm 2022.

phuong.jpeg
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương

Bà Phương cũng cho biết ngành chứng khoán đẩy mạnh công tác giám sát, thực thi pháp luật để đảm bảo TTCK vận hành thông suốt, an toàn.

UBCKNN đã phối hợp chặt chẽ với các Sở GDCK trong tăng cường giám sát đối với thị trường, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát; tổ chức thanh kiểm tra, xử phạt các vi phạm về chứng khoán, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật trên thị trường.

Bà Phương nhấn mạnh năm 2024, UBCK sẽ quản lý điều hành TTCK đảm bảo an toàn, thông suốt, tạo thuận lợi cho huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế; triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng TTCK; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp thông qua việc triển khai công bố thông tin một đầu mối, cải cách thủ tục hành chính.

“Đẩy mạnh giám sát, thực thi pháp luật để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và hoạt động lành mạnh của thị trường; giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật”, bà Phương nói.

Vốn dựa vào ngân hàng, tạo sức ép cho hệ thống

Phó thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cho rằng để đảm bảo mục tiêu phát triển TTCK ổn định, an toàn, lành mạnh, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương xử lý nhanh các vướng mắc của lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng TTCK từ cận biên lên thị trường mới nổi.

“NHNN đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ. Qua đó, hỗ trợ sự phát triển của TTCK, tiến tới mục tiêu nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi”, ông Hà nói.

Theo ông Hà, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

Cụ thể, liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5 - 2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân; chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến cuối năm 2023, mặt bằng lãi suất trong nước đã có sự điều chỉnh giảm sâu.

Ông Hà cũng nêu, từ khoảng tháng 6 đến đầu tháng 11.2023, đồng Việt Nam (VND) chịu áp lực mất giá do đồng đô la Mỹ (USD) tăng mạnh trở lại và chênh lệch giữa lãi suất VND và lãi suất USD chuyển sang âm trong bối cảnh Mỹ tăng lãi suất và Việt Nam liên tục giảm lãi suất.

Trước tình hình đó, NHNN điều hành tỷ giá phù hợp, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, đồng thời cũng triển khai các giải pháp hạn chế biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, hướng tới mục tiêu tổng thể ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, tỷ giá VND diễn biến tương đối ổn định so với các đồng tiền trong khu vực.

Tuy nhiên, ông Hà cũng đánh giá trong bối cảnh nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế lớn và chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn đã và đang tạo sức ép, rủi ro cho hệ thống tổ chức tính dụng khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn.

Theo đó, để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính, phát triển TTCK ổn định, hiệu quả, NHNN kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về TTCK nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường; đồng thời phối hợp với các bộ ngành có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp cho TTCK phát triển.

Ngoài ra, tiếp tục đa dạng hóa các nhà đầu tư tham gia thị trường, khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm, nhà đầu tư nước ngoài... tham gia sâu, rộng hơn vào thị trường.

Lam Thanh