Robot chó bắn súng như dân chuyên nghiệp, có tiềm năng chống khủng bố, giải cứu con tin

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 13:28, 01/03/2024

Quân đoàn robot chó đang được Trung Quốc sản xuất, với hầu hết cỗ máy bốn chân này trở thành thú cưng điện tử mới lạ hoặc thực hiện các nhiệm vụ đơn giản, chẳng hạn mang đĩa cho vận động viên điền kinh.
Nhịp đập khoa học

Robot chó bắn súng như dân chuyên nghiệp, có tiềm năng chống khủng bố, giải cứu con tin

Sơn Vân 01/03/2024 13:28

Quân đoàn robot chó đang được Trung Quốc sản xuất, với hầu hết cỗ máy bốn chân này trở thành thú cưng điện tử mới lạ hoặc thực hiện các nhiệm vụ đơn giản, chẳng hạn mang đĩa cho vận động viên điền kinh.

Thế nhưng, đoạn video do Quân đội Trung Quốc công bố thông qua truyền thông nhà nước những năm gần đây cho thấy một số robot chó này được trang bị vũ khí và đưa vào các cuộc tập trận quân sự trực tiếp.

Các nhà phê bình đánh giá video là tuyên truyền, cho rằng cấu tạo nhỏ bé sẽ khiến những robot chó không phù hợp để xử lý độ giật của súng tiêu chuẩn, chứ đừng nói đến việc bắn súng với tốc độ và độ chính xác của một người lính được huấn luyện.

Tuy nhiên, những người khác nhìn thấy tiềm năng to lớn của công nghệ mới nổi này và cho rằng robot chó có thể cách mạng hóa chiến tranh trong tương lai.

Thủy quân lục chiến Mỹ đã mua một số con để đánh giá hiệu quả chiến đấu của robot chó do Trung Quốc sản xuất vào năm 2023.

Dù chưa có kết quả đánh giá đó, nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy những robot chó này có thể bắn tốt hơn cả những binh lính dày dạn kinh nghiệm khi sử dụng súng.

“Nghiên cứu chứng minh tính khả thi của một nền tảng tấn công có chân”, nhà khoa học hàng đầu Xu Cheng và nhóm của ông viết trong một bài báo được bình duyệt trên Tạp chí Kỹ thuật Trung Quốc.

Một bài báo đã được bình duyệt là được đánh giá bởi các chuyên gia trong lĩnh vực đó trước khi xuất bản. Quá trình bình duyệt nhằm đảm bảo rằng bài báo đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao về nội dung và hình thức. Các bài báo được bình duyệt thường được xuất bản trên tạp chí khoa học uy tín.

Theo phát hiện của nhóm nghiên cứu Trung Quốc, Quân đội Mỹ có thể đã không sử dụng những robot chó này theo cách tốt nhất để phát huy hết tiềm năng của chúng trong trận chiến.

Xu Cheng là giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh. Ông cũng là Phó chủ tịch Hiệp hội Vũ khí hạng nhẹ Trung Quốc. Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh từ lâu đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen do có mối quan hệ chặt chẽ với Quân đội Trung Quốc.

robot-cho-ban-sung-nhu-dan-chuyen-nghiep-co-tiem-nang-chong-khung-bo-giai-cuu-con-tin.jpg
Robot chó không chỉ hữu ích vì yếu tố mới lạ mà có thể trở thành tay súng cừ khôi - Ảnh: Tân Hoa Xã

Là một phần trong nghiên cứu, nhóm của Xu Cheng đã lắp súng máy 7,62mm vào một robot chó. Khẩu súng này có khả năng bắn 750 viên đạn mỗi phút, dù mẫu mã không được nêu rõ. Vũ khí này còn có kính ngắm quang điện tử, giá đỡ giảm chấn và hệ thống nạp đạn tự động. Robot chó bắn 10 phát đạn vào mục tiêu có kích thước bằng con người đứng cách đó 100m.

Sau nhiều đợt bắn, bán kính phân tán một nửa (khoảng cách tối đa giữa tâm mục tiêu và 5 lỗ đạn gần nhất) đo được là khoảng 5cm.

Nói cách khác, nếu robot chó nhắm vào ngực của một người, hầu hết viên đạn sẽ rơi vào vùng tim, một thành tích khó khăn với súng máy vốn được biết đến với hỏa lực trấn áp hơn là độ chính xác.

robot-cho-ban-sung-nhu-dan-chuyen-nghiep-co-tiem-nang-chong-khung-bo-giai-cuu-con-tin1.jpg
Robot chó được thử nghiệm bắn đạn thật trong nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc. Kết quả cho thấy nó có thể bắn tốt hơn những người lính có kinh nghiệm - Ảnh: Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Kinh

Để so sánh, súng trường tấn công M16 (được biết đến với độ chính xác) có bán kính phân tán một nửa tiêu chuẩn của nhà máy là 12cm ở khoảng cách 100m. Các tay súng chuyên nghiệp có thể giảm một nửa con số đó.

Theo các nhà nghiên cứu, công nghệ này có thể có tác động đáng kể đến tương lai của chiến tranh.

Xu Cheng và các đồng nghiệp của ông viết trong bài báo trên Tạp chí Kỹ thuật Trung Quốc: “Chiến tranh đô thị, bao gồm các hoạt động chống khủng bố, nhiệm vụ giải cứu con tin cũng như việc giải phóng đường phố và các tòa nhà, đã dần trở nên nổi bật như một khía cạnh cơ bản của xung đột đương đại. Cảnh quan đô thị, với mê cung những con phố giao nhau và những tòa nhà cao chót vót chen chúc nhau, đặt ra những thách thức đặc biệt cho các nền tảng chiến đấu không người điều khiển. Các nền tảng này phải vượt qua địa hình không có cấu trúc và thực hiện các hành động phức tạp như di chuyển, leo trèo và nhảy, khiến các thiết kế bánh xe và bánh xích truyền thống trở nên không phù hợp.

Các nền tảng bốn chân, dựa trên nguyên tắc sinh học, có thể sử dụng những điểm hỗ trợ mặt đất độc lập để nâng cao tính cơ động và khả năng thích ứng trong môi trường chiến đấu đô thị phức tạp”.

Các quốc gia khác cũng đã thử sử dụng robot chó trong chiến đấu. Ngay từ năm 2015, hãng Boston Dynamics đã phát triển một robot bốn chân khổng lồ cho quân đội Mỹ. Song do tiếng ồn quá lớn và những hạn chế khác, công nghệ này chưa bao giờ vượt quá giai đoạn thử nghiệm.

Đến năm 2020, Boston Dynamics giới thiệu Spot, mẫu robot chó dân sự có giá từ 70.000 USD đến 140.000 USD.

Ở Trung Quốc, ban đầu robot chó của nước này tụt hậu so với các đối tác Mỹ về tiến bộ công nghệ. Thế nhưng, khoảng cách đó đã thu hẹp đáng kể những năm gần đây.

Chó robot Trung Quốc giờ đây có thể đi lên cầu thang, thực hiện các động tác nhào lộn như lộn ngược, vượt qua bãi rác hoặc rừng nhiệt đới và duy trì hoạt động chạy liên tục trong gần 4 giờ khi mang vật nặng 20kg.

Thêm vào đó, nhờ ngành công nghiệp điện tử đang phát triển và chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh của Trung Quốc, giá một con robot chó đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất là 3.000 USD, ít hơn cả mức giá 4.000 USD của một bộ pin dành cho Spot. Song, điều này không có nghĩa là robot chó Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu ngay khi ra khỏi nhà máy.

Từ những bức ảnh được công bố rộng rãi, Quân đội Mỹ thường chỉ đơn giản là đeo vũ khí lên robot chó để thử nghiệm. Theo các nhà khoa học Trung Quốc, cách làm này là sai lầm.

Trong bài báo trên Tạp chí Kỹ thuật Trung Quốc, nhóm của Xu Cheng đã trình bày chi tiết về một giá treo vũ khí có cấu trúc đơn giản, tiết kiệm chi phí và hiệu suất cao dành cho robot chó. Giá đỡ này là cần thiết vì cho phép súng máy được đặt tự do trên lưng chó, đồng thời hấp thụ độ giật một cách hiệu quả để giảm thiểu hiện tượng giật đầu nòng trong quá trình bắn liên tục.

Ngoài ra, Quân đội Mỹ mua robot chó từ nước ngoài nên có thể không hiểu đầy đủ về hoạt động bên trong của chúng. Điều này có thể mang lại những thách thức hơn nữa.

Chẳng hạn, việc dự đoán chính xác trạng thái vật lý sau khi bắn một phát súng đòi hỏi phải mô hình hóa súng và robot chó như một hệ thống linh hoạt tích hợp. Theo các nhà nghiên cứu, các động cơ có độ chính xác cao phân bổ khắp cơ thể robot chó, được điều khiển bằng chip, phải điều chỉnh theo thời gian thực để hấp thụ các tác động phức tạp.

Tại Trung Quốc, với sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến và ngành công nghiệp máy bay không người lái, những vấn đề đầy thách thức này đã được giải quyết. Tuy nhiên, nhóm của Xu Cheng cho biết vẫn còn chỗ để cải tiến hơn nữa với công nghệ hiện tại, chẳng hạn xem xét khoảng cách giữa các khớp trong mô hình vật lý, tăng sức chứa đạn vượt quá 100 viên đạn và xác nhận độ chính xác khi bắn của robot chó lúc đang di chuyển.

Một nhà khoa học AI tại Bắc Kinh cho biết thách thức lớn nhất trong việc triển khai robot chó tham gia chiến đấu không nằm ở công nghệ mà nằm ở đạo đức, theo trang SCMP.

Khi công nghệ AI phát triển nhanh chóng, khả năng hiểu thế giới và đưa ra quyết định của robot chó sẽ tăng lên nhanh chóng, có khả năng vượt qua các ranh giới đạo đức, theo nhà nghiên cứu yêu cầu giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề.

Ông nói: “Robot chó sẽ sớm đạt đến mức có thể độc lập quyết định xem con người có phải là kẻ thù hay không. Vấn đề nan giải cuối cùng sẽ là có nên bóp cò súng không”.

Sơn Vân