Sóc Trăng: 'Kẻ khóc người cười' khi đối mặt với hạn mặn

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 22:20, 02/03/2024

Mùa khô ở Sóc Trăng đang diễn biến phức tạp, ngành chức năng đã dự báo độ khốc liệt của hạn mặn và khuyến cáo nông dân cần chọn mô hình sản xuất phù hợp để tránh rủi ro...
Kinh tế - đầu tư - dự án

Sóc Trăng: 'Kẻ khóc người cười' khi đối mặt với hạn mặn

Văn Kim Khanh - Lương Xuân Cao 02/03/2024 22:20

Mùa khô ở Sóc Trăng đang diễn biến phức tạp, ngành chức năng đã dự báo độ khốc liệt của hạn mặn và khuyến cáo nông dân cần chọn mô hình sản xuất phù hợp để tránh rủi ro...

Hàng nghìn héc ta lúa đang “khát” nước

Dù đã được chính quyền và ngành chức năng khuyến cáo nhưng do giá lúa đang sốt nên nhiều nông dân ở một số địa phương của tỉnh Sóc Trăng vẫn xuống giống lúa vụ 3 (vụ đông xuân muộn). Và kết quả, hiện nay hàng nghìn héc ta lúa đang đứng trước nguy cơ thiệt hại vì thiếu nước ngọt.

ray-10.jpg
Hạn mặn người trồng lúa đang khóc ròng - Ảnh: Lương Xuân Cao

Tại huyện Long Phú, nông dân xuống giống trên 6.000ha lúa vụ 3 thì hiện tại đã có trên 3.400ha bị thiếu nước, xâm nhập mặn, trong đó có 641ha bị thiếu nước kết hợp ngộ độc phèn.

Ông Nguyễn Văn Tư, một nông dân ở huyện Long Phú cho biết: "Ở địa phương, nhiều hộ xuống giống lúa vụ 3 và đang đứng trước nguy cơ thất bại vì thiếu nước tưới, trong đó có một số diện tích bị chết khô do nước mặn nên địa phương đã đóng các cống lại, nước ngọt dự trữ trên sông thì đang cạn dần".

ray-11.jpg
Hạn làm cho nhiều kênh rạch ở Sóc Trăng trơ đáy - Ảnh: Lương Xuân Cao

Nói về việc xuống giống vụ 3, ông Tư cho biết: "Do lúa đang có giá cao nên nhà nông chúng tôi làm liều xuống giống vì năm ngoái làm khá trúng. Không ngờ năm nay hạn mặn sớm, căng hơn nên thiệt hại".

Dọc theo đường 934B, nhiều nông dân của huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đang như ngồi trên lửa vì lúa mới xuống giống được hơn nửa tháng nhưng thiếu nước tưới.

ray-12.jpg
Rất ít ruộng đủ nước trong khi nhiều nơi nước bị nhiễm mặn - Ảnh: Lương Xuân Cao

Theo số liệu của ngành nông nghiệp Sóc Trăng, đến nay, toàn tỉnh có 41.000ha lúa vụ 3 đã xuống giống, trong đó có khoảng 10.500ha nằm ngoài kế hoạch. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện có hơn 3.000ha đang đối mặt với nguy cơ thiệt hại do khô hạn, thiếu nước. Nồng độ mặn đo được tại ruộng hiện đã cao hơn độ mặn tại kênh đầu nguồn cần lấy nước.

ray-7.jpg
Canh tác lúa trong mùa này gần như thất bại do hạn mặn gay gắt - Ảnh: Lương Xuân Cao

Sống khoẻ trong mùa hạn mặn vì chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý

Khác với những nông dân “đánh bạc với trời” khi xuống giống lúa vụ 3, nhiều nhà nông ở Sóc Trăng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, đưa cây hoa màu xuống ruộng lúa ngay giữa mùa khô. Mô hình này đã phát huy hiệu quả, cho thu nhập ổn định, thích ứng với tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt như hiện nay.

ray-1.jpg
Mô hình trồng màu có kết quả tốt ở Sóc Trăng - Ảnh: Lương Xuân Cao

Những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3.2024, ngay giữa vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn, mặn xâm nhập thuộc huyện Long Phú, thế nhưng 10 công đất trồng dưa leo (dưa chuột) của ông Nguyễn Tiền Khanh ở ấp Cái Xe, xã Tân Thạnh vẫn xanh tươi, cho thu hoạch trái bán mỗi ngày.

ray-3.jpg
Khác với trồng lúa, trồng màu nhiều người trúng đậm - Ảnh: Lương Xuân Cao

Ông Khanh cho biết: "Vùng này chỉ có thể sản xuất 2 vụ lúa, mùa khô, mặn xâm nhập thường xuyên thiếu nước ngọt nên phần lớn bà con hạn chế sản xuất lúa vụ 3. Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, tôi và các thành viên trong gia đình đã bàn nhau và quyết định chuyển đổi từ sản xuất lúa sang trồng màu".

Theo ông Khanh, để sản xuất được quanh năm, kể cả mùa khô, ông đã dành gần 3.000m2 đất để đào ao, chứa nước ngọt, đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho cây màu, đồng thời đầu tư thêm hệ thống tưới tiêu tiết kiệm. Sau nhiều năm chuyển đổi, mô hình giúp gia đình có thu nhập quanh năm.

ray-6.jpg
Trời nắng tốt dưa - Ảnh: Lương Xuân Cao

"Anh em chúng tôi trồng khoảng 10.000m2. Hiện tại dưa leo phát triển tốt và đang thu hoạch. Mùa hạn mặn này chúng tôi dự trữ nước trong ao, tận dụng các mương liếp, chứa nước từ mùa mưa cho tới nay, chứ không lấy nước nhiễm mặn từ bên ngoài vào nên tưới tiêu thoải mái. Ngoài ra chúng tôi còn ứng dụng kỹ thuật tưới bằng đường ống tiết kiệm nên cũng hạn chế lượng nước thất thoát”, ông Khanh cho biết thêm.

ray-2.jpg
Nhiều nơi trồng rẫy tận dụng nước ao hồ - Ảnh: Lương Xuân Cao

Ở xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên), nông dân đã xây dựng và thực hiện khá thành công mô hình trồng dưa hấu dưới chân ruộng giữa mùa khô hạn. Hằng năm, sau khi kết thúc vụ lúa đông xuân, bà con tìm những thửa ruộng ở vùng đất gò, cao để đầu tư trồng dưa hấu.

Ông Thạch Giàu (ấp Sóc Bưng) cho biết: "Cứ vào mùa khô là tôi lại chọn một số ruộng để trồng dưa hấu. Năm ngoái, dưa hấu trúng mùa, được giá, tôi kiếm lợi nhuận gần 50 triệu đồng/công (1.000m2) sau 2 tháng trồng và chăm sóc. Làm ruộng thì phải bơm nước đầy, còn dưa hấu mình chỉ cần tưới nước mỗi ngày, một ngày tưới 2 lần, đủ nuôi sống cây dưa là được".

ray-4.jpg
Phần lớn các ruộng dưa năm nay trúng mùa - Ảnh: Lương Xuân Cao

Ông Danh Giàu (phường 7, TP.Sóc Trăng) vui vẻ khi gia đình vừa thu hoạch 8.000m2 dưa hấu trồng dưới ruộng lúa.

Ông Giàu cho biết: "Trồng lúa vụ 3 rủi ro rất cao, còn trồng dưa hấu thì chắc chắn thắng lợi bởi dưa hấu là loại cây màu ngắn ngày, không sử dụng nước nhiều như lúa nên rất phù hợp sản xuất vào mùa hạn. Còn so sánh kinh tế thì dưa thu về lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa".

Theo ông Giàu, năng suất dưa hấu đạt 3 tấn/1.000m2, thương lái mua tại ruộng với giá 6.000 đồng/kg. Sau khi đã trừ chi phí, gia đình thu về khoảng 10 triệu đồng/1.000m2. Tính ra lời gấp 2 đến 3 lần trồng lúa.

ray-6.jpg
Ruộng dưa của nông dân Long Phú - Ảnh: Lương Xuân Cao

Ông Lê Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên) cho biết mô hình trồng màu, đặc biệt là dưa hấu dưới chân ruộng tại địa phương đã thực hiện được nhiều năm và khẳng định được hiệu quả kinh tế, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập.

“Chúng tôi thường xuyên vận động bà con vừa thực hiện 2 vụ lúa, 1 vụ màu để đảm bảo nguồn nước trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập, hạn hán” - ông Quang nói.

Văn Kim Khanh - Lương Xuân Cao