Mỹ truy tố kỹ sư phần mềm người Trung Quốc vì trộm bí mật thương mại AI từ công ty mẹ Google
Thế giới số - Ngày đăng : 08:30, 07/03/2024
Mỹ truy tố kỹ sư phần mềm người Trung Quốc vì trộm bí mật thương mại AI từ công ty mẹ Google
Một cựu kỹ sư phần mềm của Google đã bị truy tố tại bang California (Mỹ) với cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) từ công ty mẹ Alphabet, nhằm mang lại lợi ích cho hai hãng Trung Quốc mà anh ta đang bí mật làm việc, theo hãng tin Reuters.
Linwei Ding (còn được gọi là Leon Ding) đã bị bồi thẩm đoàn liên bang ở thành phố San Francisco (bang California) cáo buộc 4 tội danh đánh cắp bí mật thương mại.
Người đàn ông 38 tuổi quốc tịch Trung Quốc này đã bị bắt giữ vào sáng 6.3 tại nhà riêng ở thành phố Newark (bang California). Hiện chưa xác định được luật sư bào chữa cho Linwei Ding.
Bản cáo trạng về Linwei Ding được công bố chỉ hơn một năm sau khi chính quyền Biden thành lập lực lượng liên ngành mang tên Disruptive Technology Strike Force nhằm ngăn chặn các công nghệ tiên tiến bị những quốc gia như Trung Quốc và Nga thâu tóm hoặc có khả năng đe dọa an ninh quốc gia.
"Bộ Tư pháp sẽ không khoan nhượng với hành vi đánh cắp bí mật thương mại và thông tin tình báo của chúng tôi", Bộ trưởng Tư pháp Mỹ - Merrick Garland phát biểu tại một hội nghị ở San Francisco.
Theo bản cáo trạng, Linwei Ding đã đánh cắp thông tin chi tiết về cơ sở hạ tầng phần cứng và nền tảng phần mềm giúp các trung tâm dữ liệu siêu máy tính của Google đào tạo các mô hình AI lớn thông qua học máy.
Học máy là một lĩnh vực trong AI tập trung vào việc phát triển các thuật toán và mô hình máy tính có khả năng học hỏi từ dữ liệu và cải thiện hiệu suất của chúng theo thời gian mà không cần lập trình cụ thể. Các hệ thống học máy có khả năng tự động tìm hiểu và áp dụng kiến thức từ dữ liệu để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như phân loại, dự đoán, nhận dạng mẫu và tối ưu hóa quyết định.
Những ứng dụng của học máy rất đa dạng như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, xe tự hành, dự đoán thời tiết, quản lý dữ liệu lớn...
Học máy đã có sự tiến bộ đáng kể trong thập kỷ gần đây, nhờ sự phát triển của các mô hình học sâu và khả năng xử lý dữ liệu lớn (big data), mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp và cải thiện hiệu suất trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Thông tin bị Linwei Ding đánh cắp bao gồm các chi tiết về chip và hệ thống, cũng như phần mềm giúp vận hành một siêu máy tính "có khả năng thực thi ở vị trí hàng đầu về công nghệ học máy và AI", bản cáo trạng cho biết.
Google đã tạo ra một số bản thiết kế chip để cố gắng vượt qua các đối thủ cạnh tranh về điện toán đám mây như Amazon, Microsoft và giảm sự phụ thuộc vào chip của Nvidia. Theo Reuters, Linwei Ding đã đánh cắp những bản thiết kế này.
Được Google tuyển dụng vào năm 2019, Linwei Ding bắt đầu hành vi đánh cắp ba năm sau đó, trong khi anh được mời làm giám đốc công nghệ cho một công ty Trung Quốc giai đoạn sơ khai và đến tháng 5.2023 đã tải lên hơn 500 file mật, theo bản cáo trạng.
Bản cáo trạng cho biết Linwei Ding đã thành lập hãng công nghệ của riêng mình vào tháng 5.2023 và lưu hành một tài liệu trong nhóm chat có nội dung: "Chúng ta có kinh nghiệm với nền tảng sức mạnh tính toán 10.000 card của Google; chúng ta chỉ cần sao chép và nâng cấp nó".
10.000 card trong trường hợp này đề cập đến một nền tảng sức mạnh tính toán được Google sử dụng để đào tạo các mô hình AI lớn. Nền tảng này bao gồm 10.000 bộ tăng tốc phần cứng (thường được gọi là card) được liên kết với nhau để tạo ra một hệ thống siêu máy tính mạnh mẽ.
Nền tảng này cho phép Google thực hiện các tác vụ học máy phức tạp, chẳng hạn xử lý lượng dữ liệu khổng lồ, huấn luyện các mô hình AI với độ chính xác cao, thực hiện các dự đoán và phân tích phức tạp
Việc sử dụng 10.000 card giúp Google có thể đạt được tốc độ xử lý nhanh hơn, xử lý các mô hình AI lớn hơn, tiết kiệm chi phí so với việc sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây của bên thứ ba.
Google nghi ngờ Linwei Ding vào tháng 12.2023 và tịch thu máy tính xách tay của anh ta hôm 4.1.2024, một ngày trước khi kỹ sư phần mềm người Trung Quốc này dự định từ chức.
Jose Castaneda, phát ngôn viên của Google, cho biết: "Chúng tôi có các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt để ngăn chặn việc đánh cắp thông tin và bí mật thương mại. Sau khi điều tra, chúng tôi phát hiện thấy nhân viên này đã đánh cắp nhiều tài liệu và nhanh chóng chuyển vụ việc cho cơ quan thực thi pháp luật".
Linwei Ding phải đối mặt với án tù lên đến 10 năm và khoản tiền phạt 250.000 USD cho mỗi tội danh hình sự.
Hồi tháng 8.2020, Anthony Levandowski (cựu kỹ sư Google người Mỹ gốc Pháp) đã bị tòa án ở California bị kết án 18 tháng tù sau khi thừa nhận tội đánh cắp bí mật thương mại của gã khổng lồ công nghệ Mỹ trước khi tham gia vào chế tạo xe tự lái cho dịch vụ gọi xe ở Uber.
Anthony Levandowski, kỹ sư chủ chốt trong dự án xe tự lái của Google trước khi gia nhập Uber, còn phải nộp phạt số tiền phạt là 850.000 USD.
Đầu năm 2016, Anthony Levandowski đã rời Google để thành lập công ty xe tải tự lái của riêng mình có tên Otto. Công ty này sau đó được Uber mua lại với giá 680 triệu USD.
Song trước khi rời Google, Anthony Levandowski đã tải xuống hàng loạt các dữ liệu công nghệ xe tự lái của Google. Anh ta phải đối mặt với 33 tội danh trộm cắp tài sản trí tuệ và đã nhận tội tại phiên toà hồi tháng 8.2020.
Những lời buộc tội đã biến Anthony Levandowski, chuyên gia từng được đánh giá cao về chuyên môn trong lĩnh vực xe tự lái, trở thành nhân vật xấu xa ở Thung lũng Silicon.
Ngoài việc kết án Anthony Levandowski 18 tháng tù, thẩm phán ở California đã tuyên phạt anh 95.000 USD và yêu cầu phải trả cho Waymo 756.499 USD để bồi hoàn các chi phí phải chịu khi điều tra.
Điều đáng chú ý là Levandowski đã nộp đơn xin phá sản vào đầu năm 2020 sau khi một tòa án khác giữ nguyên phán quyết yêu cầu anh phải trả cho Google 179 triệu USD. Đa phần số tiền phạt này là phần thưởng mà Levandowski đã nhận được cho công việc của mình với những chiếc xe tự lái.
Với tư cách là nạn nhân, Waymo đã nói rằng: “Hành vi sai trái của Levandowski là vô cùng có hại cho Waymo, đó là một sự phản bội, và những ảnh hưởng tài chính có thể còn nghiêm trọng hơn nữa nếu không bị phát hiện”.
Waymo là công ty con thuộc Alphabet, chuyên phát triển công nghệ xe tự lái. Google từng thuê Levandowski thực hiện một phần nhỏ dự án trong Waymo.
Trong các tài liệu tranh luận lý do tại sao Levandowski xứng đáng phải ngồi tù, luật sư David Anderson gọi hành vi trộm cắp của anh ta là "trơ trẽn và gây sốc".
David Anderson viết rằng: “Hành động của Levandowski cho thấy rằng anh ta muốn được thế giới coi mình là nhà phát minh những chiếc xe tự lái giống như cách Alexander Graham Bell được ghi nhận là người phát minh ra điện thoại”.