CEO Nvidia: AI siêu thông minh có thể xuất hiện trong 5 năm tới
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 09:08, 02/03/2024
CEO Nvidia: AI siêu thông minh có thể xuất hiện trong 5 năm tới
Ông Jensen Huang, Giám đốc điều hành Nvidia, hôm 1.3 nói rằng trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) có thể xuất hiện trong 5 năm tới.
AGI là một AI siêu thông minh, tiên tiến đến mức có thể làm được nhiều việc ngang bằng hoặc tốt hơn con người. AGI cũng có thể tự cải thiện, tạo ra một vòng phản hồi vô tận với khả năng vô hạn.
Theo hãng tin Reuters, Jensen Huang, lãnh đạo hãng chip AI số 1 thế giới, đã trả lời câu hỏi tại diễn đàn kinh tế được tổ chức tại Đại học Stanford (Mỹ) về việc sẽ mất bao lâu để đạt được một trong những mục tiêu lâu dài của Thung lũng Silicon là tạo ra máy tính có thể suy nghĩ như con người.
Ông cho biết câu trả lời phần lớn phụ thuộc vào cách xác định mục tiêu. Theo Jensen Huang, nếu định nghĩa là khả năng vượt qua các bài kiểm tra của con người thì AGI sẽ sớm xuất hiện.
“Nếu đưa ra cho một AI mọi bài kiểm tra bạn có thể tưởng tượng được, bạn lập danh sách đó và đặt trước ngành công nghiệp khoa học máy tính thì tôi đoán trong vòng 5 năm, chúng ta sẽ làm tốt trên mọi thử nghiệm đó”, tỷ phú 61 tuổi cho hay.
Tính đến thời điểm hiện tại, AI có thể vượt qua nhiều bài thi, gồm cả kỳ thi luật sư, nhưng vẫn gặp khó khăn với các bài kiểm tra y khoa chuyên sâu, chẳng hạn nội tiêu hóa. Thế nhưng, Jensen Huang nói rằng trong 5 năm nữa, AI có thể vượt qua được bất kỳ bài kiểm tra nào trong số đó.
Song theo những định nghĩa khác, Jensen Huang nói việc đạt được AGI có thể mất khoảng thời gian dài hơn (5 năm), bởi các nhà khoa học vẫn còn bất đồng về cách mô tả cách thức hoạt động của trí óc con người.
Ông nói: “Vì vậy, AI thật khó để đạt được thành công với tư cách là một kỹ sư” vì các kỹ sư cần có những mục tiêu xác định.
Giám đốc điều hành Nvidia cũng trả lời câu hỏi về việc cần thêm bao nhiêu nhà máy sản xuất chip (fab) trong ngành để hỗ trợ việc mở rộng ngành công nghiệp AI. Các phương tiện truyền thông gần đây đưa tin Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) cho rằng cần có nhiều nhà máy sản xuất chip AI hơn nữa.
Jensen Huang cũng nói sẽ cần nhiều nhà máy hơn, nhưng mỗi chip sẽ trở nên tốt hơn theo thời gian, điều này có tác dụng hạn chế số lượng chip cần thiết. Ông nói: “Chúng tôi sẽ cần nhiều nhà máy hơn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng chúng ta cũng đang cải thiện các thuật toán và quá trình xử lý AI rất nhiều theo thời gian. Không phải hiệu quả tính toán chỉ dừng lại ở mức hiện tại và do đó nhu cầu về chip AI cũng như vậy. Khả năng tính toán của chip AI sẽ được cải thiện gấp một triệu lần trong 10 năm tới”.
Nvidia là hãng chip có giá trị nhất thế giới. Vốn hóa thị trường của Nvidia hiện ở mức 2.060 tỉ USD, là công ty có giá trị thứ ba ở Phố Wall sau Microsoft và Apple, lần lượt ở mức 3.090 tỉ USD và 2.770 tỉ USD.
Cổ phiếu Nvidia đã tăng 66% vào năm 2024 và hiện ở mức 822,79 USDD, sau khi tăng hơn gấp ba lần trong 2023.
Xếp sau Nvidia là Saudi Aramco, tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới. Saudi Aramco hiện có vốn hóa thị trường là 2.045 tỉ USD, nhưng hơn 90% trong số đó do chính phủ Ả Rập Saudi nắm giữ và chưa đến 2% cổ phần của nó có sẵn để các nhà đầu tư giao dịch.
Tháng trước, Sam Altman đã đàm phán với các nhà đầu tư để gây quỹ cho một sáng kiến công nghệ nhằm tăng cường năng lực chế tạo chip của thế giới và mở rộng khả năng cung cấp sức mạnh cho AI cùng nhiều thứ khác, tạp chí Wall Street Journal đưa tin
Báo cáo cho biết dự án có thể yêu cầu huy động từ 5.000 tỉ USD đến 7.000 tỉ USD, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này.
Các kế hoạch gây quỹ của Sam Altman nhằm mục đích giải quyết hạn chế với sự phát triển OpenAI, gồm cả sự khan hiếm chip AI cần thiết để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn làm nền tảng cho ứng dụng AI như ChatGPT, theo Wall Street Journal.
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) đã dự báo doanh số chip toàn cầu sẽ tăng 13,1% lên 595,3 tỉ USD trong năm 2024, so với mức giảm khoảng 8% vào 2023.
Số tiền mà Sam Altman thảo luận là cực kỳ lớn so với tiêu chuẩn gây quỹ của các công ty. Các nhà đầu tư định giá OpenAI ở mức hơn 80 tỉ USD.
Là một phần của cuộc đàm phán, Sam Altman đang đề xuất mối quan hệ hợp tác giữa OpenAI, các nhà đầu tư, hãng sản xuất chip và công ty cung cấp năng lượng, cùng nhau bỏ tiền để xây dựng các nhà máy sản xuất chip mà sau đó sẽ do các hãng chip điều hành.
Theo Wall Street Journal, phần lớn nỗ lực có thể được tài trợ bằng khoản vay và các cuộc thảo luận đang ở giai đoạn đầu.
Cuối tháng 1, Sam Altman đã đến Hàn Quốc gặp gỡ lãnh đạo của Samsung Electronics và SK Hynix (hai hãng sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới) để thảo luận về các mối quan hệ hợp tác tiềm năng để sản xuất chip.
Doanh nhân 38 tuổi người Mỹ có kế hoạch sử dụng hàng tỉ USD mà ông đang cố gắng huy động cho một liên doanh chip nhằm thiết lập mạng lưới các nhà máy sản xuất chip AI, trang Bloomberg đưa tin.
Theo báo cáo, dự án sẽ liên quan đến việc hợp tác với những nhà sản xuất chip hàng đầu và mạng lưới các nhà máy sẽ có phạm vi toàn cầu.
Sản xuất chip rất tốn kém và đòi hỏi một lượng lớn tài nguyên, bên cạnh hàng tỉ USD tài trợ. Chi phí đã tăng lên trong những năm qua khi công nghệ sản xuất chip được sử dụng trong các ứng dụng AI tiến bộ.
Tập đoàn G42 (UAE) và SoftBank Group (Nhật Bản) nằm trong số các công ty đã tổ chức thảo luận với Sam Altman, nhưng các cuộc đàm phán vẫn còn trong giai đoạn đầu.
Theo Bloomberg, các cuộc đàm phán với G42, mà OpenAI hợp tác hồi tháng 10.2023, tập trung vào việc huy động từ 8 tỉ USD đến 10 tỉ USD, nhưng tình trạng hiện tại của việc thảo luận vẫn chưa rõ ràng.
Intel (gã khổng lồ chip Mỹ), TSMC (hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới), Samsung Electronics (hãng chip nhớ số 1 thế giới), SK Hynix (hãng chip nhớ lớn thứ hai thế giới) là những đối tác tiềm năng của OpenAI.
Cả SK Hynix và Samsung Electronics đều sản xuất chip nhớ băng thông cao (HBM) được sử dụng trong chipset AI. Samsung Electronics cũng đóng vai trò là nhà sản xuất chip theo hợp đồng, cạnh tranh trực tiếp với TSMC.
Sam Altman bị hội đồng quản trị OpenAI sa thải hôm 17.11.2023 gây chấn động ngành công nghệ, song ông được khôi phục chức vụ giám đốc điều hành chỉ vài ngày sau đó.
Bloomberg cho biết doanh nhân này đã làm việc chăm chỉ trong dự án chip cho đến lúc tạm thời bị sa thải, và khi trở lại OpenAI, ông tiếp tục với nỗ lực đó. Sam Altman đã đánh tiếng với Microsoft về kế hoạch này và gã khổng lồ về phần mềm Mỹ tỏ ra quan tâm.
Sam Altman: ‘Việc tôi bị sa thải ở OpenAI ít gây căng thẳng hơn so với phát triển AI siêu thông minh’
Sam Altman cho biết việc ông bị sa thải một cách đột ngột và sau đó được quay lại làm Giám đốc điều hành OpenAI ít gây căng thẳng hơn so với cách thế giới tiếp cận việc phát triển AI có khả năng tương đương con người.
"Khi thế giới đến gần AGI, những rủi ro, căng thẳng, mức độ áp lực - tất cả đều sẽ tăng lên", Sam Altman nói tại một buổi thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở trị trấn Davos, Thụy Sĩ hồi giữa tháng 1.
Sự tiến bộ nhanh chóng trong lĩnh vực này và cuộc đua của các công ty để đạt được AGI khiến nhiều chính trị gia kêu gọi việc áp đặt các quy định.
Trong diễn biến khác, Elon Musk vừa kiện OpenAI, Sam Altman cùng nhiều người khác, cáo buộc họ từ bỏ sứ mệnh ban đầu của công ty là phát triển AI vì lợi ích của nhân loại chứ không phải không phải lợi nhuận.
Trong đơn kiện được nộp cuối ngày 29.2, tỷ phú giàu nhất thế giới cho biết Sam Altman và Greg Brockman, hai người cùng ông đồng sáng lập OpenAI, ban đầu tiếp cận Elon Musk để tạo ra một công ty mã nguồn mở, phi lợi nhuận. OpenAI có trụ sở ở thành phố San Francisco (Mỹ).
Việc OpenAI tập trung kiếm tiền đã vi phạm hợp đồng đó, các luật sư của Elon Musk đề cập trong đơn kiện nộp tại San Francisco. Họ thêm rằng công ty đã giữ bí mật hoàn toàn về thiết kế của GPT-4, mô hình trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất của OpenAI.