DN chậm mua chờ giá lúa giảm, ‘nữ tướng’ Vinafood 1 nói nông dân vẫn có lãi
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 19:59, 03/03/2024
DN chậm mua chờ giá lúa giảm, ‘nữ tướng’ Vinafood 1 nói nông dân vẫn có lãi
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) chia sẻ thêm về thông tin giá lúa giảm khoảng 30% và hiện tượng các doanh nghiệp (DN), nhà nhập khẩu chậm mua để chờ giá xuống.
DN chậm mua lúa, chờ giá xuống?
Năm 2023, thị trường lương thực toàn cầu có nhiều biến động bất thường, nhưng ngành lúa gạo đã xuất khẩu trên 8,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4,7 tỉ USD, tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức cao nhất trong 16 năm qua.
Tại thời điểm biến động lớn về lúa gạo tháng 8.2023, một số nước đã có chính sách cấm xuất khẩu gạo. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ra Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5.8.2023, giao 3 nhiệm vụ: đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tận dụng thời cơ giá cao để tăng sản xuất và xuất khẩu.
Kết quả là vừa tiêu thụ được lúa cho nông dân, đảm bảo tiêu dùng trong nước, xuất khẩu hiệu quả và thực hiện trách nhiệm quốc tế.
Bước vào năm 2024, sản lượng lúa dự kiến vẫn đạt 43 triệu tấn và sau khi đảm bảo an ninh lương thực, mục tiêu xuất khẩu là 7,5 – 8 triệu tấn gạo. Hiện nay là tháng 3.2024, vào chính vụ đông xuân - vụ lớn nhất trong năm với lượng thu hoạch khoảng 6 triệu tấn gạo, trong đó 3 triệu tấn dành cho xuất khẩu.
Năm 2024, theo đánh giá của các cơ quan, tình hình xuất khẩu gạo vẫn thuận lợi. Tuy nhiên, trong công điện mới đây, Thủ tướng nêu hiện tượng hiện tượng DN chờ đợi giá lúa xuống thấp còn người dân mong muốn bán được giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023.
Thủ tướng cho rằng nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các DN và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa.
Nông dân vẫn có lãi, giá lúa cao hơn các vụ trước
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) chia sẻ rằng vừa qua có thông tin là giá lúa giảm khoảng 30% và các DN, nhà nhập khẩu chậm mua để chờ giá xuống.
“Do giá lúa gạo trong thời gian tăng cao liên lục trong quý 3, 4/2023 sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm từ giữa tháng 1.2024, mức giảm là từ trên 9.000 đồng/kg xuống 7.300 đến 7.800/kg. Tuy giá giảm nhưng vẫn cao hơn của vụ đông xuân năm 2023 và đặc biệt là vẫn cao hơn giá của các vụ trước”, bà Tâm nói.
Bà Tâm khẳng định giá lúa hiện nay người dân vẫn có lãi khoảng 60% theo giá thành sản xuất mà Hiệp hội tài chính đã công bố là khoảng 4.000 đồng/kg và giảm trên nền giá cao đột biến. Năm 2023 giá tăng đột biến và hiện nay giảm nhưng giảm trên nền giá cao trước đó.
Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, trước đây, Chính phủ đã đặt mục tiêu là đảm bảo cho người dân có lãi 30%. 35 năm Việt Nam tham gia xuất khẩu lúa gạo thì hầu hết cứ mỗi một năm, vào vụ đông xuân thì các cuộc họp về lúa gạo đều trở thành đề tài nóng.
“Chính phủ rất quân tâm đến người nông dân. Có những thời điểm, khoảng 7-10 năm trở về trước, mỗi khi đến vụ nếu giá gạo bán dưới giá thành thì Chính phủ lại triển khai việc mua tạm trữ và cho các DN thu mua để kích giá lúa gạo của người nông dân lên”, bà Tâm nêu.
Đại diện Vinafood 1 cho rằng với việc làm này thì Chính phủ phải bù tiền hỗ trợ lãi suất ngân hàng và không bảo đảm tính quy luật thị trường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, không những được mùa mà lại được giá.
"Đây là thành công rất lớn và đây cũng là cả một quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chỉ đạo sát sao của Chính phủ", bà Tâm nói.
Vì sao giá gạo giảm?
Bà Tâm cho rằng nguyên nhân dẫn đến giá gạo giảm như vừa qua là do hiện nay thu hoạch chính vụ, tất cả các cánh đồng đều thu hoạch và các tỉnh đều thu hoạch cùng thời điểm.
Lý do vì năm ngoái, khi được giá thì các tỉnh đồng thời gieo hạt và nông dân rất phấn khởi, nên cùng triển khai. Hiện nay tất cả các vùng cùng thu hoạch một lúc thì nảy sinh sự ùn ứ từ ruộng, từ nhà máy, thậm chí từ các cảng nội địa. Hơn nữa để thu mua được 6 triệu tấn gạo, phải chuẩn bị về tín dụng ngân hàng, chuẩn bị logistics nên sẽ ùn ứ, chậm hơn.
Bên cạnh đó, hiện nay Thái Lan, Philippine, Indonesia cũng cũng thu hoạch vào đúng tháng 3-5. Ngoài ra, một số nước châu Phi hiện nay đang tồn nhiều gạo. Philippines hiện cũng tồn gạo với giá cao nên họ phải tiêu thụ ở trong nước trước, sau đó mới tiếp tục nhập khẩu.
"Vừa qua, Vinafood 1 có chào hàng một số nhà nhập khẩu nhưng họ nói "sẽ nghiên cứu thêm và có thể trao đổi sau". Giá cả thị trường thế giới hiện nay đang có sự điều chỉnh. Việt Nam chỉ chiếm 15-18% tổng lượng xuất khẩu gạo của toàn thế giới", bà Tâm nêu.
Cũng theo bà Tâm, tháng 1 vừa qua Việt Nam tham gia đấu thầu ở Indonesia với số lượng rất lớn. Tổng số lượng mời thầu là 500.000 tấn nhưng các nhà xuất khẩu Việt Nam đã trúng đến gần 400.000 tấn với giá cao.
“Với giá như hiện nay, người nông dân hoàn toàn có lãi và rất là phấn khởi. Chắc chắn với giá này thì người nông dân vẫn tiếp tục tăng sản lượng”, bà Tâm nêu.
Bà Tâm đề xuất, với Tổng cục Dự trữ Nhà nước, thông thường cứ vào tháng 3 thì Tổng cục sẽ tổ chức mở thầu với số lượng khoảng 200-250 nghìn tấn gạo. Số lượng này cũng đủ để đóng góp vào việc kích cầu.
“Nếu điều kiện cho phép, đề nghị Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính cho tiến hành sớm chương trình thu mua dự trữ vì các DN cần có hợp đồng để triển khai và đặc biệt là bảo đảm chất lượng trong kho”, bà Tâm nói.
Theo bà Tâm, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại đều quan tâm đến các DN xuất khẩu gạo, DN chế biến. Năm nay, tình hình có nhiều khó khăn nên đề nghị các ngân hàng tiếp tục quan tâm, giảm lãi suất, đồng thời nới lỏng các điều kiện cho vay.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Vinafood 1 có nêu việc xuất khẩu gạo khó khăn do giá xuống, một số nước không chào gạo Việt Nam, một số thương nhân bỏ "kèo" khi mua hàng của bà con.
“Đây là hiện tượng có thật, nhưng suy cho cùng vẫn là do chúng ta. Bằng giờ này năm ngoái, chúng tôi đã cùng Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trong miền Nam đã nói rất rõ điều này. Hai bộ sẽ tiếp tục bàn và tham mưu Thủ tướng giải quyết vấn đề này trong tương lai gần. Nhưng điều quan trọng bây giờ là Hiệp hội Lúa gạo Việt Nam, các tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực này phải là đầu tàu trong việc kiểm soát được giá, cũng như kiểm soát chất lượng đầu vào. Có như vậy chúng ta mới có được bạn hàng, mới kinh doanh hiệu quả trong tương lai”, ông Diên nói.