Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Tôi luôn theo dõi bản tin chứng khoán hàng ngày, nếu không sẽ rất sốt ruột'

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:27, 28/02/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết lúc 12 giờ 40 phút hằng ngày, ông luôn theo dõi bản tin xem thị trường chứng khoán (TTCK) để có phản ứng chính sách kịp thời, nếu không theo dõi được thì rất sốt ruột.
Tài chính và đầu tư

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Tôi luôn theo dõi bản tin chứng khoán hàng ngày, nếu không sẽ rất sốt ruột'

Lam Thanh 28/02/2024 16:27

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết lúc 12 giờ 40 phút hằng ngày, ông luôn theo dõi bản tin xem thị trường chứng khoán (TTCK) để có phản ứng chính sách kịp thời, nếu không theo dõi được thì rất sốt ruột.

Trong 10 năm qua (2014 - 2023), TTCK đã thực hiện huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế đạt 3,8 triệu tỉ đồng, bình quân mỗi năm đạt 380 nghìn tỉ đồng, tăng gấp 4,35 lần so với giai đoạn trước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng TTCK Việt Nam còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần nhanh chóng tháo gỡ, khắc phục. Đó là vấn đề về xây dựng đồng bộ và hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và hoạt động của thị trường ngày càng phát triển mạnh mẽ nhưng phải đảm bảo tính an toàn, minh bạch và bền vững.

Ngoài ra, còn tình trạng làm giá, thao túng chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư và niềm tin thị trường; chuẩn mực, đạo đức của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ có vấn đề, chuẩn mực kế toán, chế tài xử lý xử phạt chưa nghiêm minh, kịp thời. Thông tin công bố của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư chưa bảo đảm tính chính xác…

hn-1.jpeg
Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán 2024

Thủ tướng cho hay: "Có lẽ không tuần nào tôi không nói chuyện và làm việc với các đồng chí lãnh đạo các cơ quan có liên quan tới TTCK, luôn theo dõi TTCK. Lúc 12 giờ 40 phút hằng ngày, tôi luôn theo dõi bản tin xem TTCK hôm nay thế nào để có phản ứng chính sách kịp thời, nếu không theo dõi được thì rất sốt ruột”.

“Khi có biến động nào đó thì chúng tôi luôn đặt mình vào vị trí của các nhà đầu tư, nhà phát hành, trên tinh thần cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Các bên đều thắng tức là góp phần phát triển kinh tế Việt Nam nhanh, bền vững, lành mạnh theo chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi cũng luôn suy nghĩ Chính phủ phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, các chủ thể liên quan tới TTCK", Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cho rằng TTCK góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội, nhất là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

"Phát triển kinh tế thì không thể thiếu TTCK. Phát triển TTCK là một yêu cầu khách quan", Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết từ thị trường sơ khai, TTCK Việt Nam đang ở mức thị trường cận biên và đặt mục tiêu tới năm 2025 trở thành thị trường mới nổi, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút khoảng 25 tỉ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp.

Về phương hướng phát triển TTCK, Thủ tướng nhấn mạnh chính sách phải nhất quán, phản ứng chính sách phải kịp thời, chính sách phải phù hợp và theo kịp thực tiễn; quản lý nhà nước phải công khai, minh bạch, đúng quy luật thị trường; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan.

"Năm nay, chúng tôi rất quyết liệt để không thiếu điện và các nhà đầu tư có thể yên tâm về vấn đề này", Thủ tướng khẳng định.

hn-2.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Về các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành đặc biệt liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường; nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của TTCK theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số; xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật những trường hợp vi phạm…

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng tiêu chí nâng hạng với tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được".

Bộ KH-ĐT được giao rà soát, công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài; cập nhật thường xuyên; NHNN khẩn trương xem xét, rà soát để đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn quy trình mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài; nghiên cứu công cụ thanh toán bù trừ phù hợp quy luật thị trường…

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần đẩy mạnh tái cấu trúc công ty chứng khoán; phát triển hoạt động khối các công ty chứng khoán theo hai mô hình: đa năng (thực hiện nhiều nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán) và chuyên doanh (thực hiện một nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán); tăng cường vai trò tạo lập thị trường, nâng cao tiềm lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực và phát triển hệ thống công nghệ có chiều sâu.

Thêm vào đó, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tài chính, quản trị công ty tốt thực hiện niêm yết trên TTCK; hỗ trợ tích cực việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa; khuyến khích phát hành trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh…

Thủ tướng cũng nêu rõ năm 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững ổn định chính trị - xã hội để nhà đầu tư yên tâm. "Chúng ta quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025", Thủ tướng nhấn mạnh.

Lam Thanh