Thủ tướng: 'Phải thu hút, giữ chân các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới'

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:55, 02/03/2024

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh là thu hút và giữ chân các tập đoàn, công ty lớn, uy tín trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ.
Theo dòng thời sự

Thủ tướng: 'Phải thu hút, giữ chân các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới'

L.H 02/03/2024 11:55

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh là thu hút và giữ chân các tập đoàn, công ty lớn, uy tín trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2024 - Ảnh: VGP

Ngày 2.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2024, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng.

Cùng với việc phân tích, dự báo tình hình tháng 3 và thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cho ý kiến vào những công việc cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, những nhiệm vụ cần triển khai để năm 2024 tăng tốc thực hiện mục tiêu của cả nhiệm kỳ.

Trong đó, người đứng đầu Chính phủ lưu ý những công việc cần làm để thu hút và giữ chân các tập đoàn, công ty lớn, uy tín trên thế giới trong lĩnh vực công nghệ (như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính), việc đẩy mạnh triển khai Đề án 06…

"Chúng ta đang nỗ lực tiếp đón các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang có định hướng vào Việt Nam làm ăn, do đó phải có biện pháp thu hút, giữ chân các nhà đầu tư", Thủ tướng lưu ý.

Nếu làm không nhanh thì mất cơ hội, vì năm ngoái, Việt Nam đã thu hút hơn 36,6 tỉ USD, giải ngân 23,2 tỉ USD, là con số lớn trong tình hình hiện nay. Hai tháng đầu năm nay, thu hút vốn FDI gần 5 tỉ USD, giải ngân vốn FDI gần 2 tỉ USD, dù cao nhưng vẫn còn dư địa lớn hơn. Do đó, phải có biện pháp để đẩy mạnh hơn nữa.

Theo Thủ tướng, Việt Nam đã có Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), có thể hút nhiều hơn các tập đoàn lớn về công nghệ vào hợp tác. Vừa qua, các tập đoàn lớn trên thế giới cũng đã ký kết hợp tác với NIC.

Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; làm mới những động lực tăng trưởng cũ như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình thế giới tháng 2 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động lớn, tình trạng bất ổn, xung đột leo thang tại một số khu vực.

Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, chuyển biến tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, tạo đà cho tăng trưởng và phát triển cả năm.

Tính chung 2 tháng, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,04% so với tháng 1; bình quân 2 tháng tăng 3,67% (cùng kỳ năm 2023 tăng 4,6%).

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng tăng 18,6%, trong đó xuất khẩu tăng 19,2% (khu vực trong nước tăng 33,3%, cao hơn nhiều khu vực FDI (14,7%); nhập khẩu tăng 18%; xuất siêu 4,72 tỉ USD. Thu ngân sách nhà nước 2 tháng ước đạt 23,5% dự toán năm, tăng 10,4%.

An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu gạo 2 tháng đạt 912.000 tấn, kim ngạch 639 triệu USD, tăng lần lượt 74,8% và 96,6% so với cùng kỳ; bảo đảm cân đối cung cầu lao động.

Về một số khó khăn, hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục có chuyển biến nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức; việc tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn; một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

L.H